Bác sỹ BV Bưu Điện: Không có thuốc bổ phổi hậu Covid-19, người dân hãy cẩn trọng với "ma trận" thuốc "online"

20/03/2022 08:09 AM | Sống

Lợi dụng tâm lý F0 sau khi khỏi bệnh lo ngại bị hậu Covid-19, hàng loạt các loại thuốc bổ phổi, thực phẩm chức năng diệt virus được bán công khai trên MXH khiến không ít người dân lâm vào cảnh tiền mất tật mang.

Tràn ngập thuốc bổ phổi trên mạng

Hiện nay, không khó để tìm mua các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Chỉ cần search "thuốc bổ phổi" trên Google và các ứng dụng mạng xã hội, người dùng có thể tìm được hàng chục loại thực phẩm chức năng có công dụng kể trên với nguồn gốc "xách tay" từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...

Đáng nói, người bán hàng dù không phải là bác sỹ nhưng vẫn tự tin quảng cáo đây là thuốc "xịn" được các nước tiên tiến về y học tin dùng vì có tác dụng giải độc phổi, chữa được bệnh hậu Covid-19... Thậm chí, các "thầy thuốc online" còn đưa ra bằng chứng nhiều người mua đã ổn định sức khỏe dù trước đó bị hậu Covid nặng nề.

Được người quen giới thiệu, chị N. (30 tuổi, Hà Nội) đã mua một lọ thực phẩm chức năng của Nhật để bổ sung dưỡng chất cho phổi sau thời gian điều trị Covid-19. Chị N. cũng cho biết, dù người bán không phải dược sĩ nhưng do có quen từ trước nên chị tin tưởng.

Bác sỹ BV Bưu Điện: Không có thuốc bổ phổi hậu Covid-19, người dân hãy cẩn trọng với ma trận thuốc online - Ảnh 1.

Hàng loạt loại thuốc bổ phổi được đăng bán trên mạng

Tương tự, chị V.H.Y (Giáp Bát, Hà Nội) cho biết, dù đã âm tính nhưng bản thân vẫn bị ho dữ dội, người mệt mỏi nên chị đã liên lạc với một shop online do bạn bè giới thiệu để mua thuốc bổ. Trong thời gian rất nhanh, chị đã được chủ shop nhiệt tình tư vấn và chi gần 8 triệu đồng để mua thuốc cho cả gia đình cùng uống.

Không có thuốc nào là bổ phổi

Trong buổi Livestream tư vấn, điều trị F0 tại nhà, Thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ Dương Văn Trung- Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện cho biết, những ngày đầu mới nhiễm SARS-CoV-2, virus tấn công dồn dập tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào bảo vệ lông mao. Sau đó, chúng làm bong tróc lớp bảo vệ này. Khi mất đi lớp bảo vệ, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập. Cách thức tấn công này khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 bị viêm cả 2 lá phổi.

Sau giai đoạn một, nếu hệ miễn dịch bệnh nhân đủ khỏe, sẽ hồi phục dần. Nếu yếu, bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là phổi tổn thương nặng và tiếp tục lan rộng dẫn tới suy hô hấp cấp tính (thở nhanh, khó thở, tím tái…). Như vậy, SARS-CoV-2 xâm nhập vào phổi ảnh hưởng trực tiếp đến các phế nang, là nơi trao đổi khí.

Bác sỹ BV Bưu Điện: Không có thuốc bổ phổi hậu Covid-19, người dân hãy cẩn trọng với ma trận thuốc online - Ảnh 2.

Thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ Dương Văn Trung- Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện. Ảnh: FBNV

Một biến chứng khác cũng hay gặp trong giai đoạn hậu Covid-19 đó là xơ phổi. Đây là tình trạng các nhu mô trong phổi bị tổn thương, dày lên, xơ cứng, mất chức năng đàn hồi và tạo thành sẹo ở phổi. Nguyên nhân là nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính sẽ không thể phục hồi trạng thái bình thường, mà thay bằng những mô xơ.

Vị chuyên gia này giải thích thêm xơ phổi dẫn đến không thực hiện được chức năng trao đổi khí C02 và 02 ở phổi, gây khó thở, đặc biệt là khi vận động thể lực. Đây là một trong những biến chứng dai dẳng ảnh hưởng đến khả năng lao động.

Liên quan đến vấn đề nhiều người dân sử dụng thuốc bổ phổi sau khi khỏi Covid-19, bác sĩ Trung cho biết, thuốc bổ là các loại có thành phần vitamin, chất khoáng, axit amin... Các thuốc này có tác dụng bổ sung vi chất, làm trẻ hóa tế bào, tăng cường khả năng biến đổi thức ăn thành dưỡng chất nuôi cơ thể.

Sau Covid-19, chức năng phổi có thể sớm trở lại như bình thường, sau 6 tháng hoặc kéo dài hơn nữa, thậm chí có tổn thương không hồi phục.

"Cách phục hồi phổi tốt nhất chính là liệu pháp tập thở, giúp cho các phế nang giãn ra đưa lượng khí vào phổi nhiều nhất. Các bài tập tôi thường khuyên bệnh nhân thực hiện là thở ngực, thở bụng... Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng tốt và luyện tập thể thao tùy theo sức khỏe của mỗi người. Thực tế, không có thuốc nào là bổ phổi hậu Covid-19. Người dân nên cẩn trọng, tránh tiền mất tật mang", TS Dương Văn Trung nói.

Ông nhấn mạnh thực phẩm chức năng giống như "dao hai lưỡi". Người dân bổ sung dư thừa, không đúng cách có thể gây hại cho cơ thể. Nếu sau khi khỏi Covid-19, bệnh nhân vẫn bị ho nặng kéo dài, tức ngực, mất ngủ, khó thở, suy nhược thì nên đến bệnh viện khám để biết rõ về tình trạng sức khỏe.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM