Áp dụng Basel II sớm, ngân hàng được và mất gì?

04/12/2018 08:54 AM | Kinh doanh

Theo Ông Hàn Ngọc Vũ, việc áp dụng Basel II giúp ngân hàng nhanh nhạy hơn trong việc đánh giá khách hàng. Ngược lại khách hàng cũng sẽ có cơ sở để đánh giá được chất lượng ngân hàng tốt hơn, nhà đầu tư được tạo niềm tin tốt hơn, qua đó sẽ quyết định đầu tư đồng tiền của họ vào ngân hàng một cách thông minh hơn.

VIB và Vietcombank là 2 ngân hàng đầu tiên đã được Ngân hàng Nhà nước nghiệm thu đạt chuẩn áp dụng quản lý rủi ro theo Basel II, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự thành công đầu tiên của hệ thống ngân hàng về thí điểm áp dụng chuẩn mực quốc tế vào quản trị rủi ro hoạt động – vốn đã được đưa ra từ năm 2014 và có lộ trình thực hiện đến 2020.

Xoay quanh sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB.

PV: Thưa ông, sự kiện đáp ứng được các quy định về an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (chuẩn Basel II) có ý nghĩa thế nào với các ngân hàng?

Ông Hàn Ngọc Vũ: Tôi cho rằng đây là điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các ngân hàng.

Về khía cạnh vốn, ngân hàng sẽ phân bổ vốn chủ sở hữu hợp lý hơn trong việc xây dựng, phát triển, phân bổ tài sản có rủi ro và tài sản có sinh lời. Thực tế, nếu không có các quy định trong Thông tư 41 thì người ta chỉ nhìn vào quy mô của một tổ chức tín dụng dưới các con số về danh nghĩa, mà không nhìn vào hệ số quy đổi các tài sản có rủi ro là bao nhiêu. Bởi mức độ đòi hỏi về vốn không căn cứ vào danh nghĩa tài sản mà theo hệ số quy đổi, do vậy các ngân hàng sẽ có sự sàng lọc tốt hơn về loại tài sản sinh lời mà mình bỏ tiền ra để đầu tư và tăng trưởng. Như vậy việc đáp ứng được quy định là bao hàm bản chất kinh doanh trong đó.

Các quy định về công bố thông tin trong Thông tư 41 cũng giúp cho các ngân hàng có kỷ luật hơn về công bố thông tin thị trường, qua đó tăng niềm tin cho nhà đầu tư, người gửi tiền, cũng sẽ tăng uy tín cho ngân hàng trên thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động. Điều này đồng thời cũng giúp nhà đầu tư, người gửi tiền phân biệt các ngân hàng có chất lượng tốt hơn để bỏ đồng tiền đầu tư một cách thông minh hơn.

Ngoài ra, Thông tư 41 và Thông tư 13 (về kiểm soát nội bộ ngân hàng - PV) còn có những quy định rất ngặt nghèo về công tác kiểm tra, kiểm soát. Khi thực hiện được sự tuân thủ của các thông tư sẽ giúp ngân hàng kiểm soát hoạt động của họ tốt hơn, và điều đó giúp bản thân ngân hàng có bộ máy hoạt động tốt hơn.

Vậy còn những điều bất lợi thì sao thưa ông, đặc biệt là khi so sánh với các ngân hàng chưa áp dụng?

Tôi cho rằng chẳng có điều gì là bất lợi hay thua thiệt ở đây cả. Như tôi đã phân tích thì việc đáp ứng được các quy định khắt khe sẽ giúp các ngân hàng có chất lượng cao hơn, hiệu quả tốt hơn trong hoạt động.

Ở khía cạnh vĩ mô, việc áp dụng Thông tư 41 còn có lợi cho cơ quan quản lý bởi họ sẽ quản lý tốt hơn, đảm bảo an toàn hơn cho nền kinh tế đối với hệ thống ngân hàng, giảm bớt gánh nặng về trách nhiệm với người gửi tiền - khi trước đây xã hội đều quan niệm đó là trách nhiệm của Nhà nước. Với quy định mới sẽ yêu cầu mỗi Hội đồng quản trị, ban điều hành của từng tổ chức tín dụng phải có kỷ luật, đo lường, định lượng rõ ràng hơn trong việc quản lý tổ chức tín dụng của mình.

Còn so sánh với các tổ chức tín dụng khác, tôi cho rằng việc áp dụng Basel II chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Theo kế hoạch đến năm 2020 các đơn vị đều phải áp dụng nên việc thực hiện không phải là sự lựa chọn là có hay không mà chỉ là thời điểm. Bây giờ họ chưa áp dụng Thông tư 41 thì họ vẫn áp dụng Thông tư 36. Nếu bạn hỏi vì sao họ không chọn thời điểm áp dụng sớm như chúng tôi thì điều này cũng khó trả lời vì "tôi không đứng trong đôi giày của họ" nên không thể trả lời thay.

Liệu khi ngân hàng áp dụng Basel II thì khách hàng và ngân hàng có bị ảnh hưởng gì hay không? Những tác động, hiệu quả liệu có thể đong đếm được?

Về phía ngân hàng thì quy trình hạch toán, quy trình phân loại tài sản sẽ có những ảnh hưởng rõ rệt. Chẳng hạn quá trình nhập liệu, phân tích thông tin sẽ khác so với việc áp dụng Thông tư 36. Chúng tôi phải đào tạo cán bộ để họ đáp ứng chuẩn Thông tư 41, đồng thời nội bộ ngân hàng cũng có sự thay đổi vì phải đầu tư về công nghệ, máy móc để có thể đong đo đếm được dựa trên số liệu đã nhập vào hệ thống.

Một điểm quan trọng và cốt lõi nhất trong hoạt động của ngân hàng khi áp dụng Basel II đó là dựa trên việc thay đổi về công nghệ, dữ liệu, máy móc thì quá trình ra quyết định trước khi khởi tạo ra tài sản có lời sẽ được phân tích kỹ hơn, khoa học hơn. Mỗi một tài sản đòi hỏi có hệ số vốn đứng đằng sau là vốn chủ sở hữu. Nếu ngân hàng tạo ra tài sản sinh lời quá thấp sẽ không có lợi cho hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu. Có nghĩa là dựa trên các số liệu sẽ giúp ngân hàng ra quyết định kinh doanh tốt hơn với hiệu quả hơn với cùng một đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra.

Về phía khách hàng, mọi hoạt động, giao dịch với ngân hàng là không thay đổi. Việc áp dụng Basel II giúp ngân hàng nhanh nhạy hơn trong việc đánh giá khách hàng. Ngược lại khách hàng cũng sẽ có cơ sở để đánh giá được chất lượng ngân hàng tốt hơn thông qua mức độ đo an toàn vốn dựa trên tiêu chí mới mà Thông tư 41 quy định. Khách hàng gửi tiền sẽ yên tâm hơn khi ngân hàng đong đo được hiệu quả về vốn trong hiệu quả kinh doanh của mình.

Về phía nhà đầu tư, họ cũng sẽ yên tâm hơn khi ngân hàng đáp ứng được tiêu chí tính toán mới bởi khi ấy ngân hàng có độ tin cậy cao hơn.

Như ông nói là việc thực hiện Basel II sớm đòi hỏi ngân hàng phải đầu tư đào tạo, công nghệ, máy móc…tức là khiến các ngân hàng phải tốn thêm chi phí. Vậy thì chi phí này các năm sau có giảm đi so với thời gian chuẩn bị vừa qua hay không? Các ông có đề xuất gì với Ngân hàng nhà nước về một "cơ chế" riêng cho các ngân hàng đi trước?

Về chi phí thì không thể giảm đi so với trước đây, và mức cụ thể bao nhiêu thì tôi xin phép không tiết lộ.

Đối với cơ chế chính sách thì chúng tôi đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước 2 đề xuất đó là được tự quản lý về tốc độ tăng trưởng tín dụng theo khả năng đáp ứng về vốn miễn là cùng lúc đáp ứng được Thông tư 41 và 36; và được phép mở rộng mạng lưới theo hướng cởi mở hơn.

Vậy cơ quan quản lý đã phản hồi thế nào thưa ông?

Chúng tôi từng đưa ra đề xuất trước đây nhưng chưa được phản hồi. Tại buổi trao quyết định áp dụng Basel II hôm 28/11 chúng tôi tiếp tục nhắc lại đề xuất này. Khi đó, trong không khí của buổi lễ, Ngân hàng Nhà nước chưa xác nhận là đồng ý hay không nhưng trong phát biểu của Thống đốc thì cho thấy người đứng đầu ngành ngân hàng cũng có xu hướng là khuyến khích các ngân hàng như VIB và Vietcombank.

Trong khoảng thời gian từ 2014 tới nay mới có 2 ngân hàng đáp ứng Basel II mà mục tiêu của NHNN và Chính phủ, Quốc hội là đến 2020 phải có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng, vậy theo ông lộ trình này liệu có thực hiện được?

Nếu nói rằng chỉ còn năm 2019 và 2020 để áp dụng thì quá ngắn. Nhưng cần nhìn nhận cả quá trình rằng việc này đã được các ngân hàng chuẩn bị suốt thời gian qua. Ví dụ hiện đang có 2 ngân hàng xin Ngân hàng Nhà nước áp dụng Basel II vào danh sách bổ sung 9 ngân hàng được chọn thí điểm (1 trong 10 ngân hàng ban đầu đã xin rút). Việc có hoàn thành hay không tôi nghĩ là phụ thuộc vào việc họ đã làm được gì trong những năm vừa qua và còn lại những gì chưa chuẩn bị. Nếu họ đã chuẩn bị tương đối thì tôi nghĩ mục tiêu này chắc chắn sẽ đạt được.

Việc áp dụng Basel II của Việt Nam rất chậm so với thế giới khi mà họ đã áp dụng đến tiêu chuẩn thứ IV. Hơn nữa các nước cũng có những tiêu chuẩn trong hoạt động dường như cao hơn nhiều, không chỉ ở khía cạnh quản trị rủi ro, vậy theo ông điều này liệu có ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngân hàng Việt với ngân hàng nước ngoài đang và sắp vào Việt Nam không?

Việc áp dụng chuẩn quốc tế phải tính đến yếu tố phù hợp của nền kinh tế và sự phát triển của nền kinh tế. Việc áp dụng chuẩn Basel II theo tôi là phù hợp với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Còn việc cạnh tranh với ngân hàng ngoại, thì tôi nghĩ là áp dụng Basel II giúp ngân hàng Việt tăng sức cạnh tranh chứ không phải kém đi. Chúng ta có lợi thế là quen thuộc thị trường, vừa hiểu khách hàng, vừa đạt chuẩn quốc tế thì sẽ cạnh tranh tốt hơn đối với ngân hàng nước ngoài vào nước ta.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!


Theo Tùng Lâm

Từ khóa:  ngân hàng , basel
Cùng chuyên mục
XEM