Ba biến số khó của bà Merkel tại G20

07/07/2017 07:23 AM | Kinh tế vĩ mô

Đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel, các sự kiện như hội nghị G20 ở Humburg thường là cơ hội để tỏa sáng. Nhưng lần này, mọi thứ không dễ dàng.

Angela Merkel từ lâu được biết đến là "thủ tướng hội nghị" (Gipfelkanzlerin). Nhưng để làm được điều đó trong tuần này đòi hỏi một hành động cân bằng thật khôn khéo.

Tạp chí Politico dẫn lời các quan chức thuộc Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của nữ Thủ tướng cho biết, họ đã xác định được "ba biến số khó" ở hội nghị Humburg lần này: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thách thức của bà Merkel: Đối mặt với ba vị khách quyền lực trong cùng lúc phải dập tắt được những bất đồng, và với tư cách chủ nhà của Hội nghị, bà cần vận động được 19 nước thành viên cùng Liên minh châu Âu hướng tới một sự thỏa hiệp thích đáng cho tuyên bố cuối cùng của hội nghị.

Nếu thất bại, Angela Merkel sẽ tự khiến mình trở nên yếu kém ở hội nghị G20 này, lần xuất hiện quan trọng nhất trên sân khấu thế giới trước khi người Đức bước vào cuộc bầu cử quốc hội tháng 9 tới.

"Chúng tôi đang tự vấn: Điều gì nếu chúng ta có một hội nghị không thành công vì Trump ngăn cản mọi thứ?", một quan chức cấp cao của CDU tham gia vào chiến dịch tranh cử của Angela Merkel bày tỏ. "Khi đó, danh hiệu Gipfelkanzlerin sẽ không còn nữa, và mọi thứ sẽ rẽ sang đường khác".

Vladimir Putin

Trong ba biến số kể trên thì nhân vật dễ "xoay xở" nhất nhiều khả năng là ông Putin.

Cách đây không lâu, Tổng thống Nga là nhân tố khiến nhiều quan chức Đức mất ngủ. Căng thẳng Nga - Đức lên tới đỉnh điểm sau khi Kremlin sáp nhập bán đảo Crưm khỏi Ukraina năm 2014. Một năm sau, Liên minh châu Âu áp đặt cấm vận đối với Moscow vì vai trò trong cuộc xung đột ở đông Ukraina.

Nhưng giờ đây, lo lắng về Tổng thống Nga không nhiều như về người mà ông sẽ gặp. Hội nghị Humburg sẽ đánh dấu lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ trực tiếp gặp nhau kể từ khi ông Trump trúng cử Tổng thống.

Vấn đề của Merkel: Đây là một sự kiện tại Hội nghị mà bà có ít quyền kiểm soát nhất.

Mới đây, Thủ tướng Đức đã trò chuyện với cả hai vị khách qua điện thoại và bà sẽ gặp riêng ông Trump trước khi ông gặp người đồng cấp Nga. Nhưng vào ngày hai lãnh đạo Nga - Mỹ gặp nhau, bà Merkel lại bị giới hạn ở bên lề hội nghị.

"Chúng tôi không làm được gì nhiều ngoài chờ xem điều gì xảy ra, và sau đó mới có phản ứng", một quan chức CDU nói.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gì?

Xoay xở với Tayyip Erdogan khó khăn hơn.

Quan hệ giữa bà Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã lao dốc kể từ mùa hè năm ngoái, khi Quốc hội Đức chọc giận Ankara bằng việc thông qua một nghị quyết gọi vụ thảm sát người Armenia của Đế chế Ottoman năm 1915 là diệt chủng.

Căng thẳng càng nghiêm trọng vào tháng 3, sau khi Berlin cấm một số cuộc biểu tình ở Đức ủng hộ cuộc cải cách hiến pháp Thổ nhằm tăng cường quyền lực cho Tổng thống Erdogan.

Đức có khoảng 3 triệu người Thổ đang sinh sống và khoảng một nửa số này có tư cách bỏ phiếu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara sau đó cấm cửa các nghị sĩ Đức tới căn cứ Incirlik mà quân đội Đức dùng cho cuộc chiến chống IS.

Biến số Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng là người khiến bà Merkel đau đầu nhất.

"Bà Merkel cần thành công trong việc tránh va chạm với ông Trump, trong khi vẫn giữ được các nguyên tắc của mình", tạp chí Politico dẫn lời Dennis Snower, Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới ở Kiel, Đức.

Theo một phát ngôn viên của chính phủ Đức, nữ Thủ tướng có kế hoạch gặp trực tiếp với ông Trump vào tối ngày 6/7 trước khi Hội nghị chính thức khai mạc. Bà dự định tập trung vào các lĩnh vực mà ông Trump đã phát tín hiệu cho rằng sự hợp tác song phương là quan trọng, chẳng hạn như chống khủng bố. Nhưng khác biệt giữa hai chính khách này vẫn rất lớn.

Giới chức ở Berlin nói, họ tin Tổng thống Mỹ sẽ dùng chuyến thăm Đức lần đầu để than phiền về thặng dư thương mại và yêu cầu nước chủ nhà chi nhiều hơn cho quốc phòng.

Những bất đồng đó là rất nhạy cảm đối với bà Merkel, vì không giống như Barack Obama, Donald Trump được rất ít người Đức yêu quý, và cách đối diện với Tổng thống Mỹ sẽ tác động đến các nỗ lực tranh cử của nữ chính trị gia.

Theo Politico, để hội nghị thành công, Thủ tướng Merkel phải tìm ra cách thức đối mặt với Tổng thống Mỹ, trong khi hướng sự chú ý của ông và của cử tri Đức tới các lĩnh vực đồng thuận chung.

Và đó là một nhiệm vụ quá khó.

Theo Thanh Hảo

Cùng chuyên mục
XEM