Áp lực chính trị kinh tế nội địa đã buộc Mỹ - Trung Quốc phải nối lại đàm phán ra sao?

15/09/2019 15:50 PM | Xã hội

Chính phủ Trung Quốc phải đương đầu với nhiều chỉ trích về cách xử lý vấn đề Hồng Kông cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Áp lực chính trị và kinh tế nội địa đã khiến hai bên Mỹ và Trung Quốc có những thiện chí ban đầu nhằm thu hẹp bớt khác biệt của họ xung quanh vấn đề thương mại.

Ngày thứ Sáu, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đưa đậu tương, thịt lợn và một số loại nông sản khác ra khỏi danh sách phải chịu thuế trả đũa của Mỹ.

Động thái được đưa ra trước cuộc họp nội các vào tháng tới được tiến hành sau khi phía Mỹ cũng thể hiện sự linh hoạt nhất định.

Trong ngày thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự sẵn sàng hướng đến thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc. Ông nói với phóng viên Nhà Trắng: “Đó là cái mà chúng tôi sẽ cân nhắc, tôi cho là vậy”.

Dù rằng Tổng thống Trump từng nói rằng ông muốn hoàn tất toàn bộ thỏa thuạn, thế nhưng những gì ông nói cho thấy sự “xuống thang” căng thẳng rõ ràng thể hiện qua quyết định lùi ngày tăng thuế với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sang ngày 15/10/2019 nhằm tránh Quốc khánh Trung Quốc.

Các cuộc đối thoại thương mại hai chiều hiện đang đương đầu với nhiều vấn đề gan góc, ví như việc Bắc Kinh trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước cũng như việc Mỹ trừng phạt công ty viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies.

Một nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh: “Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm bớt danh mục hàng hóa nhập khẩu chịu thuế cao trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai”. Người này đã đề cập đến khả năng tách vấn đề của Huawei ra khỏi các cuộc đối thoại thương mại do lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia do nhiều nghị sỹ Mỹ đề cập đến tại Quốc hội Mỹ.

Một cách tiếp cận khác có thể bao gồm việc hướng đến thỏa thuận theo đó Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu nông sản Mỹ trong nỗ lực giảm mất cân bằng thương mại, cùng lúc đó Washington trì hoãn áp dụng thuế quan trả đũa.

Theo thông tin mới được công bố, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và nhiều nhà nhập khẩu khác đã được yêu cầu nhập khoảng 1 triệu tấn đậu tương Mỹ.

Một số vấn đề khác bao gồm việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Phó giám đốc văn phòng bản quyền trí tuệ nhà nước, ông Gan Shaoning, cho rằng việc bảo vệ các tài sản này cho thấy quan điểm tích cực từ phía Trung Quốc và rằng việc bảo vệ đó sẽ giúp làm tăng tính cạnh tranh của kinh tế Trung Quốc.

Áp lực chính trị từ cả hai phía bờ Thái Bình Dương đang khiến cả Mỹ và Trung Quốc buộc phải ngồi vào bàn đàm phán.

Từ phía Mỹ, giá ngũ cốc không ngừng giảm do chiến tranh thương mại, nông dân đang khó khăn trả nợ vay mua thiết bị trước đó. Nhiều người nông dân từng ủng hộ Trump.

Thế nhưng sự kiên nhẫn của họ đang cạn dần, theo phân tích của ông Jim Sutter, CEO của hội đồng xuất khẩu đậu tương Mỹ. Khi mà cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa, Tổng thống Trump đang ngày phải quan tâm nhiều hơn đến nguyện vọng của những người ủng hộ ông.

Tại Trung Quốc, nội bộ chính trường đang có nhiều sóng gió khi mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều chính trị gia khác phải đối diện với áp lực từ nhiều chính trị gia đã lâu năm. Chính phủ Trung Quốc phải đương đầu với nhiều chỉ trích về cách xử lý vấn đề Hồng Kông cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Chính Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã gọi sang người đồng cấp Mỹ để yêu cầu trì hoãn việc tăng thuế. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã phản hồi bằng cách nói về mong muốn tiếp tục đối thoại trong những tuần sắp tới. Hai bên dự kiến có các cuộc đối thoại tại Washington trong tuần tới.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM