Bà Lê Diệp Kiều Trang: Thị trường 100 triệu dân của Việt Nam không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, 600-700 triệu dân Đông Nam Á mới thực sự thu hút

11/04/2019 09:49 AM | Kinh doanh

Nền kinh tế điện tử của thị trường Đông Nam Á với 600 - 700 triệu dân có thể đạt giá trị 240 tỉ USD vào năm 2025, trở thành một nơi đặt cược hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào startup.

Nền kinh tế điện tử của thị trường 600-700 triệu dân Đông Nam Á thực sự hấp dẫn nhà đầu tư, 24 tỉ USD chảy vào các startup "kỳ lân" như Lazada, Grab, GoJek

Chia sẻ với các startup trong buổi họp báo cuộc thi Vietnam Startup Wheel 2019, bà Lê Diệp Kiều Trang - cựu Giám đốc Facebook Việt Nam, cho biết nền kinh tế điện tử của thị trường Đông Nam Á với 600 - 700 triệu dân có thể đạt giá trị 240 tỉ USD vào năm 2025.

Con số này tuy thấp hơn thị trường 1,3 tỉ dân của Trung Quốc nhưng vẫn là một nơi đặt cược hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Indonesia sẽ trở thành quốc gia có thế mạnh dẫn đầu vì sở hữu thị trường đông dân nhất Đông Nam Á. 

Singapore với mức độ phát triển công nghệ cao, có quy mô 10 tỉ USD. Việt Nam xếp sau với 9 tỉ USD nhưng mức độ tiếp cận tốt hơn nhờ vào dân số. Theo tính toán của Google và Temasek, Việt Nam hoàn toàn có khả năng nâng giá trị thị trường lên 33 tỉ USD và đứng thứ ba khu vực.

Tuy nhiên, bà Trang cho rằng 24 tỉ USD vốn đầu tư vẫn đang chảy vào các startup "kỳ lân" như Lazada, Grab, GoJek... Vì nhà đầu tư muốn đặt cược ở những công ty khởi nghiệp lớn và tầm ảnh hưởng rộng.

Thách thức đối với Việt Nam, theo bà Trang, là chỉ cần ba năm thu hút vốn đầu tư đã khiến cho các startup Indonesia chuyển mình thành "kỳ lân", trong khi "thị trường 100 triệu dân của Việt Nam không đủ sức hấp dẫn" bằng quy mô thị trường toàn khu vực.

Ở Đông Nam Á, Grab và GoJek đã bước vào danh sách 19 startup "siêu kỳ lân" - đạt trị giá 10 tỉ USD. Điều đặc biệt là các công ty này đều thành lập sau năm 2011, tức là chỉ mất 8 năm để có bước phát triển thần kỳ.

Nhìn vào bức tranh của thị trường Indonesia và Thái Lan, bà Trang đặt câu hỏi phải chăng startup Việt Nam chưa thực sự tự tin dấn thân vào môi trường kinh doanh hiện tại. Để xâm nhập vào một thị trường quá lớn như vậy, vấn đề nằm ở đội ngũ kỹ thuật. Sản phẩm tạo ra không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường vài triệu dân mà phải hướng tới thị trường 600 - 700 triệu dân.


Tập đoàn SmileGate: Ông Park Hang Seo không phải là người duy nhất sẵn lòng giúp đỡ Việt Nam

Ông Kyounghwan Kim, đại diện của Tập đoàn SmileGate Hàn Quốc, chia sẻ rằng vào năm 2007 quỹ đầu tư của SmileGate có ý định mở văn phòng tại TP.HCM nhưng hai bên đã không thể đi xa hơn do họ không thể thuyết phục các nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia.

Tuy nhiên, ông Kyounghwan Kim vẫn khẳng định nhân tài Việt Nam có một điểm chung là tự tin, đam mê và chấp nhận thử thách. 

Sau 12 năm chuẩn bị và đánh giá thị trường Việt Nam, SmileGate chính thức thông báo sẽ thành lập một quỹ đầu tư dành riêng cho Việt Nam trong tháng 4.

Quỹ này không giới hạn khả năng đầu tư vào các startup, đồng thời còn giới thiệu hơn 400 công ty đầu tư Hàn Quốc cho startup Việt Nam. Tập đoàn SmileGate cũng xem xét thành lập trung tâm ươm tạo khởi nghiệp tại Việt Nam.

Ông Kyounghwan Kim đánh giá cao thành quả tăng trưởng kinh tế và nỗ lực của các startup Việt, ông khẳng định rằng: "Park Hang Seo không phải là người Hàn Quốc duy nhất sẵn lòng giúp đỡ Việt Nam".

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM