AlphaGo - AI từng đánh bại kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới đã chính thức bị soán ngôi

01/07/2018 14:10 PM | Công nghệ

Từng đánh bại Lee Sedol - kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới - vào năm 2016, AlphaGo nay đã bị đánh bại bởi AlphaGo Zero, một AI mới do chính cha đẻ của mình là Julian Schrittwieser tạo ra.

Vài năm trước, khi Julian Schrittwieser gia nhập công ty trí tuệ nhân tạo thuộc sở hữu của Google là DeepMind, trò cờ vây thường được gọi là "Chén Thánh" của học máy. Trò chơi đối kháng hai người có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại này hầu như không bị giới hạn bởi bất kỳ luật lệ nào và nếu muốn chiến thắng, trực giác của người chơi là một yếu tố vô cùng quan trọng. Vào thời điểm đó, người ta dự đoán phải mất cả thập kỷ AI mới có thể đánh bại được những kỳ thủ cờ vây hàng đầu thế giới.

Thế nhưng vào tháng 3/2016, một chương trình được phát triển bởi Schrittwieser và các cộng sự của anh tại DeepMind đã xuất sắc đánh bại Lee Sedol - kỳ thủ cờ vây người Hàn Quốc, đương kim vô địch cờ vây thế giới ở thời điểm đó - trong một trận đấu kéo dài 5 hiệp, với kết quả 4 - 1, thu hút hơn 100 triệu lượt theo dõi. Người hâm mộ cờ vây gọi đây là "trận đấu của thế kỷ".

Nhiêu đó là chưa đủ, Schrittwieser và các cộng sự tiếp tục thành công này với một thành tựu mới ấn tượng hơn rất nhiều. Vào tháng 10/2017, chương trình mới của họ, AlphaGo Zero, đã hủy diệt chương trình đàn anh là AlphaGo với tỉ số còn sốc hơn: 100 - 0.

AlphaGo - AI từng đánh bại kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới đã chính thức bị soán ngôi - Ảnh 1.

Không như AlphaGo, vốn học chơi cờ vây bằng cách nghiên cứu các trận đấu của con người, AlphaGo Zero học bằng cách tự chơi với chính nó - một khả năng đặc biệt mang đậm dấu ấn AI.

"Với AlphaGo Zero, chúng tôi thấy ngay cả trong những lĩnh vực chúng ta không có được kiến thức của con người, chúng ta vẫn có thể tự tạo ra kiến thức đó và cho hệ thống học hỏi từ chính nó" - Schrittwieser nói.

Schrittwieser là một công dân gốc Áo, hiện đứng đầu nhóm kỹ sư phần mềm trong dự án AlphaGo Zero. Anh cũng chính là người chỉ đạo đằng sau sáng kiến DeepMind thứ 3 - AlphaZero, một thuật toán phổ quát hơn, với kỹ năng cờ vây, cờ vua và Shogi (một boardgame Nhật Bản) siêu việt. Đẩy mạnh phổ quát hóa, theo như Schrittwieser nói, là mấu chốt trong sứ mệnh xây dựng các cỗ máy thông minh độc lập với trực giác của con người của DeepMind, qua đó có thể đưa ra các giải pháp tốt hơn cho các vấn đề mà cách tiếp cận thường bị ảnh hưởng bởi thành kiến của con người. Schrittwieser tin rằng, điều này có thể dẫn đến những cải tiến hoàn toàn mới, được thực hiện bởi AI, trong các lĩnh vực từ dược phẩm đến khoa học vật liệu.

Tham khảo: MIT Technology Review

Tấn Minh

Cùng chuyên mục
XEM