img

"Nữ hoàng sữa" Vinamilk có đang ngủ quên? là câu hỏi lớn trong ngày ĐHCĐ thường niên năm 2018 của Vinamilk. Cũng dễ hiểu vì quý 1/2018, Vinamilk đang cùng ngành sữa chống chọi với những khó khăn chưa từng có và giá cổ phiếu giảm sâu.

Câu hỏi đó cho đến bây giờ người viết mới trả lời được sau buổi nói chuyện dài những ngày cận tết với bà Mai Kiều Liên. Nhiều chuyện chưa từng được kể về Vinamilk, những mảng tương lai đã định hình và cả những chuyện "tình" đậm chất Vinamilk được bà Mai Kiều Liên lần đầu chia sẻ.

Khi gặp bà Mai Kiều Liên, những ngôn từ tác giả chuẩn bị sẵn như nữ tướng ngành sữa, bà chúa sữa…hay thậm chí cả chức danh Tổng giám đốc, TV.HĐQT của bà Mai Kiều Liên đều không dùng được. Bà Mai Kiều Liên mộc mạc, thân tình kể chuyện, khi chuyện đã vào guồng thì bà kể say sưa về Vinamilk. Chúng tôi bị cuốn hút vào từng câu chuyện của bà và hiểu đắc nhân tâm là gì và hiểu vì sao bà Mai Kiều Liên là người có tầm ảnh hưởng lớn.

Điều bà Mai Kiều Liên tự hào nhất về Vinamilk không phải là những doanh hiệu đếm cả tháng không hết mà là, Vinamilk đã xây dựng được thương hiệu sữa của Việt Nam. Bà Liên nhắc đi nhắc lại và nói rằng, bà rất tự hào vì Vinamilk đã tự chủ được từ nguyên liệu chăn nuôi, quy trình sản xuất, phân phối đến những công thức sữa, tự hào vì trước đây Việt Nam làm sữa hoàn toàn thủ công còn bây giờ đã rất nhiều nhà máy tự động hoá, tự hào vì trẻ em Việt thay vì chỉ uống sữa ngoại nhập theo công thức sữa ngoại còn bây giờ đã có sữa Việt-công thức Việt- phù hợp với thể trạng người Việt.

Vinamilk đi được từ con số zero sơ khai đến một công ty tự chủ được hết và đang đứng trong top 50 các công ty sữa trên thế giới.  

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 1.
Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 2.

Bí quyết nào để công ty kinh doanh hiệu quả như vậy, thưa bà?

Hiệu quả có được tổng hợp từ rất nhiều biện pháp từ chiến lược đến chiến thuật rồi con người cũng phải rất là sáng tạo. Mỗi một thời kỳ có những khó khăn rất riêng và mình phải biết những mắt xích để giải toả. Mỗi năm lại khác, 5 năm nay khác, 5 năm tới khác.  

Môi trường kinh doanh liên tục thay đổi theo chiều hướng cạnh tranh khắc nghiệt hơn chứ không có chuyện có năm nào cạnh tranh kém đi. Cho nên vấn đề là làm sao để đạt được giá thành hạ nhưng chất lượng phải tốt. Nhất là thực phẩm thì yêu cầu chất lượng càng cao vì liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người. Tivi, tủ lạnh…cũng vậy, cái nào tốt thì người ta mới dùng.

Chất lượng tốt nhưng giá thành phải hạ.

Thứ ba nữa là dịch vụ phải tốt. Bây giờ là thời đại 4.0, tự động hoá nhà máy rồi còn tự động hoá cả phân phối nữa. Thế giới thế nào thì chúng ta vậy, mình áp dụng một cách sáng tạo và phù hợp thực tế của mình. 

Làm thế nào để giá thành hạ mà chất lượng lại tốt, thưa bà?

Các nước Đông Âu phát triển ngành sữa ở xứ lạnh, chăn nuôi bò rất dễ. Họ có truyền thống mấy trăm năm mình không có, tất cả phải học hỏi, rút kinh nghiệm. Đặc biệt là khí hậu ở Việt Nam không hề thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa, bò cần mát thì mình nóng, bò cần khô thì mình ẩm, bò cần đồng cỏ thì mình không có đất.

Từ năm 1990 đến giờ, Vinamilk đã xây dựng chiến lược phải tự túc được nguyên liệu vì nguyên liệu muốn làm được không phải đơn giản. Trước mắt thì kết hợp với bà con nông dân. Mình đặt giá thu mua cao, người nông dân tự phát triển chăn nuôi và mình bao tiêu.

Vinamilk làm thế từ năm 1990 đến 2005 thì tôi thấy rằng phải đi bằng hai chân. Có nghĩa là, nông dân một phần và mình làm trang trại một phần.

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 3.

Chăn nuôi bò sữa của người nông dân ngày xưa tập trung chủ yếu ở TP.HCM vì đó là nơi tiêu thụ nhiều nhất, sau này đô thị hoá nên dạt dần, dạt dần chỉ còn Củ Chi rồi dạt tiếp luôn tới Long An và Vĩnh Long. Tại TP.HCM ngày càng giảm lượng người nuôi vì đất đai đô thị hoá thì chăn nuôi bò sữa không còn hiệu quả. Chính vì thế, tôi nghĩ sau này mình tự túc sẽ lớn hơn mình thu mua của nông dân.

Có thời các tỉnh ồ ạt nhập bò nhưng rồi kinh doanh không thành công, không thực hiện được. Vinamilk mua lại trang trại của tỉnh Tuyên Quang. Bắt đầu từ năm 2004-2005, Vinamilk bắt đầu làm trang trại.

Giá thành của nuôi trang trại rẻ hơn nhiều nông dân nuôi nhỏ lẻ vì mình nuôi tập trung, năng suất lao động cao hơn. Từ những trang trại đầu tiên đó đến bây giờ thì mình có tới 10 trang trại trong đó có 1 trang trại là organic. Các trang trại đều đạt Global Gap. Vừa rồi các trang trại của Vinamilk được các bên đánh giá là lớn nhất Châu Á. Như vậy, đầu tiên 100% nguyên liệu là từ mua của nông dân còn bây giờ trang trại chiếm 40%.

9 trang trại của mình đang có tới 24 ngàn con, chỉ cần 3-4 năm nữa thôi mình sẽ gấp đôi lên khoảng 50 ngàn con vì giờ áp dụng phôi giới tính nên tỷ lệ sinh con cái rất cao. 

Như vậy thì những người nông dân đồng hành cùng mình lâu nay sẽ bị ảnh hưởng?

Không. Mình vẫn hợp tác với nông dân chặt chẽ. Họ vẫn còn muốn nuôi thì mình vẫn còn ủng hộ. Ủng hộ ở đây là cả về giống, biện pháp kỹ thuật chăn nuôi và quan trọng nhất vẫn là bao tiêu. Chừng nào họ không muốn nuôi nữa thì thôi. Họ muốn mở rộng bao nhiêu cũng được, mình vẫn bao tiêu. Quan trọng nhất trong nông nghiệp vẫn là phần bao tiêu chứ người nông dân không thể lúc được mùa thì mất giá, mất mùa được giá… được, rất bấp bênh. Vinamilk bao tiêu và có giá rõ ràng. Có nghĩa là mùa đông, mùa nóng, mùa lạnh gì cũng được bao tiêu hết.

Ngày xưa có cảnh tranh mua tranh bán thì nông dân thấy chỗ nào cao hơn thì bán, chúng tôi cũng ok. Bán không được, trở về, chúng tôi cũng vẫn ok, vẫn mua không vấn đề gì cả. Chúng tôi nghĩ rằng đôi khi người nông dân họ được tăng thêm chút thu nhập thì cũng ủng hộ thôi.  

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 4.

Tôi có nghe nói giá Vinamilk mua sữa của nông dân cao hơn cả bên Mỹ thu mua…?

Đương nhiên rồi. Giá của các nước người ta chỉ ba mấy, bốn chục cent thôi còn mình mua gần 60 cent một lít. Một năm, nếu mua như giá thế giới thì lợi nhuận của Vinamilk có thể tăng thêm cả trăm tỷ. Mình cũng muốn phát triển và nông dân họ cũng đã gắn bó với mình lâu lắm rồi.

Tôi nghĩ việc mua sữa của nông dân cũng như một công tác xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo. Nhà nước cũng đang nỗ lực để xoá đói giảm nghèo và mình là một người làm ngành thì cũng nỗ lực hỗ trợ đến cùng cho người nông dân. Chính xác là mình đang trợ giá cho người nông dân.

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 5.

Khi giá sữa trên thị trường tăng thì mình cũng phải cạnh tranh. Có những người mua cao khi mới gia nhập thị trường thì mình cũng phải đổi giá cao lên. Đến khi họ không mua mình vẫn phải ôm (cười).

Mấy năm trước có chuyện nông dân đổ sữa, bản chất là do nông dân ký hợp đồng với bên khác rồi người ta không mua phải đem đi đổ. Còn những người ký hợp đồng bao tiêu với Vinamilk có bao giờ phải đổ sữa đâu. Sau đó mình hướng dẫn người nông dân, ký hợp đồng rồi mình lại mua bao tiêu.

Giá mua sữa của nông dân có thay đổi nhiều qua các năm không?

Hiện nay là không thay đổi nhiều vì giá thu mua đang cao quá rồi và nông dân có lời rồi. Giờ điều quan trọng với nông dân là bền vững tức là không bị thay đổi, không phải chạy tất bật đi bán chỗ nọ, chỗ kia. Nông dân cứ vắt sữa ra rồi đưa đến trạm, kiểm tra sữa, ok rồi thì cứ đến thứ 5 trả tiền, thế thôi. Mà trả tiền vào tài khoản luôn, không có tiền mặt gì cả.

Vì thổ nhưỡng không hợp, bắt buộc nông dân cũng phải áp dụng công nghệ kỹ thuật. Ví dụ mình không có đất đai để chăn thả thì phải có đất tối thiểu. Bò cần thời gian 3-4 tiếng mỗi ngày để đi ra ngoài dạo mỗi ngày. Muốn thế thì các trang trại phải có những khu để bò đi như thế. 

Thứ hai nữa là xây chuồng trại phải có quạt, phun nước để đảm bảo nếu nóng quá phải có phun nước để bò mát, quạt để hút gió và hút độ ẩm nữa. Rất nhiều cái, phải nói là đến giờ Vinamilk tự hào đã tự chủ được việc biến những khó khăn của ngành nuôi bò sữa thành cái thuận lợi.

Tôi vừa đưa ra khen trước toàn công ty một bạn ở Tuyên Quang. Trang trại sữa ở Tuyên Quang bình quân sữa là 33 lít sữa/ con/ ngày, thường mức trung bình đạt 27-28 lít/con/ngày. Trên 30-33 lít/con/ngày là bằng Trung Quốc rồi mà Trung Quốc rất là mát. Mức này cũng bằng châu Âu rồi đấy chứ không đơn giản.  

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 6.

Năm 2017, Vinamilk nhận định rằng môi trường kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn khi xu hướng toàn cầu hoá đang bị lung lay, thế nhưng, chính công ty lại chọn thông điệp vươn ra biển lớn cho năm 2018. Vì sao lại thế?

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 7.

Hải trình đi ra biển lớn không phải từ 2018 mới thực hiện mà bắt đầu từ năm 1997. Từ trước đến giờ Vinamilk vẫn xác định phải lo nội địa trước. Đối thủ cả ngàn dặm người ta còn tới thì vì sao mình ở ngay đây lại không vững trên mảnh đất của mình trước. Khi mình có điều kiện thì mình mới tham gia xuất khẩu hoặc đi ra bên ngoài. Trước đó, tôi có manh nha xuất khẩu sang Nga nhưng cuối cùng không thu được tiền. Lúc đó xuất khẩu chủ yếu để thăm dò thôi, không tính. Vinamilk chính thức bắt đầu xuất khẩu lớn là từ chương trình đổi dầu lấy lương thực năm 1997. 

Ban đầu mình cũng không biết chương trình đó đâu, các nước họ tham gia rất nhiều còn Việt Nam không biết. Sau đó anh Khai là đại sứ của Việt Nam tại Iraq báo về là bên đó có chương trình đổi dầu lấy lương thực, các công ty lớn như Nesley, Diamond…đều tham gia. Anh ấy hỏi Vinamilk có tham gia không thì tôi bảo có chứ. Thế là Vinamilk tham gia.

Nhưng mà, để bước vào thị trường đó cực kỳ khó vì ai cũng nghĩ Việt Nam đâu biết xuất khẩu là gì. Sữa Việt Nam không hề có tiếng tăm trên bản đồ thế giới. Việc đầu tiên chúng tôi muốn là giới thiệu sữa mình với bạn nên tôi nói với anh Khai là mình làm chương trình từ thiện 2 container. Một container là sữa cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi và một là từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi, gọi là Dielac.

Tôi nói rằng họ đang chiến tranh, cũng như mình hồi chiến tranh thôi, trẻ con không có sữa uống là điều đương nhiên. Tôi nói với anh Khai là mình cứ thứ nhất là ủng hộ nhân đạo, thứ hai là để giới thiệu sản phẩm của Vinamilk.

Khi sữa xuất sang, sau nhiều khâu bạn kiểm tra kỹ lưỡng thì thấy chất lượng tốt. Bạn chính thức đặt vấn đề với anh Khai là muốn làm việc với Vinamilk và cho một đoàn sang Việt Nam. Hồi đó, mình chỉ có nhà máy Dielac thôi, chưa có nhà máy sữa bột hiện đại như bây giờ. Bạn sang, kiểm tra thấy được, gọi tôi ra nói rằng bây giờ muốn Vinamilk xuất khẩu trực tiếp. Họ cho tôi làm 300 tấn trong vòng 3 tháng.  

Hồi đó 300 tấn so với quy mô của Vinamilk là lớn lắm vì thời gian đó sữa của Việt Nam chưa đi được vào lòng người. Họ hỏi tôi làm được không và nói cho tôi cái giá. Tôi đồng ý luôn. Tôi không nghĩ đến lời lỗ hay gì hết. Tôi chỉ nghĩ là để bước chân vào được đã, chứng minh năng lực đã.

Nếu hỏi anh em thì sẽ thấy, thời đó vui lắm. Làm 24/24. Có nghĩa là mình làm liên tục cho đến khi giao được 300 tấn cho bạn.

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 8.

Bà thực sự không sợ bị lỗ à?

Không, lúc đó không tính.

300 tấn lúc đó nhiều lắm mà?

Ừ thì nhiều nhưng không đến nỗi lắm. Khi họ đưa giá thì tôi cũng nhẩm thôi nhưng trả lời ngay với ông tổng giám đốc của bạn. Ông ấy gọi điện ở dưới nhà máy, chốt luôn, chỉ trong vòng mấy phút.

Khi bạn nhận được hàng, kiểm tra thấy được thế là mình bước chân được vào thị trường Iraq. Mình bắt đầu tham gia đấu thầu, có những năm thắng đến 160-170 triệu USD. Nhưng đến 2003 thì chính quyền đó đổ, chương trình đổi dầu lấy lương thực hết. Lúc đó mình bắt đầu lại từ đầu. Không còn chương trình đổi dầu lấy lương thực nữa và chính quyền Iraq cũng không có tiền nhập sữa nữa. Mình quay sang đi theo con đường thương mại, lại đi kiếm nhà phân phối và cũng lại bắt đầu từ số 0 trở đi.

Thế chương trình đổi dầu lấy lương thực đó tổng kết lại thì mình có lời không?

Có lời chứ.

Giá mình vào được Iraq là vì sao? Vì giá mình rẻ, chất lượng mình tốt nên mình mới thắng thầu. Mình không lỗ. Vấn đề ở chỗ giá thành mình rẻ nên mình có lời. Giá mình lúc đó nếu đi so sánh cạnh tranh với thế giới là cạnh tranh rồi nên mình mới thắng thầu. Thời điểm đó các tập đoàn đa quốc gia lớn lắm rồi và họ đã làm rồi, mình vào sau nên giá thành mình rẻ thì mình mới vào được.

Mình thắng thầu rồi thì mình mới dùng giấy thắng thầu đó đi làm thủ tục bên liên hợp quốc. Đưa hợp đồng lên đó họ xem, xác nhận rồi ký, khi đã có rồi thì mình cứ thế thực hiện thôi.  

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 9.

Thực tế, để có Vinamilk ngày nay chính là nhờ mình phát triển bền vững có nghĩa là mình không chỉ nghĩ đến mình, mình nghĩ cho những người xung quanh. Tiêu chuẩn phát triển bền vững có của cả liên hợp quốc và của ngành sữa thế giới. Mỗi một ngành nó có tiêu chí riêng để phát triển bền vững. Vinamilk chấp hành và đi theo chuẩn mực chung.

Ví dụ như chăn nuôi bò sữa chẳng hạn, vấn đề nước thải, phân thải phải có Biogas hết và có công nghệ làm sao khi nước thải ra phải đảm bảo được tiêu chuẩn. Nếu mình không làm được thì sẽ không thể tồn tại được trong bất kỳ khu dân cư nào hay bất cứ ở đâu, người nông dân sẽ nổi loạn ngay. Hiện nay, tất cả các trang trại của Vinamilk đều có chương trình xử lý chất thải. Phân của bò sau khi ủ Biogas thì mình bán lại cho nông dân để trồng cỏ với trồng ngô và họ lại bán cỏ, bán ngô lại cho mình. Rất tốt.

Cho nên là, hiện nay mình phát triển chăn nuôi không chỉ là mình có nguyên liệu cho mình mà phát triển luôn cả công nghệ trồng trọt của người nông dân xung quanh khu vực. Những người nông dân trồng ngô, trồng cỏ để bán cho mình thì họ cũng cảm thấy như họ đang nuôi bò sữa mà thuận lợi hơn cả chăn nuôi bò sữa. Có lời hơn nhiều mà đỡ vất vả. Cuối cùng lại quay lại bài toán bao tiêu. Vinamilk bao tiêu cỏ, bao tiêu ngô cho nông dân.

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 10.

Muốn tồn tại thì mình phải hài hoà. Trong kinh doanh nếu anh chỉ biết mình mà không biết đến người khác thì anh không tồn tại được. Cũng nghiệm từ mình mà ra thôi, nếu mình định hợp tác với ai mà thấy người đó chỉ lo lợi ích của họ thôi thì mình chạy dài thôi chứ không thể hợp tác được. Muốn hợp tác được thì phải cùng thắng, cùng chia sẻ. Các bên liên quan, cổ đông, các nhà cung cấp hoặc là các nhà phân phối…là cả khối để tạo nên công ty. Cân bằng lợi ích rất là quan trọng.

Những lúc khó khăn chẳng hạn, tôi cũng nói với anh em phải chịu khó lương thấp tại vì nếu mình đưa lương cao, tăng lương lên thì giảm lợi nhuận, lại ảnh hưởng tới hình ảnh của công ty, ảnh hưởng đến cổ phiếu. Những điều này cán bộ công nhân viên Vinamilk rất hiểu, quán triệt với nhau, không phải chỉ biết mình, chỉ đòi hỏi.

Hoặc là với các nhà phân phối cũng thế, mình phải chia sẻ lợi nhuận với họ. Còn đối với các nhà cung cấp, mình đấu thầu nguyên vật liệu, xây dựng mối quan hệ bền vững.

Mỗi một người một tay, một chân thì mới góp lên được Vinamilk. Người ta nói là buôn có bạn, bán có phường là vì thế.

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 11.

Nhiều người Việt, đặc biệt là các vùng nông thôn thì sữa vẫn là một mặt hàng khá xa xỉ. Vinamilk có kế hoạch gì để giảm giá sữa hoặc tạo ra những chính sách bán hàng giúp những vùng khó khăn có thể sử dụng sữa nhiều hơn?

Chương trình cho các cháu vùng sâu vùng xa thì Vinamilk đã làm Quỹ sữa vươn cao Trẻ em Việt Nam cả chục năm nay rồi. Mỗi một năm, những tỉnh mà nghèo hoặc vùng sâu vùng xa thì mình có chương trình phát không sữa để cho các cháu. Cũng có kèm theo bác sỹ để kiểm tra xem sau 3 tháng uống sữa thì như thế nào. Mình kết hợp với cả bên bảo trợ trẻ em Việt Nam làm, mỗi một năm đều tăng kinh phí.

Một chương trình thứ hai nữa là Sữa học đường. Nhà nước-nhân dân và doanh nghiệp cùng làm. Hiện nay đã triển khai được 10 tỉnh rồi. Các tỉnh như là Đắk Nông hay tỉnh Bến Tre…những tỉnh như thế ngân sách bỏ ra khoảng 30%, Vinamilk 20% và các bố mẹ chỉ phải bỏ ra 50%. Như vậy là, thay vì một hộp sữa 6-7.000 đồng thì các bố mẹ chỉ đóng 3.000->3.500 thôi. Chính vì thế cũng tạo ra tăng nhu cầu uống sữa của trẻ em. Những chương trình đó chúng tôi đang tiếp tục và tôi nghĩ rằng dần dần sữa cho trẻ em vùng sâu, vùng xa sẽ dần đáp ứng được.

Chưa kể là mình có hệ thống phân phối sữa đi khắp nơi, kể cả những vùng sâu, vùng xa mình đều có những điểm lẻ để bán sữa. Đây cũng là cơ hội để cho người dân dễ dàng tiếp cận sữa.

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 12.

Những gì bà vừa chia sẻ là về hoạt động xã hội của Vinamilk, còn về hoạt động thương mại thì mình có chính sách gì để tiếp cận các vùng nghèo của Việt Nam không?

Câu hỏi của bạn khiến tôi nhớ về tranh luận giữa tôi và con trai tôi từ lâu rồi. Đầu tiên con trai tôi nói rằng nó không thích Bill Gates tại vì Bill Gates bán máy tính giá cao, không đáp ứng được cho tất cả tầng lớp, có lời thì lại đi làm từ thiện. Hồi đó con tôi mới là sinh viên y khoa, nó không thích kiểu đó. Sau này, tôi phân tích cho nó như thế này…

Nếu doanh nghiệp không có lợi nhuận sẽ không phát triển, không cạnh tranh được và chết. Cho nên khi mình có chính sách giá thì giá phải gần bằng tại vì Việt Nam hay là đâu cũng thế, bán giá ở đây rẻ thì nó chảy ngay sang chỗ khác và tập trung vào đó. Mình không quản lý được. Giá ở Vinamilk là giá đồng nhất trên toàn hệ thống kể cả vùng sâu vùng xa dù mình phải trợ giá nhiều hơn vì đường xa hơn, chi phí phân phối lớn hơn nhiều. Mình bán đồng giá trên cả nước và rồi mình làm từ thiện.

Chính nỗ lực đó mà qua mấy chục năm, từ mức sử dụng sữa rất thấp thì bây giờ bình quân đã lên đến hai mấy lít/ người/năm rồi. Thế là khá rồi. Dần dần tôi nghĩ sẽ lên đến 30-40 lít. Nhưng nếu ngay từ đầu hạ giá cho các vùng khó khăn để bán là phá sản.  

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 13.
Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 14.

Nổi cộm trong các dòng sản phẩm của Vinamilk hiện tại là sản phẩm Organic dành cho khách hàng chịu chi. Liệu làn sóng chuyển dịch từ sản phẩm trung cấp sang cao cấp có đủ mạnh để bù đắp lại khoản chi phí đầu tư khổng lồ của công ty?

Organic là xu hướng thế giới. Thực sự ra organic là Việt Nam mới mấy năm gần đây khả năng chi trả mới có. Đời sống càng ngày càng lên nên mới có khả năng chi trả. Từ trước đến giờ vẫn là nhập thôi, họ vẫn nhập nhưng mà giá thì cao- rất cao so với Vinamilk sản xuất tại Việt Nam. Cho nên xu hướng hàng cao cấp là xu hướng thế giới. Cái Vinamilk vừa đáp ứng được là nhu cầu người tiêu dùng bình dân nhưng cái bình dân đó càng ngày càng cao. Xu hướng cao cấp là xu hướng không thể đảo ngược được, doanh nghiệp phải đáp ứng và phải nhìn xa hơn trước năm năm, mười năm. Chúng ta không thể đợi đến lúc đó mới chuyển đổi là không kịp.

Trang trại bò sữa Organic của Vinamilk ở Đà Lạt

Hiện tại Vinamilk làm organic có lãi chưa?

Có lãi rồi. Mình làm cái gì mình cũng phải tính toán. Chăn nuôi bò bao giờ cũng lỗ 3 năm còn sau đó là có lời. Lỗ đây là lỗ về khấu hao, sản lượng chưa được nhiều. Nhưng tất cả chỉ 3 năm thôi. Vinamilk xây dựng 10 trang trại, mọi người nói chăn nuôi lỗ chứ Vinamilk làm trang trại không lỗ, lời mấy trăm tỷ một năm. Câu chuyện chủ yếu vẫn nằm ở năng suất và giá thành. Mình kiểm soát tốt chi phí.

Mình kết hợp với nông dân trồng cỏ, đặc biệt là ngô. Bò rất cần ngô. Thay vì nông dân trồng ngô, có hạt rồi mới bán hạt thì ở đây khỏi, cứ một năm 4 vụ, 3 tháng 1 vụ, ngô cao một tí và có ngô sáp là cắt bán cho Vinamilk ủ chua. Một năm 4 vụ nên mình ký với người nông dân họ rất thích, vòng quay đất rất nhanh 4 vòng trong 1 năm trong khi trồng để lấy hạt bình thường một năm chỉ được một mùa. 

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 16.

Hạ giá thành là điều mình theo đuổi, tuy nhiên, còn có thể hạ được nữa không?

Còn hạ được nữa. Có thể hạ được thêm khoảng 20% nữa. Hiện nay bình quân giá thành của thế giới khoảng ba mấy, bốn chục thì bình quân các trại của Vinamilk bây giờ cũng khoảng 48-49. Chúng tôi vẫn đặt mục tiêu mỗi một năm phải hạ giá thành xuống bao nhiêu. Khi mình đầu tư mới thì năng suất còn thấp nên giá thành cao. Những trang trại cũ, lâu đời rồi thì đạt được giá thành như thế giới nhưng tổng hoà cả bò sữa Việt Nam chưa đạt được giá thành thế giới. Tôi nghĩ trong 1-2 năm nữa sẽ đạt được. 

Một khi hạ được giá thành, lợi nhuận sẽ đạt cao hơn nữa.

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 17.

Nhiều người đặt câu hỏi biết đâu Vinamilk tìm được mảng gì đó giúp công ty phát triển bùng nổ, điều đó có thể xảy ra không?

Nhiều người hỏi tôi như thế. Có những cái mình không nói trước được. Có nhiều người mong như thế nhưng các cổ đông của công ty lại nói với tôi: thôi chị ơi, chị đừng đầu tư ra cái gì khác, chị cứ tập trung vào sữa giùm.

Nhiều ý kiến trái chiều lắm. Còn ý kiến của tôi thì linh hoạt. Khi có cơ hội thì Vinamilk sẽ nắm bắt. Hiện tại, ngành sữa của mình vẫn còn nhiều dư địa để phát triển vì nếu mình phát triển chăn nuôi tốt thì hạ giá thành được và lợi nhuận cũng tăng trưởng.

Ngoài ra, ngành sữa cũng còn rất nhiều việc phải làm như organic. Organic có tiềm năng rất lớn và mình phải có nguyên liệu. Nguyên liệu trong nước thì mình làm gì có đất nữa đâu nên Vinamilk vừa mua một khu vực bên Lào rộng 5.000 héc ta. Ở Việt Nam không kiếm được.

Vinamilk thấy bên Lào cũng ngay gần, đi có 6-7 tiếng bằng xe lạnh là về đến Việt Nam (Nghệ An) bằng chở từ Lâm Đồng về TP.HCM. Mình làm bên đó với lại cả người Nhật. Họ cũng có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa. Mình kết hợp làm organic, Vinamilk góp 51% và họ 49%.

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 18.

Câu chuyện khó khăn của ngành sữa mấy năm gần đây bản chất là thế nào ạ?

2018 là năm không ai nghĩ tới. Thực sự ra là tại vì năm 2017 tăng trưởng quá lớn, mười mấy phần trăm. Năm 2018 tăng trưởng khoảng 2-3% thì cộng 2 năm lại tăng trưởng 7-8% cũng là đúng.

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 19.

Năm 2018 bùng nổ chứng khoán, bất động sản nên phần phân phối có hơi bị trục trặc. Mọi người không tập trung phân phối, tập trung lấy tiền, quay vòng đầu cơ bất động sản, cổ phiếu. Đến hết quý 1, đầu quý 2 chứng khoán, bất động sản giảm thì phân phối mới quay trở lại và mọi người nhìn vào kết quả kinh doanh quý 4 của Vinamilk thấy khác hẳn, tăng trưởng lợi nhuận ba mấy phần trăm so với cùng kỳ.

Cũng có thời điểm mọi người nói là có nhiều thứ để uống, nhiều thứ để ăn và chán uống sữa. Cũng có lúc như thế, giảm toàn ngành luôn. Chưa năm nào mà toàn ngành sữa tăng trưởng âm. Những kết quả này là bên thứ 3 khảo sát chứ không phải mình. Để tìm được nguyên nhân, chúng tôi đã phải xem hệ thống phân phối của mình. Các điểm bán của mình tận 252 ngàn điểm lẻ, khi xem thì thấy số lượng điểm lẻ bị co lại, các điểm lớn cũng co lại luôn. Các nhà phân phối cũng có lượng tiền nhất định, họ chỉ cần đặt cọc 500 triệu thì họ có thể bán quay vòng bất động sản trong vòng tháng, nửa tháng là có thể lời cả tỷ, tỷ rưỡi. 

Nhưng tôi nghĩ giờ thôi, không nói nữa vì đã qua rồi. Qua rồi. Quý 4/2018 đã ổn định lại rồi.  Năm 2019 về sau lại giữ được tốc độ tăng trưởng 7-8%/năm.

Nhưng kể cả khi ngành tăng trưởng âm thì Vinamilk vẫn lấy được thị phần. Đây mới là điều quan trọng. Trong xu hướng giảm chung thì mình giảm ít hơn đối thủ nên vẫn lấy được thêm thị phần.

Kế hoạch 5 năm mình đặt mỗi một năm tăng được bình quân 1% thị phần. Bây giờ mình đang 58-59% rồi. Năm 2017 mình tăng tới 2% là đã dư cho năm 2018 rồi nhưng năm 2018 mình cũng tăng được 0,9- 1%.  

Bà Mai Kiều Liên kể về những điều mới mẻ của Vinamilk

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 21.

Tỷ phú Thái đã bỏ lượng tiền lớn để được sở hữu "cô gái đẹp" Vinamilk, công ty có gặp khó khăn gì trong việc dung hoà quản trị giữa DNNN và cổ đông ngoại?

Không có khó khăn gì. Thực ra họ cũng đã tham gia với mình từ lâu lắm rồi. Họ nhìn thấy cơ hội. Ngày xưa F&N xây dựng nhà máy sữa ở Bình Dương, cũng rầm rộ kế hoạch marketing. Hồi đó họ định làm đối thủ cạnh tranh nhưng qua độ 5 năm không phát triển được. Trong khi đó họ vẫn song song đầu tư vào Vinamilk, mua cổ phiếu VNM ngay từ thời đấu thầu đầu tiên năm 2004-2005.

Lúc đó tôi nói đùa rằng ông này thần kinh sao ấy. Cổ phiếu lúc đó chỉ vào khoảng mười mấy, hai mươi ngàn thôi mà ông đấu thầu lên 50 ngàn. Nhưng thực ra, lúc đấy mình rất non nớt trong chuyện về cổ phiếu, tầm nhìn tương lai các thứ để đánh giá còn họ có kinh nghiệm ở Singapore, ở Thái Lan, ở Mã Lai rồi…Họ nhìn thấy cổ phiếu mình như thế, họ đấu thầu giá cao và trúng hết. Họ thấy rẻ quá, mình lại không thấy. Họ tham gia từ thời đó và mua từng chút chút chút một, bây giờ thì họ nắm hai mấy phần trăm.

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 22.

Họ quan tâm đến mình từ lâu lắm rồi nhưng kế hoạch của họ không phát triển, họ bán lại dự án cho Vinamilk và rồi đất đó Vinamilk xây nhà máy sữa bột. Nhà máy sữa bột hiện đại của Vinamilk ở Bình Dương là xây trên đất của F&N cũ.

Cho đến bây giờ, họ vẫn là nhà đầu tư tài chính vào Vinamilk chứ không có kế hoạch gì khác vì có mở rộng thì mở rộng ở nước ngoài chứ không trong nước được vì sẽ trở thành đối thủ. 

Khi ban điều hành cần phê duyệt gì thì họ tham gia ý kiến. Kể cả SCIC cũng thế. Theo quy chế phân cấp thì đầu tư bao nhiêu thì ban điều hành có thể tự quyết, bao nhiêu thì phải xin ý kiến HĐQT…

Tôi vẫn là thành viên HĐQT mà HĐQT của Vinamilk thì vui lắm, thường đưa vấn đề gì ra, thảo luận, phân tích rồi cũng đi đến thống nhất và thường thì đồng thuận không có gì phải căng thẳng. Có những vấn đề họ, SCIC chưa hiểu thì mình phải giải thích rõ ra vì bản chất ban điều hành là người phải nắm rõ nhất ngành sữa.  

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 23.

Bà đã dẫn dắt Vinamilk 40 năm, vậy thì đã có bước chuẩn bị ra sao cho đội ngũ kế cận?

Có hết rồi, có hết rồi. Chuẩn bị sẵn sàng hết rồi. Mình có chương trình kế thừa. Chương trình này 3-4 năm nay rồi nhưng câu chuyện kế thừa không phải kiểu như mình nhắm người đó, thích người đó. Mình nhắm không phải chỉ một người.

Vinamilk có một bên thứ 3, của Mỹ, tư vấn về nhân sự, về kế thừa. Mình thuê tư vấn chứ mình không tự làm để cho nó khách quan. Bên tư vấn sẽ phỏng vấn từng người trong đội ngũ kế cận, đưa ra xem mỗi một người họ cần cải thiện những gì…Tất cả điều đó có chương trình hết. Những người thuộc đội kế cận mỗi một năm lại xem đã cải thiện được những gì. Có những người dự tính thuộc đội ngũ kế cận nhưng rồi lại không được thì lại tính người khác.

Tất cả các vị trí đều có kế thừa chứ không riêng gì vị trị tổng giám đốc.

Trong khoảng thời gian bao lâu thì đội ngũ kế thừa bắt đầu bắt tay vào công việc điều hành?

Tôi nghĩ nhanh thôi. Cứ hết nhiệm kỳ này là sẽ thấy. Đến 2021, một-hai năm nữa là xong rồi.

Bà Mai Kiều Liên và những chuyện lần đầu kể về Vinamilk - Ảnh 24.

Nhóm cổ đông lớn mới là tỷ phú Thái vừa mua cổ phần có tác động gì vào chuyện nhân sự của mình không?

Không. Tất cả nhân sự là ban điều hành thực hiện. Chương trình kế thừa là chương trình rất lâu rồi và Vinamilk coi đó là vấn đề quan trọng. Thành hay bại là do con người hết. Mình lựa chọn sai là lỗi của mình nên việc lựa chọn đội ngũ kế cận không phải là việc của cá nhân với cá nhân nữa mà có hẳn cả một quy trình. Có hẳn cả công nghệ để đánh giá và để đào tạo.

Ngày xưa là mình thấy anh này có vẻ tốt tốt đấy, nhắm nhắm vào vị trí nọ kia. Giờ không có chuyện đó, tất cả đều có quy trình lựa chọn, có chỉ số hết.

Nếu hết nhiệm kỳ mà cổ đông họ vẫn muốn bầu bà làm tổng giám đốc tiếp thì bà nghĩ sao?

Cái đó thì tuỳ. Tuỳ cả hai bên. Nếu cổ đông tiếp tục bầu mà tôi cảm thấy sức khoẻ tôi còn đáp ứng được, vẫn còn làm lợi được cho cổ đông thì có thể tôi nhận. Nếu tôi cảm thấy sức khoẻ hoặc các điều kiện khác không thể làm tốt hơn người khác làm thì tôi rút, tôi thôi, dễ mà.

Như vậy, chủ yếu vấn đề làm tiếp hay không là do sức khoẻ?

Không. Nếu như tôi đào tạo được người giỏi hơn chẳng hạn thì tôi việc gì phải giữ tôi ngồi đây làm gì, để cho người giỏi hơn họ làm. Người nào cũng có thời kỳ. Tôi sẵn sàng rút ra sau, tư vấn giúp cho các em sau.    

Nhân dịp đầu xuân năm mới, bà có lời chúc nào dành cho độc giả CafeF?

Tôi là độc giả của CafeF. Mỗi ngày tôi vào CafeF không dưới 5 lần cho nên những gì liên quan đến ai mà của CafeF là tôi xem và tôi rất thích website này vì nó rất hữu dụng cho người kinh doanh như chúng tôi.

Ngoài ra trong CafeF tôi thấy một thứ cũng rất hay mà tôi vẫn hay forward cho các con tôi đó là về Kỹ năng Sống. Rất hay. Kỹ năng sống của những người kinh doanh, của người bình thường…Tôi thấy rất bổ ích.

Chúc cho độc giả, thành viên của CafeF năm mới Thành công và Sức khoẻ. 2 từ đó thôi.  

 Lan Chi-P
hương Chi
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Trí Thức Trẻ