Apple đang thua ở một thị trường có giá 5,5 nghìn tỷ đô, iPhone cũng phải bó tay

25/03/2017 12:05 PM | Công nghệ

Apple phải cạnh tranh khốc liệt tại thị trường thanh toán di động có giá trị giao dịch lên đến 5,5 nghìn tỷ USD, trong khi iPhone lại không giúp ích gì cho họ.

Dong Ximiao, 39 tuổi là một nhà nghiên cứu tại Đại học Renmin thấu hiểu hơn ai hết tình cảnh của Apple tại thị trường đông dân nhất thế giới. Vào một Chủ nhật đẹp trời, ông ghé vào cửa hàng KFC tại Hàng Châu để dùng bữa. Tới khi thanh toán, nhân viên theo thói quen hỏi: “Quý khách muốn thanh toán bằng AliPay hay WeChat?”

Apple vẫn đang vật lộn tại thị trường Trung Quốc.

Hóa đơn bữa ăn là 5,20 USD (36 nhân dân tệ), Dong muốn thanh toán qua Apple Pay, nhưng cô nhân viên trả lời rằng chưa bao giờ giao dịch bằng hình thức này và không chắc liệu cửa hàng có chấp nhận hay không.

“Tôi biết chắc mọi cửa hàng KFC chấp nhận Apple Pay”, Dong, trả lời, rồi sau đó chỉ dẫn từng bước cho cô nhân viên biết cách thực hiện giao dịch. Cô đã rất ngạc nhiên vì mọi thứ thao tác thật dễ dàng.

Một năm sau khi giới thiệu công nghệ thanh toán riêng tại Trung Quốc, Apple phải vật lộn để giành thị phần trong “miếng bánh” trị giá 5,5 nghìn tỷ USD dù được các ngân hàng và mạng lưới thanh toán lớn “chống lưng”. Nguyên nhân một phần vì số lượng iPhone tại đây khá ít ỏi, chỉ chiếm 9,6% tổng số smartphone vào năm ngoái. Nhưng quan trọng hơn cả, người dân đã quen với dịch vụ Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent, vốn hiện diện trong nhiều năm và hỗ trợ tất cả các thiết bị di động, bao gồm cả iPhone.

Người dân Trung Quốc ưa dùng AliPay và WeChat hơn.

Marie Sun, nhà phân tích tại Morningstar Invesstment Service cho biết: “Tôi không nghĩ Apple Pay có thể giành thị phần tương tự như Alipay hay WeChat Pay trong tương lai gần. Cơ hội duy nhất theo tôi là nếu các đối thủ Trung Quốc gặp sự cố bảo mật lớn mới khiến khách hàng tìm kiếm lựa chọn thay thế. Về phần mình thì tôi không thấy bất kỳ nhu cầu nào để chuyển đổi”.

Carolyn Wo, phát ngôn viên của Apple từ chối đưa ra bình luận. Hồi tháng 10 năm ngoái, CEO Tim Cook từng tự tin khẳng định ông “rất lạc quan” về tình hình ở Trung Quốc, ngay cả khi doanh thu của công ty tại đây giảm 17% trong năm tài chính mới nhất.

Được giới thiệu vào năm 2014, Apple Pay vốn không được thiết kế để xây dựng một mảng kinh doanh riêng tạo ra lợi nhuận, thay vào đó tính năng nhằm mục đích tạo ra sức hấp dẫn cho iPhone trước sự cạnh tranh của các đối thủ smartphone khác.

AliPay hay WeChat

Theo TNS Global Ltd, 40% người dùng di động Trung Quốc thanh toán bằng điện thoại mỗi tuần biến nơi đây trở thành thị trường lớn nhất thế giới, tiếp sau đó là Hồng Kông và Hàn Quốc. Châu Á cũng dẫn đầu về thanh toán di động vượt cả Mỹ và châu Âu.

Khi ra mắt Apple Pay tại Trung Quốc vào tháng 2/2016, Apple đã hợp tác cùng hàng chục “ông lớn” như Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB). Thậm chí, công ty còn đạt được thỏa thuận với Hiệp hội các nhà phát hành thẻ ngân hàng UnionPay với hệ thống hơn 10 triệu máy có khả năng “chạm để thanh toán”.

Tuy nhiên, Alipay và WeChat Pay lại làm việc bằng mã quét, thanh toán online trực tiếp hoặc thông qua các phương pháp khác, giúp quá trình thanh toán trở nên dễ dàng và rẻ hơn. Trong khi đó, hệ thống máy móc hỗ trợ Apple Pay thường rất đắt. Alipay và WeChat Pay cũng được thiết kế cho phép mọi người chuyển tiền cho nhau hoặc chia hóa đơn ngay tại nhà hàng, biến ứng dụng giống như ví tiền thực sự.

Hệ thống thanh toán Apple Pay khá đắt đỏ và chưa phổ biến.

Alipay và WeChat Pay đã có những bước đi nhạy bén. Họ vẫn đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, như tặng tiền mặt để khuyến khích khách hàng Trung Quốc sử dụng hệ thống thanh toán của họ”, Marie Sun nhận định.

Giám đốc của một ngân hàng lớn của Trung Quốc (đề nghị giấu tên) cho biết, chỉ khoảng 1% trong tổng số hơn 10 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số đã đăng ký Apple Pay từ khi nó phát hành. Chưa hết, số lần dùng dịch vụ còn giảm từ mức mỗi tháng một lần giờ chỉ còn mỗi ba tháng một lần.

Một yếu tố lý giải tại sao Apple Pay lại hụt hơi trước WeChat và Alipay là việc iPhone đang bị Oppo, Huawei và các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc khác “bóp nghẹt” nhờ chiến dịch về giá. Theo IDC, lượng iPhone bán ra tại thị trường này đã giảm 23% vào năm 2016.

Chưa hết, Apple Pay còn đối mặt với những thách thức không nhỏ tại các thị trường khác. Ở Australia, Apple phải đấu tranh mạnh mẽ với các ngân hàng quốc doanh về tương lai thanh toán di động. Thậm chí, Táo khuyết còn đưa ra cáo buộc việc hình thành liên minh cố “trì hoãn hoặc ngăn chặn” dịch vụ của mình tiến vào Australia. Tại Nhật, Apple Pay đã có bước khởi đầu đầy khó khăn hồi tháng 10 khi khách hàng gặp lỗi thanh toán vé tàu bằng iPhone. Ngay tại sân nhà, Apple cũng đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt khi các nhà bán lẻ và chuỗi thức ăn nhanh giới thiệu dịch vụ thanh toán di động riêng.

Apple Pay rõ ràng đang yếu thế trên nhiều mặt trận.

Theo Iresearch có trụ sở tại Bắc Kinh, trong khi Apple đang phải vật lộn giữa muôn trùng khó khăn, thanh toán di động đang bùng nổ tại Trung Quốc với tổng giá trị giao dịch lên đến 38 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2016, tăng gấp ba lần so với năm trước. Trong đó, Alipay và Tencent cùng nhau nắm giữ khoảng 90% thị phần. Để so sánh, Forrester Research cho biết thị trường thanh toán di động tại Mỹ đã tăng 39% lên 112 tỷ USD vào năm ngoái.

Tại một cửa hàng bánh Wedome ở trung tâm Bắc Kinh, nhân viên thu ngân nói rằng Apple Pay được chấp nhận tại hơn 280 cửa hàng trên toàn thành phố. “Nhưng xin lỗi, tôi không biết nó làm việc thế nào bởi tôi chưa bao giờ sử dụng dịch vụ này”, cô nói trong khi đang quét mã thanh toán WeChat của một khách hàng dùng iPhone.

Rất khó để thay đổi cục diện hiện tại, không hoàn toàn không thể, nhưng phải nói là rất khó. Apple cần sửa chữa hai lỗ hổng. Trước tiên, họ cần có nhiều thương gia chấp nhận hình thức thanh toán của mình, đặc biệt tại các thành phố nhỏ của Trung Quốc, đồng thời phải có nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cả hai mục tiêu đó đều tốn kém và cần nhiều thời gian”, Dong cho biết.

Theo Le Min Kop

Cùng chuyên mục
XEM