Ấn Độ và cuộc cách mạng smartphone

06/10/2017 14:27 PM | Kinh tế vĩ mô

Với lợi thế dễ tiếp cận thị trường và chưa có một hãng di động nào chiếm lĩnh thị phần thực sự, Ấn Độ đang trở thành điểm đến lý tưởng của các hãng di động nhỏ bởi họ có tiềm năng phát triển hơn so với Mỹ hay Trung Quốc, nơi Samsung và Apple đang hoành hành.

Số lượng người sử dụng smartphone tại Ấn Độ hiện nay đạt hơn 300 triệu người, tương đương với cả dân số Mỹ và ước tính sẽ còn có hàng triệu khách hàng mới mua loại sản phẩm này. Các chuyên gia cho rằng tốc độ tăng trưởng người sử dụng smartphone tại đây sẽ đạt hơn 50% trong vòng vài năm tới.

Hiện nay, thị trường Nam Á này đã trở thành một trong những tâm điểm cạnh tranh của hàng loạt các hãng kinh doanh điện thoại, từ Samsung, Apple, Oppo, Xiaomi cho đến Micromax của Ấn Độ.

Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường Ấn Độ thu hút các nhà đầu tư là có tới 1 tỷ người dân ở đây chưa có smartphone. Thậm chí theo số liệu của Counterpoint Research, trong số 650 triệu người sử dụng điện thoại hiện nay ở Ấn Độ, chỉ có hơn 300 triệu người là dùng smartphone, qua đó còn rất nhiều cơ hội cho các hãng di động.

Ấn Độ và cuộc cách mạng smartphone - Ảnh 1.

Chỉ có 300 triệu người trong số 650 người Ấn Độ sử dụng di động là có smartphone

Như vậy, Ấn Độ hiện nay đã vượt Mỹ để trở thành thị trường smartphone lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.

Cũng theo báo cáo của Counterpoint, khoảng 2/3 số người sử dụng di động tại Ấn Độ, tương đương 433 triệu người sẽ nâng cấp điện thoại vào năm tới.

Internet và rào cản ngôn ngữ

Hiện nay hơn 66% của 1,3 tỷ người Ấn Độ, tương đương 900 triệu người vẫn chưa được tiếp cận với Internet và trong vòng 10 năm tới, hàng trăm triệu người Ấn Độ sẽ thực hiện điều này qua các thiết bị như smartphone. Theo nhiều ước tính, khoảng 78% số người tiếp cận Internet sẽ truy cập qua smartphone.

Thời gian gần đây, việc truy cập Internet qua điện thoại tại Ấn Độ còn hạn chế do mức giá dịch vụ cao, nhưng tình hình đang dần thay đổi khi ngày càng có nhiều hãng di động tham gia thị trường.

Vào năm 2016, tỷ phú giàu nhất Ấn Độ là ông Mukesh Ambani đã gây nên một cuộc chiến về giá khi khuyến mãi 6 tháng dùng thử Internet miễn phí cho mạng di động Reliance Jio 4G Network của mình. Hệ quả là giá dịch vụ Internet qua smartphone tại Ấn Độ đã giảm 96% trong khoảng 9-12/2016.

Ấn Độ và cuộc cách mạng smartphone - Ảnh 2.

900 triệu người Ấn Độ chưa tiếp cận được Internet và 78% trong số này được dự đoán là sẽ kết nối qua các thiết bị di động

Một rào cản nữa mà các công ty nước ngoài hay gặp khó khăn ở Ấn Độ là ngôn ngữ. Với khoảng 122 ngôn ngữ chính và 1599 thứ tiếng địa phương, những tập đoàn quốc tế gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tiếp thị sản phẩm cũng như dịch vụ của họ bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, rào cản ngôn ngữ đang dần được xóa bỏ. Báo cáo gần đây của KPMG và Google cho thấy Ấn Độ hiện có khoảng 234 triệu người sử dụng Internet bằng ngôn ngữ địa phương và con số này ước tính sẽ tăng lên 536 triệu người vào năm 2021.

Những công ty Ấn Độ như Indus OS đang lập trình nên các hệ thống trình duyệt hay điều hành bằng tiếng địa phương nhằm giúp các sản phẩm công nghệ cao bằng tiếng Anh tiếp cận được với người dùng.

Hiện nay, Ấn Độ có hơn 100 thương hiệu smartphone khác nhau, trong đó Samsung chiếm tới 25% thị phần và thống trị thị trường này.

Ấn Độ và cuộc cách mạng smartphone - Ảnh 3.

Số người Ấn sử dụng Internet bằng ngôn ngữ địa phương (cam) và bằng tiếng Anh (xám) (triệu người)

Trong khi đó, giá của những chiếc iPhone quá đắt so với mức thu nhập thấp của phần lớn người dân Ấn Độ nên Apple đang nghiên cứu sản xuất một số loại điện thoại rẻ hơn nhằm tận dụng thị trường đầy tiềm năng này.

Dẫu vậy, dù là Samsung hay Apple thì cũng không đấu lại được những nhà sản xuất smartphone giá rẻ từ Trung Quốc khi họ chiếm tới hơn 50% thị phần và liên tục tăng trưởng doanh thu trong năm vừa qua.

Với lợi thế dễ tiếp cận thị trường và chưa có một hãng di động nào chiếm lĩnh thị phần thực sự, Ấn Độ đang trở thành điểm đến lý tưởng của các hãng di động nhỏ bởi họ có tiềm năng phát triển hơn so với Mỹ hay Trung Quốc, nơi Samsung và Apple đang hoành hành.

AB

Cùng chuyên mục
XEM