Bà Thái Hương: 5 năm, đi hàng trăm cuộc họp, vẫn chưa thấy cái cần tìm!

17/10/2016 08:24 AM | Kinh tế vĩ mô

“5 năm nay, tôi đã đi hàng trăm cuộc họp nhưng giờ vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật ra đời. Sữa hiện nay 70% là sữa bột về pha lại. Đơn giản mỗi cái đâu là sữa tươi, đâu là sữa pha lại phải ghi vào mà vẫn chẳng làm được…”

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH True Milk thẳng thắn nêu ý kiến tại buổi Tọa đàm “Ngày Doanh nhân bàn về xóa bỏ rào cản kinh doanh” khi cho rằng, đầu tư vào công nghệ cao còn bất cập, Chính phủ chưa đưa ra một chiến lược cụ thể về phát triển nông nghiệp. Dù đã có chính sách ưu tiên phát triển ngành này nhưng không thực tiễn.

Theo bà Hương, khi đã xây dựng chiến lược rồi, cần xây dựng chính sách cụ thể về đất đai, công nghệ và tiêu chí sản phẩm. Các nước như Campuchia có tiêu chuẩn về một giống lúa rất tốt, tại sao Việt Nam lại chưa làm được?

“Tại ngành sữa, khi tôi chưa tham gia thì đến 92% nhập bột về pha lại thành sữa nước nhưng bây giờ tôi đã giảm dần tỷ lệ này. Nhóm ngành rất đặc biệt này liên quan đến sức khỏe con trẻ, sức khỏe cộng đồng nhưng đến nay chưa có chính sách đặc biệt nào cho sản phẩm công nghệ cao là sữa”, bà Hương nói.

Bà cho rằng, trong nông nghiệp nói chung, cần có một chính sách về sản phẩm công nghệ cao, khi đã có rồi có cần bảo hộ cho nó, phải minh bạch, như thế vừa giảm được chi phí quảng cáo và khích lệ được sản xuất trong nước. Nên có chiến lược phát triển những sản phẩm này, chọn những mặt hàng có tính chất chiến lược trong nông nghiệp để đưa ra chính sách để bảo hộ sản phẩm đó.

“5 năm nay, tôi đã đi hàng trăm cuộc họp nhưng giờ vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật ra đời. Sữa hiện nay 70% là sữa bột về pha lại. Đơn giản mỗi cái đâu là sữa tươi, đâu là sữa pha lại phải ghi vào mà vẫn chẳng làm được. Nếu cần khích lệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước đưa lại chất lượng sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng thì phải rõ ràng và hai từ minh bạch rất quan trọng.

Vấn đề là Nhà nước cần ban hành một bộ tiêu chuẩn công nghệ cao một cách minh bạch. Tiêu chí sản phẩm là quan trọng nhất để coi nó là sản phẩm công nghệ cao hay không. Rào cản cuối cùng là về thị trường. Nếu thị trường không minh bạch thì mọi sản phẩm đều bị người tiêu dùng đánh đồng như nhau”, bà Hương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho hay, việc đầu tiên cần làm hiện nay là bảo hộ bằng thuế, cách thứ hai là phi thuế quan, ví dụ như một số mặt hàng nông sản có quota. Cái thứ ba là các tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng các tiêu chuẩn này phải hợp lý.

Để bảo đảm các quy chuẩn này, theo ông Thành, nguyên tắc là phải đối xử công bằng. Các sản phẩm phải đựa trên quy chuẩn kỹ thuật và các sản phẩm này phải hợp theo chuẩn quốc tế.

Theo Chủ tịch HĐQT Hanoi Milk, ông Hà Quang Tuấn: Nhà nước đã có quy chuẩn VN về ngành sữa từ năm 2010. Hiện, chúng ta đi theo tiêu chuẩn Codex, tức sữa được định nghĩa tên gọi theo cách sản xuất. Cụ thể, sau khi vắt sữa ra từ con bò đem thanh trùng ở nhiệt độ 85-86 độ C thì vẫn còn một số vi khuẩn nhất định thì gọi là sữa thanh trùng, nếu đưa vào 139 độ C tiệt trùng thì gọi là sữa tiệt trùng, nếu sữa đó làm sữa chua thì gọi là sữa chua, nếu sữa chua đó được làm sữa bột thì gọi là sữa bột.

Các sản phẩm nông nghiệp cao được phân ra làm ba mức: GlobalGap (quốc tế), Natural (tự nhiên) và Organic (hữu cơ) nhưng nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam mới chỉ ban hành bộ tiêu chuẩn VietGap, còn xa với tiêu chuẩn về GlobalGap và còn xã mới đạt mức Natural và Organic.

Theo Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
XEM