Airbus A380: Từ một tuyệt phẩm công nghệ cao đến “quả bom xịt” thương mại

01/04/2019 08:33 AM | Xã hội

Giám đốc điều hành của Airbus, Tom Enders, gần đây đã tuyên bố chấm dứt sản xuất A380, dòng máy bay thương mại lớn nhất từng được chế tạo. Dù được đầu tư hơn 14 tỷ Euro, dự án mang tính biểu tượng của châu Âu này đã không thành công như mong đợi ban đầu.

Chỉ giao được 234 chiếc trong số 313 đơn đặt hàng trong 13 năm, nó cách xa điểm hòa vốn ước tính ban đầu – 1.200 máy bay trong hơn 20 năm. Số lượng đơn đặt hàng nhỏ giọt và quá trình sản xuất giữ ở mức tối thiểu, đã đến lúc Airbus cần chấm dứt thiệt hại mà A380 đem lại.

Rất lâu trước khi ra mắt, A380 được cho là đại diện tương lai của Airbus, dựa trên dự đoán rằng giao thông hàng không sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Đó là lý do vì sao nó vừa lớn – có thể chở từ 550 đến hơn 800 hành khách trên 2 tầng – và sang trọng với các lựa chọn như phòng riêng, nhà hàng và bar, thậm chí cả một sòng bạc trên máy bay. Động cơ của nó trung bình mạnh hơn 30% so với động cơ của Boeing 747 và trị giá 13 triệu euro/chiếc.

Để giảm trọng lượng tổng thể, các nhà thiết kế A380 đã sử dụng cấu trúc kết hợp đột phá, bao gồm sườn cacbon bên trong cánh nhôm. Được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến nhất trong ngành hàng không thương mại, nó có thể hoạt động trong hơn 13 giờ liên tục và bay hơn 9.000 dặm (hơn 14.400 km).

Dòng máy bay này được chế tạo ở quy mô lục địa: cánh được sản xuất ở Wales, động cơ được sản xuất ở Anh (Rolls Royce) hoặc ở Mỹ (Engine Alliance), thân máy bay và bộ ổn định dọc được chế tạo ở Đức và bộ ổn định ngang ở Tây Ban Nha. Công đoạn lắp ráp cuối cùng được thực hiện ở Pháp. Mỗi cánh của A380 nặng 6,5 tấn và bao gồm hàng chục nghìn linh kiện, mang theo nhiều nguyên liệu, hỗ trợ thân máy bay và truyền sức mạnh cho động cơ.

Thị trường ngách

Không thể phủ nhận rằng A380 là một trong những máy bay ấn tượng nhất mọi thời đại, nhưng thiết kế độc đáo và hệ thống sản xuất phân tán của nó đã tạo ra nhiều vấn đề kỹ thuật và phối hợp. Ngày ra mắt đã bị trì hoãn 18 tháng bởi một loạt các khó khăn, và do các hãng hàng không có khả năng tùy chỉnh máy bay theo nhu cầu của họ đã khiến cho sự trì hoãn càng bị kéo dài.

Dù chuyến bay đầu tiên của A380 vào 7/4/2005 là một thành công, nhưng thị trường đã thay đổi. Các hãng hàng không ban đầu ưa thích các trung tâm lớn như Singapore và Dubai bắt đầu mở các đường bay trực tiếp từ nhiều sân bay cỡ trung bình. Sự gia tăng của các hãng hàng không giá rẻ đã dẫn đến sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới, làm suy yếu các ông lớn vốn là các đối tác lâu năm của A380.

Quan trọng nhất, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã cắt giảm nghiêm trọng sự tăng trưởng của giao thông hàng không. Dù tăng trưởng đã trở lại, thị trường nhỏ hơn dự kiến khiến lấp đầy một chiếc máy bay thân rộng trở nên khó khăn, chưa kể đến những chiếc máy bay hai tầng như A380.

Airbus A380: Từ một tuyệt phẩm công nghệ cao đến “quả bom xịt” thương mại - Ảnh 1.

Nói một cách đơn giản, một hãng hàng không không thể có lợi nhuận nếu các chuyến bay chỉ được lấp đầy dưới 80% số ghế. Emirtes, công ty sở hữu ½ số máy bay A380 đang hoạt động, có nguồn tài chính dồi dào để chấp nhận rủi ro này nhưng các hãng khác thì không thể.

Do doanh số A380 bị chững lại, Airbus đã cho ra mắt mẫu máy bay trọng tâm, cỡ trung mới, A350, vào năm 2014. Cả A350 và 787 Dreamliner của Boeing đều chỉ có 2 động cơ nhưng có thể bay được khoảng cách lớn. Chúng được ưa chuộng vì có chi phí thấp hơn và ít ràng buộc hơn A380.

Đơn đặt hàng cho A380 bắt đầu chậm lại vào năm 2015 và những tin đồn về sự kết thúc của dòng máy bay này xuất hiện dồn dập. Đã không có đơn đặt hàng nào từ Mỹ, một số ít ở châu Á và thậm chí cả Air France đã giảm một nửa số đơn đặt hàng của họ. Vào ngày 15/1/2018, John Leahy, giám đốc thương mại của Airbus, đã tuyên bố rằng nếu Emirates không đặt hàng ít nhất 30 chiếc A380 nữa, công ty này rất khó có thể giữ cho dự án này tiếp tục tồn tại.

Một thảm họa không thể tránh khỏi?

Ngày nay, chính thiết kế của A380 đang bị nghi ngờ, thể hiện ám ảnh đánh bại đại kình địch Boeing và dòng máy bay Boeing 747 của Airbus. Tuy nhiên, 4 động cơ tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu của và khả năng chở nhiều hành khách hơn chưa đủ để tạo nên sự khác biệt. Kích thước to lớn và thiết kế hai tầng của A380 cũng yêu cầu đầu tư cơ sở vật chất tại các sân bay mà các hãng hàng không khác không cần tới.

Nếu không có sự hỗ trợ của Emirates, thì quyết định ngừng sản xuất A380 đã được đưa ra từ lâu. Emirates đã đồng ý chuyển đổi một phần đơn đặt hàng của họ sang máy bay A330neo và A350, vẫn tiếp tục gắn bó với Airbus. Đợt giao hàng cuối cùng là vào năm 2021, và sẽ không có phiên bản mới nào của A380 được đưa vào sử dụng.

Dấu chấm hết của A380 không hẳn là một tin tốt cho Boeing. Quyết định này giúp Airbus gỡ bỏ được một gánh nặng, ngăn chặn công ty này phát huy hết tiềm năng, Tài nguyên và kỹ năng có thể được phân phối tốt hơn và hàng nghìn công nhân có thể được trao cơ hội làm việc tại các dây chuyền sản xuất khác.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM