Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: Ngày nay, chúng ta mải mê làm việc bằng trí não nhiều quá! Thay vào đó hãy thường xuyên đặt tay lên tim tự vấn bản thân!

19/08/2019 09:50 AM | Kinh doanh

Hiện tại, nhiều người mới chỉ quan tâm tới sức khỏe thể chức mà lơ là sức khỏe tâm thần – xã hội. Hạnh phúc khác an lạc, muốn vừa hạnh phúc vừa an lạc, chúng ta phải chấp nhận 2 điều: cái chết và mọi sự nên tùy duyên.

Mặc dù đã về hưu từ rất lâu, nhưng vị bác sĩ từng nổi tiếng nhất nhì Việt Nam – Đỗ Hồng Ngọc chưa bao giờ lơ là với thời cuộc. Cách đây vài hôm, ông đã xuất hiện trong buổi Workshop do YBA tổ chức, với chủ đề Doanh nhân tự tại: Tìm trong chính mình, để nói về những trải nghiệm của mình trong suốt bước đường chữa bệnh cho người dân cũng như doanh nhân.

Theo vị bác sĩ – nhà văn này, ngày nay rất ít người hiểu rõ tường tận về sức khỏe, ngay cả người trong nghề là các bác sĩ. "Thật ra, bác sĩ chính là những người nhiều bệnh tật nhất, mỗi khi họ mắc bệnh toàn bị nặng. Như tôi đã phải mổ hộp sọ 2 lần. Nhiều bác sĩ chỉ giỏi về bệnh chứ không giỏi về sức khỏe", ông dí dỏm kể.

Vậy thế nào là sức khỏe? Sức khỏe là tình trạng hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tâm thần và xã hội. Ngày nay, nhiều bạn trẻ chỉ chăm tập gym cho eo thon – ngực nở, có 6 múi hoặc tập yoga để cơ thể dẻo dai mà quên quan tâm đến vấn đề tâm thần của bản thân.

Ngày nay, sau 10 năm, tỷ lệ mắc các loại bệnh tâm thần đang tăng lên rất cao ở Việt Nam, khoảng 19% đến 20%. Tức, hiện nay, cứ 100 người Việt Nam thì có khoảng 20 người mắc bệnh tâm thần. Tâm thần ở đây không chỉ có tâm thần nặng như chúng ta thường nói là bị điên – thần trí hoàn toàn không tỉnh táo, mà còn là các bệnh nhẹ về tâm thần như thường xuyên lo âu, stress, ảo giác nhẹ, rối loạn nhân cách….

Còn sức khỏe xã hội là thứ chúng ta không kiểm soát được nhưng vẫn có thể góp phần cải thiện được. Chúng ta đi ra ngoài đường bị kẹt xe, ngập nước, ngửi mùi hôi thối… tức là môi trường sống của chúng ta không an toàn, chúng ta không có sức khỏe xã hội.

"Ngày nay, các doanh nhân tập trung vào não nhiều quá, họ chỉ suốt ngày theo dõi sự lên xuống của chứng khoán – cổ phiếu hay thông tin thị trường. Các doanh nhân nên thường xuyên đặt tay lên tim tự vấn bản thân. Thay vì tập trung vào não thì hãy tập trung xuống tim. Nếu được nữa, hãy tập trung xuống rốn, tập thở sâu để có được sức khỏe – sự tĩnh tâm", bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói.

Ngoài ra, nhiều người thường có thêm một sự nhầm lẫn nữa: đánh đồng giữa hạnh phúc và an lạc.

Hạnh phúc là khi tôi giàu có, sang trọng hơn người hàng xóm hoặc hơn anh chị em. Người ta không hạnh phúc vì con của mình không bằng con hàng xóm.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: Ngày nay, chúng ta mải mê làm việc bằng trí não nhiều quá! Thay vào đó hãy thường xuyên đặt tay lên tim tự vấn bản thân! - Ảnh 1.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đang chia sẻ trong Workshop.

"Hồi xưa, có một người mẹ mang con mới mười mấy tháng tuổi tới khám bệnh chỗ tôi và than thở sao con của chị ấy không bằng con hàng xóm. Tôi đùa: vậy chị đã so sánh ông chồng hai bên chưa, đã lỡ so con rồi thì so chồng luôn. Theo tôi, một khi đã so sánh thì chúng ta sẽ khổ, dù thua hay thắng.

Nên hạnh phúc nhiều khi chưa hẳn đã an lạc. An lạc là sự bình yên trong tâm hồn, trong lối sống và trong cách hành xử. An lạc là tự do – tự tại", ông bình luận tiếp.

Thế nên chúng ta nên để ý đến an lạc, nên tìm bên trong chính mình – search inside myself. Việc đơn giản đầu tiên là thở. Thở là việc vô cùng quan trọng, nên bạn phải tự hỏi là vì sao mình thở, nên thở như thế nào, thường xuyên tìm tòi và thực hành để được an lạc. Sau khi thở, chúng ta nên quan tâm đến chuyện ăn, bởi việc chúng ta ăn cái gì và ăn như thế nào cũng vô cùng quan trọng.

Ông kể: không ít doanh nhân trẻ mời ông ăn trưa, trước khi ăn, họ uống khoảng 10 loại thuốc; ông hỏi: bệnh gì mà uống nhiều thuốc vậy, doanh nhân trả lời: không phải thuốc bệnh, thuốc bổ, thấy mọi người uống mình cũng uống theo. Hoặc nhiều người đi ăn chay, mà món chay có ‘gà xé’, ‘tôm rim’, ‘chả quết’…, "đó là người ta ăn chay trong một tâm hồn mặn chát, an lạc chỗ nào?".

"Có hai ‘công thức’ giúp chúng ta hạnh phúc và an lạc hơn, đó là học cách chấp nhận 2 điều. Đầu tiên, chấp nhận cái chết, con người đều phải chết, không ung thư cũng sẽ chết. Sinh lão bệnh tử là tiến trình của tự nhiên, chúng ta không nên cưỡng cầu. Chết là tình trạng chấm dứt tạm thời của một hiện trạng tạm thời, vì cuộc sống của chúng ta cũng chỉ tạm thời. Cuộc sống của chúng ta luôn vô thường và thường xuyên thay đổi.

Thứ hai, nhiều chuyện xảy đến với chúng ta đều do duyên, duyên sinh và duyên tạo ra. Thế nên, chúng ta nên đón nhận mọi chuyện xảy đến với cuộc đời chúng ta cùng tấm lòng rộng mở", ông kết luận.

Ông còn kể thêm câu chuyện nhỏ làm quà: một phóng viên đến hỏi một ông cụ sống được hơn 100 tuổi về bí quyết sống thọ, ông cụ trả lời: đơn giản thôi, mỗi buổi sáng thức dậy, tôi luôn tự hỏi bản thân hôm nay mình nên sống ở thiên đường hay địa ngục và câu trả lời của tôi luôn là: ở thiên đường!

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM