Bà Trương Lý Hoàng Phi: Hệ sinh thái khởi nghiệp cần sự "máu lửa"

19/10/2017 07:53 AM | Kinh doanh

Sau 6 năm hoạt động tích cực trong vai trò Giám đốc điều hành của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC TP.HCM), bà Trương Lý Hoàng Phi đã trở thành cái tên quen thuộc trong giới khởi nghiệp trên cả nước.

Bà cùng BSSC đã tham gia thẩm định, tư vấn cho hơn 4.000 doanh nghiệp lớn nhỏ và hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất, xúc tiến thương mại cho gần 900 dự án thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Bà cũng là người khởi xướng 2 dự án được đánh giá cao là cuộc thi khởi nghiệp ở quy mô toàn quốc “Bánh xe Khởi nghiệp – Startup Wheel” và chương trình “Vườn ươm doanh nghiệp trẻ”.

Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, bà Hoàng Phi từng thành công trong công việc quản lý kinh doanh, nhưng lại say sưa với hành trình chia sẻ và hỗ trợ nhóm khởi nghiệp trẻ cùng nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giải thưởng Doanh nghiệp xã hội tiêu biểu ASEAN 2017 vừa được nhận mới đây đã phần nào khẳng định giá trị của con đường mà bà đang theo đuổi.

Bà cho biết: "Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đăng ký để được vinh danh ở một giải thưởng nào đó. Vì từ trước đến nay, tôi quan niệm là giải thưởng không quan trọng bằng sự đánh giá của mọi người, chức vụ không quan trọng bằng ảnh hưởng tích cực mà mình tạo ra cho cộng đồng. Đến một ngày nào đó, khi chúng ta rời khỏi “cái ghế” của chức vụ, những điều lưu lại trong trí nhớ mọi người không phải là các giải thưởng lớn mà là những điều tốt đẹp tôi đã làm được. Nhưng thật bất ngờ, khi được vinh danh là một trong 10 doanh nhân trẻ tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong quản lý doanh nghiệp xã hội khu vực ASEAN, tôi bỗng cảm thấy hồi hộp và cảm xúc lâng lâng khó tả. Tôi thấy vinh dự khi trở thành một đại diện cho Việt Nam và hạnh phúc khi thấy công việc của mình đã có những tác động tích cực đến xã hội trong một tầm nhìn dài hạn".

* Lúc nào cũng xuất hiện tràn đầy năng lượng và nụ cười tươi tắn, bà có bí quyết nào không?

- Bí quyết là làm việc nhiều với các bạn trẻ khởi nghiệp. Phần lớn những người khởi nghiệp trẻ tuổi đều lạc quan và nhiều ước mơ lớn. Thậm chí, có những người khởi nghiệp chỉ vì một đam mê, thiếu đánh giá rủi ro và cả những thứ cần thiết để “nuôi sống” đam mê đó. Tôi thường phải “kéo” các bạn ấy về thực tế, nhưng rồi tôi cũng được “lây” nguồn năng lượng tích cực và cách nhìn đời tươi hồng của họ. Thành công của họ là động lực để tôi tiếp tục cố gắng trong công việc, đôi khi tôi rơi nước mắt trước những thành công sau quá trình khởi nghiệp trầy trật.

Tôi may mắn có sự đồng hành của những người bạn chân thành. Giống như câu chuyện mà tác giả Keith Ferrazzi chia sẻ trong cuốn sách Ai che lưng cho bạn, tôi đã vượt qua đôi lần khủng hoảng trong nghề nghiệp nhờ sự chia sẻ, động viên của những người bạn và cả những “người thầy” thân thiết.

Tôi thừa nhận mình rất cầu toàn, và luôn muốn thay đổi mình mỗi ngày. Tôi rất sợ sự nhàm chán và lặp lại chính bản thân mình nên tôi hay tự tạo áp lực bằng cách đặt ra mục tiêu cao hơn và khác biệt hơn trong công việc. Đôi khi mệt mỏi và kiệt sức đến muốn bỏ cuộc, tôi có thói tự động viên mình bằng cách tự hỏi bản thân: là tôi đã lựa chọn con đường này và nhìn thẳng vào những thành quả tôi đã đạt được để thấy rằng mình ít nhất cũng đã làm được điều mình chọn một cách hiệu quả.

* Những khó khăn gì khiến bà muốn rời bỏ công việc ở trung tâm, bà có thể chia sẻ thêm?

- Khó khăn thì rất nhiều, như hầu hết những người khởi nghiệp khác. Dù BSSC trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM nhưng tôi quyết định xây dựng trung tâm mang dáng dấp của một doanh nghiệp xã hội.

Nếu tôi không có kinh nghiệm thật sự của một công ty khởi nghiệp, không biết đến những áp lực về sản phẩm, khách hàng, tài chính, nhân sự, các mối quan hệ… thì làm sao đưa ra những chương trình hỗ trợ đúng nhu cầu của giới khởi nghiệp? Khi BSSC là đơn vị tự chủ về kinh phí, các nhà khởi nghiệp và chúng tôi có mối quan hệ bình đẳng và cộng sinh, họ là khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu về các nhóm đối tượng khách hàng, phân tích những suy nghĩ, mong muốn ẩn sâu ảnh hưởng đến quyết định mua hàng, làm sao để sản phẩm của mình đến được với đông đảo người có nhu cầu…

Tôi vốn là người thận trọng trước mọi quyết định lớn nhỏ nên việc tham gia BSSC khi khái niệm “khởi nghiệp” vẫn còn mới mẻ là một cuộc thám hiểm thật sự, thoát ra khỏi vùng an toàn có phần nhàm chán trước đó. Ban đầu, việc tham gia vào công việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giống như phép thử giúp tôi góp nhặt những trải nghiệm cần thiết của tuổi trẻ. Nhưng đến nay, tôi thấy rằng chỉ khi làm công việc này, tôi đang sống đúng với tính cách, con người của mình. Tôi hạnh phúc vì tìm thấy được ý nghĩa và cả những thành quả nho nhỏ trong công việc.

* Có sự khác nhau trong cách khởi nghiệp của phụ nữ và nam giới không?

- Hầu như không có gì khác biệt trên con đường khởi nghiệp của phụ nữ và nam giới, từ lĩnh vực tham gia đến các thử thách phải đối mặt. Nhưng có vẻ người phụ nữ nào chọn con đường khởi nghiệp thì thường động lực khởi nghiệp của họ có khi còn mạnh mẽ hơn cả nam giới, bởi lẽ họ muốn chứng tỏ rằng “phái yếu” cũng có thể làm nên những thành công lớn.

Tôi cũng từng gặp rất nhiều phụ nữ mạnh mẽ, họ cũng chọn khởi nghiệp trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Dường như phụ nữ thường bắt đầu công việc mình yêu thích, đam mê và mong muốn khẳng định bản thân trước hơn là mục tiêu tìm kiếm sự giàu có…

* Vậy cách thức khởi nghiệp khác nhau có quyết định mức độ thành công khác nhau không?

- Trước đây, tôi từng có một chia sẻ khiến cộng đồng mạng thích thú, nội dung là về cách khởi nghiệp mà tôi rút ra từ các nhân vật trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa (tác giả La Quán Trung và Trần Thọ).

Khởi nghiệp kiểu Lưu Bị còn gọi là khởi nghiệp từ số 0. Lưu Bị là đại diện cho những người có học hành bài bản, nhưng không có vốn, khởi nghiệp vì đam mê theo kiểu “tay không bắt giặc”. Người này phải tự thu phục nhân tài, từng bước xây dựng và ổn định đội ngũ. Họ về đích hơi chậm nhưng thành công bền vững.

Còn Tào Tháo là người văn võ song toàn, vừa có tài thao lược vừa giỏi chiến đấu. Khởi nghiệp kiểu Tào Tháo thường bắt đầu bằng chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”, dựa vào danh tiếng của một doanh nghiệp khác để tạo lập thị trường riêng. Chiến lược này đến đích khá nhanh nhưng muốn giữ thành công lâu dài thì người khởi nghiệp phải “tinh thông binh pháp”, giữ cho bằng được lợi thế cạnh tranh.

Những người tích lũy đầy đủ tài chính và kinh nghiệm mới khởi nghiệp giống với nhân vật Tư Mã Ý. Người này thường chọn khởi nghiệp khi thời cơ chín muồi, đủ nhân lực vật lực. Đa số họ sẽ đạt những thành công nhất định, như cách dòng họ Tư Mã thống nhất Tam quốc.

Khổng Minh là đại diện cho những người làm thuê cả đời. Dù chỉ là người làm thuê, chưa từng có địa vị cao nhưng họ rất chuyên nghiệp từ tư duy đến cách làm việc nên vẫn được người đời kính trọng, tôn vinh. Điều khó nhất của những người này là giữ được lương tri, vượt qua mọi cám dỗ về vật chất.

Người khởi nghiệp kiểu cha truyền con nối có vẻ phù hợp với nhân vật Tôn Quyền - vị quân chủ nổi tiếng của nước Ngô. Người khởi nghiệp theo kiểu này cần có tầm nhìn xa trông rộng, chấp nhận nhường ngôi trong những thời điểm thích hợp, không nên tham quyền. Trong truyện, nhân vật Tôn Quyền giữ ngôi quá lâu nên về sau nước Ngô không còn duy trì được sự hưng thịnh.

Ví von câu chuyện này để thấy không có cách thức chung, thành công cũng có nhiều định nghĩa và cách nhìn nhận. Trong khởi nghiệp, con đường không đóng vai trò quyết định bằng tầm nhìn, sự chuẩn bị, năng lực thực thi, một phần tính cách và cả yếu tố may mắn nữa.

* Vậy đâu là khó khăn lớn nhất thường khiến khởi nghiệp thất bại?

- Khó khăn nhất là tìm ra điểm gặp nhau giữa sản phẩm và khách hàng, hay nói cách khác hiểu được “thế giới bên trong” mà khách hàng đang “sống”. Hơn 6 năm về trước, kế hoạch của tôi là làm theo mô hình Vườn ươm doanh nghiệp phổ biến trên thế giới, đó là tìm kiếm, tuyển chọn ý tưởng khả thi và ươm tạo ý tưởng đó. Sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gắn với quyền lợi của vườn ươm thông qua mức chia sẻ cổ phần hay chi phí đóng góp. Nhưng tôi bị thất bại với mô hình này.

Tâm lý nói chung, người khởi nghiệp thời điểm đó ngại chia sẻ ý tưởng vì sợ mất “bản quyền” và ngại đàm phán về chia sẻ cổ phần vì chúng ta quan tâm phần sở hữu. Hơn nữa, chính người khởi nghiệp cũng không đủ niềm tin vào một nơi nào đó có thể giúp gì được cho họ.

Lúc đó, tôi đã từng rất đau đáu tự hỏi vì sao mô hình được áp dụng ở các nước rõ ràng là vậy, nhưng tại sao lại không thể áp dụng với Việt Nam? Về sau, tôi hiểu ra là BSSC phải cố gắng khởi nghiệp thành công đã, không cần thành công to tát nhưng chúng tôi phải ghi được “bàn thắng”, phải làm ra những “sản phẩm” tốt tạo được niềm tin với “khách hàng”, khi đó, “khách hàng” sẽ tự tìm đến. Tôi cũng hiểu rằng, mỗi kế hoạch hay mô hình đều phải thay đổi rất nhiều trước khi tìm ra được một mô hình phù hợp.

Sau này, tôi gặp nhiều bạn khởi nghiệp có suy nghĩ giống tôi ngày trước, họ rất giống tôi, luôn tự hỏi vì sao sản phẩm của họ tốt, đẹp mà không nhận được sự quan tâm của khách hàng. Từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi giúp các bạn tìm cách để khách hàng nhận ra giá trị sản phẩm của họ trong thị trường rộng lớn và nhiều cạnh tranh. Tôi thấy, đừng sợ thay đổi nếu sự thay đổi đó làm khách hàng cho phép chúng ta lại gần họ hơn.

* Làm thế nào để khách hàng nhận ra sản phẩm doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ trong thị trường rộng lớn, bà có thể chia sẻ thêm?

- Chúng tôi giúp các nhà khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm và tạo cơ hội để họ được tiếp cận trực tiếp với khách hàng lẫn nhà đầu tư. Hằng năm, BSSC tổ chức Sàn giao dịch và đầu tư Khởi nghiệp cũng như Startup Day là để các nhà khởi nghiệp trẻ có thể mang sản phẩm của họ đến “khoe” và “trình diễn” giá trị của sự sáng tạo với mọi người, đồng thời là những ứng dụng đặc biệt của các sản phẩm, dịch vụ đó trong môi trường kinh doanh hiện tại.

Các sản phẩm có mặt tại ngày hội đều đã được tuyển chọn và hoàn thiện dần từ nhiều vòng thi Startup Wheel cũng như sự gọt giũa từ các tổ chức hỗ trợ và ươm tạo doanh nghiệp. Chúng tôi yêu cầu mỗi doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm từng bước một, từ kế hoạch kinh doanh, thử nghiệm sản phẩm, đến nhận diện thương hiệu, sở hữu trí tuệ…

Tại Startup Day, hàng ngàn khách hàng, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia… sẽ có những đánh giá đa diện về sản phẩm. Đây là điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp biết sản phẩm, dịch vụ của mình có đáp ứng đúng nhu cầu thị trường không, mức độ quan tâm của khách hàng đến đâu…

Tôi thấy người khởi nghiệp nói chung rất thiếu những kênh thông tin dự báo thị trường. Thực tế, chi phí cho một nghiên cứu thị trường là không nhỏ, nên doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chỉ nắm sơ bộ thông tin thị trường dựa trên những nghiên cứu chung hoặc quan sát cá nhân là chủ yếu. Nếu có tham khảo ý kiến của những người thân, bạn bè cũng chưa chắc nhận được câu trả lời thấu đáo. Cơ hội gặp gỡ nhiều khách hàng thân sơ tại các hội chợ khởi nghiệp là dịp để sản phẩm được đánh giá một cách khách quan.

* Bà đánh giá ra sao về tư duy khởi nghiệp của các bạn trẻ qua các năm?

- Tôi thấy người khởi nghiệp ngày càng trẻ và giỏi. Trong một hội thảo phân tích về thế hệ Y (người sinh trong giai đoạn từ năm 1986 - 2000), có nghiên cứu cho rằng chỉ vài ba năm nữa, thế hệ này là thành phần lớn nhất trong tổng lực lượng lao động tại Việt Nam. Họ sẽ là những người khởi nghiệp năng động, sáng tạo, có nhiều đột phá trong suy nghĩ và cách làm. Họ có cơ hội tiếp thu nhiều kiến thức mới mẻ từ bên ngoài nên ngày càng có tư duy nhạy bén về nhu cầu của thị trường.

Một thực tế cho thấy tính nhanh nhạy này. Nếu như trước đây, các mô hình khởi nghiệp thường “mải mê” hướng đến người dùng cuối thì nay, các bạn trẻ đã quan tâm hơn đến vấn đề nhân sự, vận hành kinh doanh của doanh nghiệp SME. Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang mong muốn ứng dụng công nghệ mới hay tạo ra những thay đổi đột phá về kinh doanh, phá vỡ những hạn chế về nguồn vốn lẫn nguồn nhân lực. Trong khi đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng năng động, tự tin và có sức sáng tạo lớn, tiếp thu nhanh nhiều kiến thức, công nghệ mới nên có thể đưa ra nhiều ý tưởng kinh doanh mới lạ.

Điểm bất lợi của startup là thiếu vốn đầu tư và không tìm được nơi thử nghiệm sản phẩm. Cái bắt tay giữa doanh nghiệp và các bạn khởi nghiệp sẽ có lợi cho đôi bên: SME tìm được một giải pháp hữu ích để doanh nghiệp “lột xác” mới mẻ hơn, đồng thời phía startup có thể tìm được đối tác sử dụng và hoàn thiện ý tưởng của mình. Thị trường cũng đang dần chấp nhận những cái bắt tay đầy hiệu quả này.

Trong Startup Wheel vừa qua, Eye-Q Tech – quán quân của cuộc thi – một hệ thống camera thông minh áp dụng “Thuật toán theo dõi và nhận dạng khuôn mặt”, giúp phân tích giới tính, độ tuổi, đo lường hành vi, tỷ lệ quay lại của khách hàng… với mức độ chính xác lên đến 95% đã có được cơ hội áp dụng thử nghiệm tại chuỗi cà phê The Coffee House.

Cùng với sự cởi mở trong môi trường kinh doanh hiện nay, những người khởi nghiệp tích cực sẽ nhận được nhiều giá trị từ hệ sinh thái khởi nghiệp.

* Có nhiều ý kiến cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn yếu kém, nên các bạn khởi nghiệp hầu như chưa được hỗ trợ đúng mức. Bà nghĩ sao về điều này?

- Hệ sinh thái khởi nghiệp được tạo ra từ nhiều thành phần, trong đó có các doanh nhân, nhà đầu tư, có những đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp như BSSC, có các nhà hoạch định chính sách nhưng cốt lõi vẫn là năng lực và tinh thần của các nhà khởi nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng. Nếu chúng ta cứ mãi đứng ngoài than vãn, thất vọng mà không trực tiếp tham gia một cách “máu lửa” theo đúng vai trò của mình thì làm sao có thể làm hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam sinh sôi, phát triển?

Nhiều người chỉ tìm đến BSSC với mục đích tìm vốn, nhưng chúng tôi muốn cùng họ xây dựng các công cụ, lộ trình để khởi nghiệp thành công. Thực ra, nhiều người vẫn nghĩ rằng, có vốn là mô hình khởi nghiệp có thể phát triển được, nhưng kinh nghiệm của tôi thì vốn chưa đủ nếu bạn không xây dựng được năng lực lõi, các mối liên kết và các công cụ để hiện thực hóa các ý tưởng và kế hoạch.

Con đường phía trước của BSSC còn rất dài, vì cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Dù còn nhiều thử thách phía trước nhưng tôi luôn yêu công việc mình đang theo đuổi. Với tôi, BSSC trở thành một phần quan trọng của thời tuổi trẻ tươi đẹp. Ở đó, tôi đã có rất nhiều tình cảm của đồng nghiệp, bạn bè và đối tác cũng như những bài học đáng giá về cuộc sống. Vậy nên tôi chưa bao giờ hết hào hứng với niềm tin mà các bạn khởi nghiệp dành cho mình.

* Cảm ơn bà về những chia sẻ trên.

Theo XUÂN LỘC thực hiện - Tranh: Hoàng Tường/DNSGCT

Cùng chuyên mục
XEM