Aupair - Nghề phụ việc gia đình ở xứ người đã giúp hàng trăm cô gái Việt đổi đời như thế nào?

27/04/2016 15:35 PM | Kinh doanh

Hàng năm có rất nhiều sinh viên Việt Nam sang các nước phát triển bao gồm Mỹ, Úc, Đức, Áo, Hà Lan để làm aupair (chương trình trao đổi văn hóa tại một gia đình trong đất nước bản địa nhưng đổi lại phải hỗ trợ gia đình nhận nuôi trong việc nhà và chăm trẻ).

Chuyện đã xảy ra từ năm 2013, nhưng cho đến hiện tại, nhiều bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến công việc aupair vẫn còn truyền tai nhau.

Đó là câu chuyện của nữ sinh viên tên Diệu Thanh, học tại một trường đại học ngoại ngữ, sang Mỹ làm phụ việc gia đình (aupair) và giờ đang tiếp tục được theo học hệ thạc sỹ tại nước này.

"Au Pair" là từ gốc chữ Pháp có nghĩa là "thành cặp" hay "ngang nhau", là chương trình trao đổi văn hoá dành cho những sinh viên nước ngoài đến ở cùng 1 gia đình người bản địa tại 1 đất nước khác. Họ học hỏi văn hoá, ngoại ngữ của đất nước đó thông qua cuộc sống hàng ngày, được miễn phí ăn ở, được chi trả 1 phần học phí, phương tiện đi lại, được chi trả tiền vé máy bay (đối với chương trình Aupair Mỹ). Đổi lại, Aupair phải hỗ trợ gia đình nuôi trong công việc nhà và chăm trẻ. Thời gian làm việc phụ thuộc vào điều luật quy định của mỗi quốc gia.

Ước mơ đổi đời của Thanh bắt đầu từ một làng quê nghèo ở Đông Anh, Hà Nội. Từng theo học trường chuyên ngữ Hà Nội, rất nhiều bạn bè cùng lớp vì gia đình có điều kiện tài chính tốt, hoặc giỏi hơn Thanh rất nhiều đã đi du học.

Cơ hội đã đến với Thanh từ một tờ thông báo nhỏ xíu trong trường đại học. Một ngày nọ khi đi qua khuôn viên trường, Thanh nhìn thấy tờ thông báo tuyển dụng aupair đến Mỹ trong trường. Lập tức Thanh đã chuẩn bị hồ sơ để nộp. Thanh được biết rất nhiều bạn bè cùng lớp của mình xuất sắc hơn cũng đang chạy đua vào chương trình đó.

Sau vòng tuyển chọn hồ sơ, rồi đến phỏng vấn 2 vòng, cuối cùng Thanh là người duy nhất đã được chọn từ hơn 100 hồ sơ. Mùa hè năm 2013, Thanh đã chia tay bố mẹ và gia đình đến Mỹ.

Có lẽ khi ra đi, Thanh cũng không bao giờ nghĩ cuộc đời cô sẽ thay đổi chóng mặt đến thế. Cô được một gia đinh ở New York nhận, chủ nhà rất tốt, hai đứa con gái nhỏ cũng khá ngoan. Hàng ngày cô đưa hai cô bé đến trường, rồi về đi học, chiều đến đón các em về rồi loanh quanh làm việc của gia đình. Đến tối Thanh vẫn được có thời gian riêng của mình để học bài trong một phòng riêng đầy đủ tiện nghi.

So với cuộc sống của con một gia đình nông dân đông con quanh năm thiếu tiền, cuộc sống hiện tại quả là thần tiên. Nỗi nhớ gia đình những tháng ngày đầu tiên mới sang Mỹ nhanh chóng bị hòa tan vào công việc mới, bạn bè mới, lòng tốt của gia đình chủ nhà. Thỉnh thoảng Thanh được họ cho đi chơi theo cùng để trông trẻ nhưng bởi bọn trẻ cũng không quá nghịch ngợm nên Thanh cũng không có nhiều việc để làm.

Nhưng bước ngoặt của cuộc đời Thanh đến từ một người đàn ông là bạn của gia đình chủ nhà. Ông tên là John Nguyễn, đang làm việc cho hãng Boeing. Sau nhiều lần đến nhà chơi, ông Nguyễn đã chú ý đến một cô gái nhỏ chăm chỉ, dịu dàng và nấu ăn khá ngon. Dù tiếng Anh của của cô chưa thực sự tốt nhưng cô luôn niềm nở và cố gắng giao tiếp với mọi người.

Sau một thời gian tìm hiểu, ông John Nguyễn và Thanh đã cưới nhau. Chênh lệch tuổi tác lên đến 20 tuổi dường như không phải điều quá quan trọng đối với họ. Và trong khi người khác mất hàng chục năm và thậm chí cả triệu USD chưa có thẻ xanh ở Mỹ thì sau 3 năm, Thanh đã có thẻ xanh, chính thức trở thành công dân Mỹ.

Ông Nguyễn đang hỗ trợ một phần tài chính để Thanh tiếp tục học lên thạc sỹ MBA. Thanh cũng rất yêu thương ông, cô chăm chỉ đi học đi làm. Cuộc sống ở nơi đâu cũng vất vả nhưng với cô được sang Mỹ và có tiền phụ giúp cho cha mẹ già, em nhỏ là ước mơ lớn đã trở thành hiện thực của cô.

Rất khó để thống kê mỗi năm bao nhiêu sinh viên Việt Nam đang sang các nước phát triển bao gồm Mỹ, Úc, Đức, Áo, Hà Lan bởi hoạt động này diễn ra âm thầm, không được một cơ quan nào thống kê chính thức. Thế nhưng theo tìm hiểu của phóng viên trong các cộng đồng người Việt tại nước ngoài, ước tính con số này mỗi năm có thể lên đến vài trăm.

Dù có không ít trường hợp bị lạm dụng, thậm chí bạo hành, nhưng phần đông các bạn đều rất hài lòng với cuộc sống mới của họ ở nước sở tại. Nhiều cô gái đã kiếm được việc làm, hoặc học lên đại học, cao học sau khi hoàn thành việc aupair. Đó là một lựa chọn tốt dành cho những người không quá xuất sắc về trình độ và không có đủ tài chính đi theo hình thức du học.

Thủ tục để đi làm aupair khá đơn giản. Các bạn sinh viên giỏi ngoại ngữ có thể đăng ký với công ty chuyên dịch vụ tuyển aupair, nộp khoản phí ban đầu không đáng kể (chỉ 1,2 triệu tùy công ty) để được thi và phỏng vấn, sau đó khi qua vòng phỏng vấn đầu tiên bạn đó sẽ được chọn vào vòng phỏng vấn tiếp theo.

Vượt qua vòng này bạn đó sẽ tiếp tục được công ty hỗ trợ để tìm gia đình nhận nuôi. Nếu được gia đình nhận, gia đình sẽ yêu cầu người muốn đi aupair gửi hồ sơ sang nước sở tại để họ lo cho bạn các thủ tục giúp bạn xin được visa sang nước ngoài.

Tuy nhiên cái bẫy lừa có thể giăng sẵn ở tất cả các nước trên thế giới. Chính vì vậy, người muốn đi aupair cần phải vô cùng cẩn thận nếu muốn tránh bị lừa gạt hoặc có thể rơi vào gia đình nhận nuôi không tốt.

(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi để đảm bảo sự riêng tư)

Kỳ sau: Câu chuyện nữ giảng viên từ bỏ trường đại học sang xứ người làm aupair

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM