Amazon Web Services cam kết chắp cánh startup Việt, từ giai đoạn “mầm non” đến trưởng thành

18/05/2021 10:00 AM | Công nghệ

Theo đại diện Amazon Web Services, đơn vị này đang triển khai một loạt các chương trình và sáng kiến hỗ trợ startup ở mọi giai đoạn, từ thời kỳ mới hình thành đến khi phát triển ổn định.

Theo thống kê của CB Insights, tỷ lệ startup thất bại trên thế giới nói chung dao động từ 75-90%. Còn ghi nhận từ các bộ phận hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam, có đến 80% startup tồn tại không quá 2 năm; chỉ có 3% đạt tới thành công thực tế.

Vì vậy, nhằm nâng đỡ startup trên con đường phát triển, mỗi năm, Amazon Web Services (AWS), công ty chuyên cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây thuộc tập đoàn Amazon, lại triển khai hàng loạt hoạt động hướng tới nhóm doanh nghiệp non trẻ này.

Trong năm 2020, AWS đã hỗ trợ 1 tỷ USD tín dụng để giúp các startup trên thế giới đẩy nhanh tốc độ phát triển và đưa sản phẩm ra thị trường.

Ông Gaurav Arora, Trưởng bộ phận Hệ sinh thái Khởi nghiệp phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản của AWS, cho biết: "15 năm trước AWS cũng là một công ty khởi nghiệp, và chúng tôi đã thu được hàng loạt trải nghiệm về các bài học, các sai lầm cũng như thành công. Chúng tôi hiểu rõ rằng xây dựng một công ty sẽ khó khăn đến nhường nào, vì vậy chúng tôi đã tạo ra nhiều chương trình để giúp đỡ các startup theo nhiều cách".

Theo đại diện AWS, tùy từng giai đoạn phát triển của startup, họ sẽ đưa ra các chương trình hỗ trợ khác nhau.

Cụ thể, với startup ở giai đoạn đầu, AWS có chương trình AWS Activate, chuyên cung cấp các khoản tín dụng miễn phí để sử dụng dịch vụ đám mây, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhằm giúp startup tối ưu nguồn lực và hoàn thiện sản phẩm. Các khoản tín dụng này có thể lên tới 100.000 USD tùy vào quy mô và nhu cầu của startup.

Tại Việt Nam, một cái tên tiêu biểu đang tận dụng tốt nguồn lực từ chương trình AWS Activate chính là JobsGO, nền tảng tuyển dụng kết nối các công ty và người tìm việc. Ông Gaurav Arora đánh giá thông qua việc tham gia chương trình, JobsGO đã tiếp cận các khoản tín dụng AWS để tối ưu hóa chi phí dịch vụ đám mây, chuyển hướng nguồn tài nguyên của họ vào thử nghiệm, phát triển công nghệ và từ đó đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn.

Kết quả là dù mới thành lập cách đây 4 năm, JobsGO đã thu hút 1,2 triệu ứng viên và 50.000 công ty tuyển dụng, gia tăng trải nghiệm trên thiết bị di động và cá nhân hóa đề xuất công việc tới từng ứng viên.

Khác với startup giai đoạn đầu, đối với startup đang bước vào giai đoạn ổn định, ông Gaurav Arora cho biết AWS sẽ tận dụng mạng lưới của mình để giúp kết nối startup với cộng đồng khởi nghiệp và nhà đầu tư.

Một ví dụ điển hình là AWS Connections - Chương trình nhằm giới thiệu các công ty khởi nghiệp với khách hàng doanh nghiệp tiềm năng hoặc thậm chí là các nguồn tài trợ. Thông qua chương trình, hơn 3.200 kết nối như vậy đã được thực hiện vào năm 2019 và 2020.

Tại Úc, startup trong lĩnh vực fintech với tên gọi FrankieOne đã hưởng lợi từ chương trình này. FrankieOne cung cấp gói sản phẩm liên quan đến quá trình xác nhận danh tính khách hàng, xây dựng quy trình, phát hiện gian lận, từ đó giúp các startup fintech khác đáp ứng nhu cầu khách hàng theo hướng cá nhân hóa. Thông qua AWS Connections, FrankieOne đã được giới thiệu tới 11 tổ chức trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đến nay FankieOne đã ký hợp đồng thành công với 2 nền tảng là Buy Now Pay Later, Limepay và đang trong quá trình đàm phán tích cực với một tổ chức khác.

Ngoài ra, ông Gaurav Arora cho biết AWS cũng đang cung cấp nhiều dịch vụ tối ưu hóa chi phí cho nhóm khách hàng là các startup. Điển hình như:

1) Dịch vụ AWS Cost Explorer: Cho phép khách hàng quản lý chi tiêu của họ tốt hơn và thậm chí đặt thông báo khi đạt đến các ngưỡng xác định.

2) AWS Trusted Advisor: Cung cấp công cụ trực tuyến giúp startup giảm chi phí, tăng hiệu suất và cải thiện bảo mật bằng cách kiểm tra việc sử dụng cơ sở hạ tầng và dịch vụ, đồng thời đưa ra các gợi ý để tối ưu hóa hiệu suất.

Bên cạnh đó, tính đến tháng 3 năm 2021, AWS đã giảm giá sản phẩm và dịch vụ của mình tới 106 lần kể từ khi ra đời vào năm 2006, với mục tiêu giảm chi phí dịch vụ đám mây cho khách hàng khởi nghiệp, đảm bảo các công ty khởi nghiệp sử dụng hiệu quả kinh tế nhất các dịch vụ đám mây AWS.

Nhận định về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, đại diện AWS cho rằng các startup rất năng động, linh hoạt và sáng tạo. Trong năm qua, khi đối phó với Covid-19, nhiều startup đã có những giải pháp đột phá trong lĩnh vực bán lẻ, thanh toán kỹ thuật số, giải nhiều bài toán của các doanh nghiệp truyền thống.

"Chúng tôi thực sự được truyền cảm hứng bởi hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ doanh nhân trẻ khởi nghiệp tại đây trong suốt hành trình phát triển sắp tới. Đặc biệt, mạng lưới các chuyên gia khởi nghiệp toàn cầu của AWS sẽ đảm bảo luôn sẵn sàng hỗ trợ các công ty khởi nghiệp khi họ theo đuổi kế hoạch mở rộng ra quốc tế, một cột mốc quan trọng đối với bất kỳ công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh nào", đại diện AWS nhấn mạnh.

Ánh Dương

Từ khóa:  công nghệ
Cùng chuyên mục
XEM