ANZ: GDP Việt Nam năm 2017 sẽ tăng 6,4% nhờ triển vọng sáng sủa của ngành nông nghiệp

24/02/2017 17:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Nhóm chuyên gia ngân hàng ANZ cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2017 sẽ thoát đáy và trở thành động lực triển vọng cho tăng trưởng GDP nhờ những dự đoán tích cực về yếu tố môi trường.

Chiều ngày 24/2 tại Hà Nội, Ngân hàng ANZ đã tổ chức buổi họp báo công bố báo cáo: “Điều gì sẽ đến trong năm 2017”, với nội dung đưa ra những dự báo mới nhất về chuyển động của kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại buổi họp báo, bà Eugenia Victorino - chuyên gia kinh tế khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và ASEAN có những phân tích và chia sẻ về kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua, cùng những dự báo cho thời gian tới.

Theo bà Victorino, trong năm 2017, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 6,4% nhờ khu vực nông nghiệp phục hồi và có kết quả tốt hơn trong năm ngoái.

Năm 2016 chứng kiến ngành nông nghiệp tăng trưởng dương 1,36%, tuy nhiên đây là kết quả thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Nhóm chuyên gia ANZ cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2017 sẽ thoát đáy và trở thành động lực triển vọng cho tăng trưởng GDP nhờ những dự đoán tích cực về yếu tố môi trường.

Giải thích về lý do ngành nông nghiệp đem lại động lực tăng trưởng cho ngành kinh tế Việt Nam vào năm 2017, bà Victorino cho biết: "Các chuyên gia nông nghiệp nhận định năm 2017 sẽ là một năm bội thu hơn năm ngoái với lượng mưa cao hơn, ít hạn hán".

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đến từ ANZ đánh giá cao tiến trình công nghiệp hoá của Việt Nam vốn đã đạt kết quả tốt trong năm 2016 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2017.

"Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ dẫn đầu trong làn sóng công nghiệp hoá cuối cùng ở khu vực Đông Nam Á nhờ vào hành lang vận tải quan trọng. Việt Nam sở hữu tuyến vận tải kết nối Trung quốc, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN. Bằng vị trí địa lý quan trọng ấy và tiến trình công nghiệp hoá đang diễn ra ở Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối để kết nối các nền kinh tế ở ngoại vi với toàn bộ Đông Nam Á".

Mặc dù tiến trình toàn cầu hoá trong năm 2017 sẽ gặp nhiều khó khăn do thái độ bài thương mại đa phương của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, tiêu biểu là động thái rút tư cách thành viên của Mỹ ra khỏi Hiệp định TPP, Việt Nam vẫn còn những cơ hội khác đến từ nỗ lực đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu và đàm phán song phương.

Theo nhóm nghiên cứu của ngân hàng ANZ, mất đi TPP có nghĩa là Việt Nam chỉ mất đi cơ hội, nhưng với tiềm lực phát triển của mình, Việt Nam vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ vào những cơ hội khác.

"Mặc dù rủi ro của việc TPP đổ bể sẽ là khối lượng xuất khẩu sang Mỹ giảm, tuy nhiên đó chỉ là 22%, còn lại 78% là thị trường khác. Do đó với việc đa dạng hoá ngành hàng và thị trường xuất khẩu, Việt Nam cũng ko mất đi quá nhiều", bà Victorino nhận định.

Ông Khoon Goh - trưởng Bộ phận Nghiên cứu Châu Á của ngân hàng ANZ cũng cho biết: "Chúng tôi cho rằng Mỹ có toàn quyền kiểm soát chính sách thương mại của họ nhưng không phải trên toàn cầu. Do đó, các quốc gia có thể tìm thấy những cơ hội mất đi từ các hiệp định khác".

Theo Anh Sa

Cùng chuyên mục
XEM