Ái nữ kín tiếng nhà Vinawood - công ty mành gỗ 'bao trọn' thị trường khó tính như Mỹ, Nhật: Tôi muốn là một phần trong câu chuyện tăng trưởng thần kỳ của Việt Nam

19/03/2018 14:45 PM | Kinh doanh

Sinh ra ở California, Crystal Thảo Lâm lớn lên cùng công việc của gia đình, sau những buổi học ở trường là những chuyến rong ruổi cùng cha đi khắp đất nước mỗi dịp cuối tuần.

Cha cô là Calvin Tài Lâm, nhà sáng lập Vinawood. Công ty được thành lập năm 1986 tại Mỹ và mở nhà máy sản xuất mành gỗ tại Việt Nam vào năm 2002. Vinawood sản xuất mành sáo gỗ hướng vào phân khúc cao cấp 100% xuất khẩu.

Crystal Thảo Lâm mới đây được bình chọn là 1 trong 10 nữ doanh nhân kế nghiệp của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam. Cô trở về thay cha điều hành công ty từ năm 2008. Theo thông tin từ Vinawood, công ty hiện chi phối thị trường mành gỗ tại Mỹ và Nhật. Ngoài ra còn xuất khẩu sáng Hà Lan, Anh, Thái Lan, Philippines, Singarpore, với mức tăng trưởng mỗi năm (theo tiết lộ với Forbes) ở mức 2 con số.

Muốn là một phần câu chuyện tăng trưởng thần kỳ của Việt Nam

Cách đây không lâu, trong bài trả lời phỏng vấn trang Vietcetera, Crystal Thảo Lâm từng cho biết cô luôn tin rằng mình sẽ sống ở Châu Á - nguồn gốc cội nguồn của cô.

"Khu vực này đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thập niên 2000 và một điều rõ ràng rằng nếu tôi muốn trở thành một phần của sự phát triển như là người đầu tiên, thì đó chính là nơi tôi cần. Ngay khi chưa tốt nghiệp đại học, tôi đã tham dự nhiều khóa học mà mình có thể tập trung vào các nền kinh tế chính trị châu Á.

Tôi đã được học về các mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore ... nhưng lại thấy rất ít khi nhắc tới Việt Nam. Việt Nam được xem là con hổ của Đông Nam Á nhưng câu chuyện đang viết dở và tôi muốn trở thành một phần của câu chuyện này", CEO Vinawood chia sẻ.

Tuy vậy ý định ban đầu Thảo Lâm là tìm kiếm cơ hội hợp tác đa quốc gia tại các thành phố lớn như Hong Kong hay Singapore trước khi định cư ở Việt Nam. Cuối cùng cô quyết định tham gia kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh vì vị trí đặc biệt của thành phố này trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Đây cũng là thời điểm cả thế giới đã hoảng sợ và các doanh nghiệp tập trung vào sinh tồn. Crystal Thảo Lâm đã quyết định bỏ công việc tại một công ty để dành thời gian cho những gì bản thân quan tâm nhất: Cha cô và công việc kinh doanh của ông.

Dù không có kiến ​​thức về hoạt động kinh doanh hoặc quản trị kinh doanh trước đây, nhưng Crystal Thảo Lâm vẫn hy vọng vẫn có thể đóng góp bằng kiến thức, bằng cấp về Học thuyết Chính trị Quốc tế được học được tại Mỹ.

Ái nữ kín tiếng nhà Vinawood - công ty mành gỗ bao trọn thị trường khó tính như Mỹ, Nhật: Tôi muốn là một phần trong câu chuyện tăng trưởng thần kỳ của Việt Nam - Ảnh 1.

Nữ giới theo ngành của nam giới

"Tôi rất tôn trọng và đam mê những công việc kinh doanh đã đưa Việt Nam ra thế giới như là một nền kinh tế thương mại quan trọng: Nông nghiệp và sản xuất. Đây là những ngành nền tảng thúc đẩy tăng trưởng của đất nước và vẫn còn rất nhiều cơ hội để củng cố nó, đặc biệt là với dân số hơn 90 triệu người", Crystal Thảo Lâm chia sẻ về lựa chọn nghề được xem là thế mạnh của nam giới.

Thêm vào đó, cô cho rằng trong bối cảnh tác động xã hội (ví dụ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người), các ngành sản xuất có cơ hội để đạt được một trạng thái tốt hơn và mở rộng quy mô, đem lại sự ổn định cho một lực lượng lao động lớn hơn.

Một trong những trọng tâm của CEO này là tạo ra một môi trường mà mọi người cảm thấy được đánh giá cao và luôn có động lực để xây dựng một công ty tuyệt vời. Trong những năm qua, cô đã học được rằng người Việt Nam thực sự làm việc từ trái tim nếu họ thích làm việc với bạn. Vì vậy, Crystal Thảo Lâm cũng nhận thấy trách nhiệm cốt lõi của cô bao gồm phát triển năng động nguồn nhân lực sáng tạo hơn.

Tự hào về phụ nữ Việt Nam

10 năm làm việc tại Việt Nam trong ngành sản xuất, thường xuyên làm việc tại nhà máy, CEO Vinawood cho rằng cô may mắn có được cơ hội giao lưu với những cá nhân từ nhiều vùng trong nước để làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù có sự khác biệt văn hoá giữa những người từ Bắc, Trung và Nam nhưng điểm chung của họ là sự cống hiến hết mình của họ cho gia đình. Nếu tiến hành khảo sát giữa các nhân viên và hỏi tại sao họ lại chọn làm việc xa nhà, hầu hết họ sẽ trả lời vì tiền lương cao hơn ở đây và do đó họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn để gửi lại cho người thân ở quê hương. Họ có nhu cầu theo đuổi ước mơ cao cả hay chi tiêu tiền tiết kiệm của gia đình họ cho các mục đích cá nhân.

"Điểm cốt lõi của nhiều người Việt Nam là ưu tiên cho gia đình và cam kết chăm sóc gia đình. Đó là một phẩm chất tôi rất tự hào và thấy mình cũng tương tự", cô chia sẻ.

Vốn là một phụ nữ trong ngành công nghiệp thống trị bởi nam giới, đồng thời là một người Việt hải ngoại có cơ hội bước chân vào dựa trên may mắn, nên Crystal Thảo Lâm cũng gặp không ít thách thức ban đầu. Nhưng theo thời gian, những sự kiện ban đầu đó trở nên ít thách thức hơn bởi vì cô có thể gây dựng được sự tin tưởng và thiết lập sự tín nhiệm trong đội ngũ. Điều này thông qua việc học hỏi tất cả từ những vị trí thấp nhất cũng như luôn bên cạnh họ trong những tình huống căng thẳng nhất, từ đó một mối quan hệ đặc biệt được phát triển với đội ngũ.

Để hiểu thêm về lịch sử đất nước, CEO Vinawood từng ghi danh vào một khoá học lịch sử Việt Nam với tư cách là một sinh viên đại học tại Berkeley. Phần lớn quan điểm của cô về nền giáo dục Việt Nam trở nên sâu sắc, ý nghĩa hơn khi Thảo Lâm nghiên cứu vai trò của phụ nữ Việt Nam. Những nhân vật lịch sử anh hùng như Hai Bà Trưng hay tài năng như Hồ Xuân Hương, Thúy Kiều cũng được cô nghiên cứu.

"Một cụm từ được biết đến rộng rãi khi nhắc đến phụ nữ Việt Nam là "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà". Điều đó có nghĩa là tất cả những người phụ nữ Việt Nam đều biết đến những vấn đề của xã hội và của gia đình. Tôi thực sự tin rằng phụ nữ Việt Nam là vũ khí bí mật của đất nước này và tôi rất tự hào về điều đó", Crystal Thảo Lâm tự hào chia sẻ.

Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM