Bà chủ Mia Fruit Nguyễn Ngọc Huyền và sáng kiến sàn đấu giá nông sản theo kiểu Nhật, ước mơ nâng tầm trái cây Việt Nam sánh ngang Hàn – Nhật

21/09/2019 07:33 AM | Kinh doanh

Mặc dù bây giờ, doanh thu chủ yếu của Mia Fruit đến từ việc nhập khẩu các loại trái cây đặc sản nước ngoài, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Nguyễn Ngọc Huyền, cô chưa bao giờ từ bỏ ý định nâng tầm nông sản Việt, để đến một lúc nào đó trái cây đặc sản Việt Nam cũng có thể sánh ngang Hàn – Nhật.

Có thể nói, Mia Fruit hiện đang là một trong những nhà nhập khẩu trái cây được nhiều người biết đến nhất nhì thị trường TP. HCM. Ngoài chủng loại phong phú, thì một trong những lý do khiến cái tên Mia Fruit nổi tiếng, là bởi sản phẩm của họ hầu hết là trái cây đặc sản nổi tiếng đến từ Hàn – Nhật như nho mẫu đơn, táo bạch tuyết, dâu quạt..., thường có giá vài triệu đồng/kg.

Bên cạnh đó, Mia Fruit còn bám sát các xu hướng bán lẻ thế giới, như bán hàng đa kênh – omni channel. Sau 6 năm ra mắt, ngoài bán online qua trang web của thương hiệu, Mia Fruit còn có mặt ở hầu hết các kênh bán hàng online như Foody, Tiki, Lazada…Bên cạnh đó, các đại lý của họ luôn được trưng bày sang trọng – bắt mắt.

Chưa hết, trong năm nay, họ đang có kế hoạch nâng cấp mô hình cửa hàng theo cảm hứng "cửa hàng bán trái cây theo mô hình cửa hàng trang sức" rất thành công ở Nhật với hệ thống chiếu sáng và cách trưng bày đặc thù, khác hẳn với quầy trái cây chất chồng tại cửa hàng truyền thống.

Tại các showroom này, trái cây sẽ được bày biện, đóng gói tinh tế để làm quà tặng, chất lượng và hình thức đều phải đạt đến độ hoàn hảo nhất để làm hài lòng người tiêu dùng, xứng đáng với giá trị cao cấp của mặt hàng. Vào những dịp lễ đặc biệt trong năm, showroom sẽ có những bộ sưu tập quà tặng đẹp mắt như một bộ sưu tập thời trang.

Bà chủ Mia Fruit Nguyễn Ngọc Huyền và sáng kiến sàn đấu giá nông sản theo kiểu Nhật, ước mơ nâng tầm trái cây Việt Nam sánh ngang Hàn – Nhật - Ảnh 1.

Trang web Mia Fruit bày bán toàn trái cây đặc sản Hàn - Nhật đắt tiền.

Còn theo chia sẻ của bà chủ Nguyễn Ngọc Huyền, hiện Mia Fruit có 90.000 khách hàng, gần 50% trong đó là khách hàng trung thành, hầu hết đều đến từ tầng lớp trung thượng lưu. Ngoài ra, Mia Fruit còn có đại lý tại các thành phố lân cận TP. HCM như Vũng Tàu, Tây Ninh và Cần Thơ.

Và để có được những trái cây tươi ngon hảo hạng nhất phục vụ khách hàng của mình, không ít lần Nguyễn Ngọc Huyền phải lặn lội sang nước ngoài, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc để tham gia các sàn đấu giá.

"Cùng là nho mẫu đơn Hàn Quốc, nhưng nho mẫu đơn mà Mia Fruit bán sau khi đấu giá thành công khác với các loại nho mẫu đơn Hàn Quốc bán trên thị trường không qua đấu giá.

Giống và canh tác sạch là 2 tiêu chuẩn bắt buộc của nhiều loại trái cây tại Hàn và Nhật, nhưng sở dĩ cùng 1 loại trái cây mà vùng này ngon hơn vùng khác là bởi cách canh tác đặc biệt hơn và thổ nhưỡng phù hợp với loại trái cây đó hơn – hay nôm na là đặc sản. Và, chỉ có các loại trái cây đặc sản ngon nhất mới được có mặt trên các sàn đấu giá", bà chủ Mia Fruit cho biết.

Ở khía cạnh khác, từ lúc bắt đầu khởi hành với Mia Fruit cách đây 6 năm, chưa bao giờ Nguyễn Ngọc Huyền từ bỏ ý định tìm kiếm các loại trái cây đặc sản Việt Nam để đưa vào danh mục sản phẩm của doanh nghiệp. Nhưng, cho tới thời điểm này, chị vẫn chưa thành công. Hiện tại, Mia Fruit chỉ bán các loại rau củ sạch của Việt Nam, còn trái cây hầu hết vẫn ngoại nhập.

"Thật ra, Việt Nam vẫn có những giống trái cây đặc sản mà nếu canh tác đúng và kỹ càng, chất lượng không thua gì những trái cây đặc sản của Hàn Quốc hay Nhật. Nhưng, vấn đề là người nông dân của chúng ta ngày càng chạy theo năng suất và số lượng, chuyển qua nhiều giống mới kiểu cao sản mà bỏ qua những loại giống trái cây đặc sản mình có mà người khác không có hoặc của mình ngon hơn người khác.

Con đường đúng chính là tập trung phát triển những loại trái cây đặc sản, ngoài canh tác sạch, còn phải chăm sóc sao cho chúng vừa to đẹp lại vừa thơm ngon, tức là nâng cấp nông sản đặc sản và bán với giá cao, như người Nhật Bản Hàn Quốc đang làm; chứ không phải thay đổi giống mới trồng lấy số lượng và bán với giá rẻ mạt. Chúng tôi vẫn chưa mang trái cây đặc sản Việt vào kinh doanh trong hệ thống là bởi chưa tìm được nguồn hàng tin cậy và ổn định", Nguyễn Ngọc Huyền nhận định.

Bà chủ Mia Fruit Nguyễn Ngọc Huyền và sáng kiến sàn đấu giá nông sản theo kiểu Nhật, ước mơ nâng tầm trái cây Việt Nam sánh ngang Hàn – Nhật - Ảnh 2.

Nguyễn Ngọc Huyền trong một lần tham gia buổi đấu giá trái cây tại Nhật Bản năm 2017.

Trong những ngày tháng rong ruổi từ sàn đấu giá này sang sàn đấu giá khác, bà chủ Mia Fruit đã nảy ra ý định copy mô hình sàn đấu nông sản của Nhật và Hàn về Việt Nam. Thông qua sàn đấu giá này, đầu tiên, Nguyễn Ngọc Huyền muốn góp phần cho thế giới thấy, nông sản đặc sản Việt Nam thật ra không hề thua kém bất kỳ ai; thứ hai, chị muốn khuyến khích một bộ phận nông dân Việt quay sang làm hàng đặc sản cao cấp thay vì làm hàng hóa chất thấp cấp - vừa phải bán với giá ‘rẻ bèo’ vừa có hại cho sức khỏe của chính họ.

"Khách quan mà nói, ở Việt Nam, tiềm năng kinh doanh các sản phẩm nông sản sạch, cao cấp - điển hình như mặt hàng trái cây, vẫn còn rất lớn, nhất là về bán lẻ. Người giàu ở Việt Nam sẽ ngày càng giàu lên, mà khi họ càng giàu thì cái họ quan tâm nhất là sức khỏe, thông qua lối sống, việc ăn uống và môi trường sinh hoạt. Thế nên, sàn đấu giá này không chỉ phục vụ việc xuất khẩu mà còn cho thị trường nội địa.

Với dữ liệu thị trường thu thập trong nhiều năm cùng mối quan hệ thân thiết với các hiệp hội xúc tiến ở nhiều nước, ngoài việc hiến kế lên ý tưởng thì bên Mia Fruit sẽ là đơn vị hỗ trợ về cơ sở dữ liệu. Dự kiến cuối năm 2019 sẽ có bản thử nghiệm đầu tiên", bà chủ Mia Fruit lạc quan chia sẻ.

Chẳng biết dự án sàn đấu giá nông sản của Nguyễn Ngọc Huyền sẽ đến đâu, nhưng ý tưởng phát triển nông sản đặc sản cao cấp tại Việt Nam của chị đáng để các cơ quan có chức năng tham khảo. Đây rõ ràng là một hướng đi tốt cho ngành nông nghiệp Việt Nam, ít nhất để đến vụ mùa, chúng ta không còn phải thấy cảnh người nông dân kêu gào mọi người giúp họ ‘giải cứu nông sản".

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM