Áp lực công việc khủng khiếp tới độ có thể khiến con người muốn tự tử, nếu đang mắc kẹt trong mớ hỗn độn, hãy làm ngay 3 việc sau!

24/12/2018 17:16 PM | Sống

Mỗi ngày thức dậy và đi làm, bạn đều cảm thấy mỏi mệt vì có quá nhiều nỗi lo? Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp nhằm thoát khỏi chuỗi ngày áp lực đó, bài viết dưới đây hẳn sẽ là một lựa chọn đúng đắn.

Theo một báo cáo đã được công bố bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình cứ 40 giây trên thế giới sẽ có một người tự tử. Trong đó, áp lực công việc là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Lượng công việc quá tải, cường độ công việc quá lớn, nguy cơ cắt giảm biên chế, vòng xoáy cạnh tranh và thăng tiến, tất cả khiến giới công nhân viên chức rơi vào trạng thái khủng hoảng cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Thậm chí, tại Nhật Bản – đất nước nổi tiếng với môi trường làm việc nghiêm khắc và đội ngũ nhân công chăm chỉ nhất thế giới có tới hơn 3.000 người tự tử mỗi năm vì áp lực nghề nghiệp, nhiều gấp 4 lần so với số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Trên thực tế, vấn đề này đang ngày càng trở nên tồi tệ. Theo một cuộc khảo sát gần đây tại Mỹ, có đến 77% nhân viên cảm thấy ngột ngạt khi đến văn phòng. Họ không còn tìm thấy niềm đam mê và hứng thú với công việc, thay vào đó là sự căng thẳng triền miên.

Nói về vấn đề này, diễn giả - tác giả nổi tiếng người Mỹ gốc Ấn Độ Deepak Chopra và cựu phó giám đốc của JPMorgan Chase - đơn vị hàng đầu trong dịch vụ tài chính, lĩnh vực ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản Kabir Sehgal - cũng cho rằng, đặt ra mục tiêu trong công việc có thể là động lực, nhưng cũng chính là gánh nặng áp lực của mỗi người. Việc ép buộc bản thân phải đạt được một điều gì đó sẽ khiến họ lo lắng, căng thẳng triền miên, nóng nảy, mất ngủ, dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, giảm hiệu suất công việc.

 Áp lực công việc khủng khiếp tới độ có thể khiến con người muốn tự tử, nếu đang mắc kẹt trong mớ hỗn độn, hãy làm ngay 3 việc sau!  - Ảnh 1.

Tỷ phú tinh thần Deepak Chopra.

Đồng thời, Deepak Chopra và Kabir Sehgal cũng đã đưa ra một phương pháp đơn giản gồm 3 bước có thể giúp bạn tập trung hơn vào quá trình làm việc – điều mà bạn có thể kiểm soát được, thay vì quá để ý tới kết quả - điều mà bạn khó kiểm soát và quyết định. Khi tuân theo 'luật tách rời' và học cách buông bỏ này, bạn sẽ nhận thấy thành công hơn nữa chắc chắn sẽ đến với bạn, dù rằng có thể sẽ muộn hơn so với sự mong đợi của bản thân.

Bước một: Lập danh sách mục tiêu

Hãy đảm bảo những mục tiêu mà bạn đặt ra phù hợp và không quá sức. Nếu có nhiều hơn một mục tiêu, chú ý đặt ưu tiên cho từng mục tiêu, tập trung vào những mục tiêu quan trọng hơn, tránh bị quá tải. Sau đó, lập danh sách những việc cần làm mỗi ngày. Quy trình này sẽ giúp bạn xác định được đích đến cuối cùng và con đường phải đi. Khi biết chính xác điều bản thân muốn đạt được, bạn sẽ biết mình cần phải tập trung vào việc gì, hạn chế những việc thừa thãi, tránh xa những điều gây xao nhãng.

Bước hai: Theo sát tiến trình

Sau khi xác định mục tiêu và hoàn thành việc lên kế hoạch thực hiện, hãy tiến hành theo từng bước một cách chắc chắn và cần thận, đừng quá nôn nóng. Thường xuyên cập nhật danh sách việc cần làm mỗi ngày. Nên nhớ rằng, theo thời gian, sự thay đổi về môi trường xung quanh và những trải nghiệm của bản thân, mục tiêu cũng nên được thay đổi để phù hợp hơn với kiến thức và năng lực vào thời điểm đó của bạn. Trong trường hợp mục tiêu không còn hấp dẫn và cần thiết, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc và loại bỏ chúng.

Bước ba: Chinh phục mục tiêu với tầm nhìn xa

Rõ ràng, việc đạt được mục tiêu rất đáng để ăn mừng. Tuy nhiên, không hoàn thành được mục tiêu cũng chẳng phải cái gì đó quá tồi tệ. Hãy bình tĩnh xem xét lại toàn bộ chặng đường bản thân đã đi qua, rút ra bài học và áp dụng nó cho quá trình thiết lập mục tiêu kế tiếp.

Hãy luôn nhớ rằng, mục tiêu của bạn do chính bạn đặt ra. Cũng như việc bạn dễ dàng viết ra một mục tiêu, việc xóa bỏ chúng cũng dễ dàng như thế. Để tránh bị căng thẳng quá mức bởi áp lực, hãy đặt mục tiêu về năng lực thay vì mục tiêu về kết quả. Thay vì nói: "Tôi muốn được lên chức trưởng phòng", hãy nói "Tôi muốn học hỏi khả năng bao quát tổng thể và lãnh đạo". Trong quá trình phấn đấu và nỗ lực, dù kết quả cuối cùng có như bạn mong muốn hay không, có được thăng chức hay không, chắc chắn bạn cũng đã học hỏi và rèn luyện được khả năng lãnh đạo của mình.

Hãy luôn nhớ rằng, chỉ cần bạn nỗ lực, dù "tắc đường" đến đâu, thành công nhất định sẽ đến với bạn, chỉ là hơi muộn chút thôi!

Theo Nguyễn Linh

Cùng chuyên mục
XEM