Áp lực cạnh tranh từ Thái, Đức, Nhật, Vissan phải bắt tay 'quan lớn' Masan để sinh tồn

11/05/2016 09:40 AM | Kinh doanh

Sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài ngày một leo thang được cho là nguyên nhân thúc đẩy 2 đại gia trong nước gồm Masan và Vissan “bắt tay” hợp tác cùng nhau.

Trong bối cảnh thị trường trong nước toàn cầu hoá, Vissan đang nhắm tới việc đánh cược vào thực phẩm an toàn như một lợi thế cạnh tranh dành cho công ty.

Và thoả thuận hợp tác mới đây với Masan là chìa khoá cho chiến lược này. Cụ thể đầu năm nay, Masan đã quyết định chi 1.427 tỉ đồng để sở hữu 11,33 triệu cổ phần Vissan.

Ngày 15/4 vừa qua, Vissan đã tuyên bố rằng 455 cửa hàng thịt được đặt tại TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ bán thịt lợn đạt tiêu chuẩn an toàn toàn thực phẩm VietGAP.

Người tiêu dùng Việt Nam hiện đang thực sự lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm sau hàng loạt bê bối thực phẩm bẩn, chứa chất gây ung thư… Trong bối cảnh đó, việc mang lại sự an tâm dành cho khách hàng bằng chứng nhận VietGAP là một chiến lược thông minh.

Hiện tại, Vissan là công ty cung cấp thịt hàng đầu tại Việt Nam, kiểm soát 24% thị phần nội địa. Trong khi đó, Masan đang thống trị thị trường nước mắm với gần 80% thị phần. Sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài ngày một leo thang được cho là nguyên nhân thúc đẩy 2 đại gia trong nước này “bắt tay” hợp tác cùng nhau.

Theo Tổng cục thống kê, trong năm 2015 người Việt chi 27,6 tỉ USD cho thực phẩm, tăng 50% so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định quanh mức 6%/năm, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và lượng dân số đạt gần 100 triệu người khiến thị trường thực phẩm của Việt Nam trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Riêng trong lĩnh vực cung cấp thịt, các công ty tới từ Đức, Thái Lan và Nhật Bản đã tham gia vào cuộc chơi từ 5 năm trước. Hiện tại, “đại gia" Thái Lan là tập đoàn Charoen Pokphand đang điều hành tới 9 nhà máy sản xuất thịt và thức ăn gia súc ở Việt Nam. Trong số các công ty tới từ Nhật Bản đáng chú ý có sự hiện diện của NH Foods.

Nhìn chung trong thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ chứng kiến làn sóng toàn cầu hoá và tự do thương mại mạnh mẽ với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế Asean vào cuối năm ngoái và việc ký kết hiệp định TPP.

Thoả thuận hợp tác với Masan mang tính quan trọng sống còn đối với Vissan trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng cao. Mạng lưới bán hàng rộng khắp của công ty hiện phủ sóng tới 13.000 địa điểm bao gồm 100 cửa hàng trực tiếp và 1.000 nhà phân phối.

Cần phải nói thêm rằng khi thị trường Việt Nam chưa có mạng lưới hậu cần hiện đại, sức mạnh của một công ty thực phẩm chính là nằm ở số lượng cửa hàng bán lẻ trong mạng lưới bán hàng.

Vissan và Masan hiện có khoảng 370.000 cửa hàng như vậy - một lợi thế đáng kể giúp họ có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh tới từ nước ngoài.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM