Bài học sáp nhập cay đắng của LienVietPostBank: Khi 1 + 1 không phải bằng 2

05/04/2016 09:04 AM | Kinh doanh

Khi một DN tiến hành thâu tóm hay sáp nhập với một DN khác, cả hai đều kỳ vọng sự kết hợp này sẽ tạo ra một hệ thống mới có quy mô ít nhất phải lớn hơn cả 2 cộng lại, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, đời thực không phải lúc nào cũng như mơ...

Một trong những thương vụ M&A nổi bật năm 2011 là việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nhận sáp nhập Dịch vụ Tiết kiệm bưu điện và Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (Thuộc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam).

Tại sao LienVietPostBank lại chọn phương án sáp nhập này? Thời điểm đó, ngân hàng này đặt niềm tin vào hệ thống bưu điện trên cả nước sẽ đóng luôn vai trò như điểm giao dịch của Ngân hàng.

Như vậy, LienVietPostBank sẽ có tới 10.000 điểm giao dịch trên cả nước. Đây là lượng điểm giao dịch khổng lồ mà theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank khi đó nhận xét rằng, "phải mất cả trăm năm mới thiết lập được".

Đó cũng là lý do LienVietPostBank sẵn sàng trả giá cho thương vụ này cao hơn hẳn so với mức giá thị trường khi ấy. Kỳ vọng của ngân hàng này đó là sau khi tiến hành sáp nhập, một hệ thống mới hình thành sẽ có quy mô bằng ít nhất cả 2 hệ thống cũ gộp lại, và tiếp tục tăng nhanh và to hơn nữa trong tương lai.

Tuy nhiên, đời thực không phải lúc nào cũng như mơ. Những con số sau gần 5 năm sáp nhập lại cho thấy một kết quả khác.

Theo báo cáo của Tổng giám đốc LienVietPostBank, tính đến cuối năm 2015, ngân hàng có 1.081 Phòng giao dịch Bưu điện. Thế nhưng, hệ thống Phòng giao dịch Bưu điện này chỉ đem lại cho LienVietPostBank dư nợ cho vay 2.154 tỷ đồng. Một con số quá thất vọng.

Với gần 50.000 khách hàng cá nhân và 50.300 khoản vay. Tính trung bình năm qua, mỗi phòng giao dịch đem lại khoảng 2 tỷ đồng dư nợ cho ngân hàng, với chưa tới 50 khách hàng.

Hóa ra, người dân không thích tới bưu điện gửi tiền như LienVietPostBank dự tính.

Xét về kết quả kinh doanh, ngân hàng cũng gây thất vọng khi từ năm 2011 đến nay, lợi nhuận liên tục sụt giảm, từ 1.086 tỷ đồng năm 2011 xuống chỉ còn 422 tỷ đồng năm 2015, tương ứng giảm hơn 60% sau 4 năm.

Về tăng trưởng tín dụng, các năm 2012, 2013, 2014 LienVietPostBank đều tăng trưởng tốc độ cao nhưng sang năm 2015 tín dụng bất ngờ khựng lại, tăng trưởng âm 0,2%.


Đồ thị dạng cắm đầu này rõ ràng không phải là điều LienVietPostBank mong đợi

Đồ thị dạng "cắm đầu" này rõ ràng không phải là điều LienVietPostBank mong đợi

"Đâm lao phải theo lao", LienVietPostBank cho biết, sang năm 2016, ngân hàng có kế hoạch khai trương 5 chi nhánh, 36 phòng giao dịch và trên 50 phòng giao dịch Bưu điện. Nếu thực hiện theo kế hoạch này, đến cuối năm 2016, LienVietPostBank sẽ có khoảng 63 chi nhánh và 79 phòng giao dịch trên cả nước.

Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, chiến lược cho năm tới của ngân hàng vẫn là tập trung phát triển khách hàng cá nhân, hộ gia đình, SME, thông qua đẩy mạnh hoạt động bán lẻ trên hệ thốn Phòng giao dịch Bưu điện.

Tuy nhiên, với hệ thống chỉ phục vụ trung bình 50 khách hàng/1 Phòng giao dịch thì có lẽ LienVietPostBank sẽ cần những bước tiến thần kỳ mới có thể hoàn thành kế hoạch đề ra.

Câu chuyện của Liên Việt, cũng là bài học cho các DN Việt. M&A là một liều thuốc tốt để xây dựng hệ thống quy mô trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ một chiến lược nào khác, nó luôn tồn tại rủi ro. 1 + 1, đôi khi không thể bằng 2.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM