Ai cũng nói phải sống tích cực lên, thế nhưng nhiều khi không tích cực mới là thứ giúp ta thoát khỏi bế tắc

14/08/2017 16:49 PM | Sống

Thật vậy, có rất nhiều người sẽ nhận được lời động viên, an ủi “phải suy nghĩ tích cực” khi rơi vào những khổ đau và biến cố trong cuộc đời. Tuy nhiên, lời nói này đôi khi lại đem đến những phản ứng ngược khiến con người ta hướng đến bế tắc.

Sống trên đời mỗi người khi sinh ra ở những điều kiện sống khác nhau, cha mẹ khác nhau thì chắc chắn cũng sẽ có tố chất ngoài cơ bản khác biệt. Vậy nên, nếu một đứa trẻ sinh ra đã bị chuẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ được gia đình và xã hội quan tâm hơn thì một đứa trẻ sinh ra đã vốn yếu đuối về mặt tinh thần không có cớ gì bị phán xét và áp đặt quan điểm.

Đừng ép bản thân nếu như đó không phải là con người thật của bạn
Đừng ép bản thân nếu như đó không phải là con người thật của bạn

Có rất nhiều người không nhận thấy được sự sai khác giữa bản thân mình và người khác nên đã luôn cố chấp nhận những gì thuộc về số đông. Khi gặp bất cứ sự việc không may nào xảy ra trong cuộc sống, điều đầu tiên họ nghĩ tới không phải là “chấp nhận” mà là “phải cố gắng vượt qua”, “phải sống tích cực lên”... vì đó là những gì họ được chỉ bảo, khuyên nhủ.

Tuy nhiên, có người khi nhận được những lời động viên thì coi đó là nguồn sống, là động lực phấn đấu. Nhưng có những người lại thấy đó là kim chỉ nam cho cuộc đời trong khi quên đi rằng: đích đến của mình nằm ở hướng khác. Vô hình chung, bạn đã tự tạo áp lực cho chính mình.

Thay vì thừa nhận và tôn trọng cảm xúc của bản thân rằng “tôi đang buồn”, “tôi thực sự cảm thấy bị tổn thương”, “tôi vừa trải qua mất mát”... thì chúng ta lại bị cuốn theo những lý lẽ của người khác, phủ lên cảm xúc một tấm màn “tôi ổn, mọi chuyện sẽ tốt đẹp” và tiếp tục lặp lại những sai lầm, hoặc tái diễn bi kịch cuộc đời mà chưa một lần tìm hiểu điều ấy từ đâu tới.

Đa số sẽ mâu thuẫn với chính mình và đắm chìm trong suy nghĩ: sao mọi người luôn vui vẻ mà mình lại không thể? Vấn đề đó có thực sự là bé nhỏ và rồi sẽ qua đi không? Và khi ấy là bao giờ?... Điều này sẽ chỉ khiến những người có tâm hồn yếu đuối nhận thêm những vết trầy xước, bào mòn hy vọng và cho đến một ngày, họ nghĩ rằng chỉ có kết thúc cuộc đời thì những chuyện đau lòng mới không thể lặp lại.


Chúng ta luôn chờ đợi sự xoa dịu và lạm dụng những điều dễ chịu

Chúng ta luôn chờ đợi sự xoa dịu và lạm dụng những điều dễ chịu

Chẳng ai có thể giúp đỡ ai ngoài chính bản thân họ, trong cuốn sách “Sống như người Nhật” của một nữ bác sĩ tâm lý đã được tác giả củng cố quan điểm này. Chị cho rằng cách giết chết khả năng chịu đựng của một người chính là những lời lẽ ve vuốt.

Chỉ cần được động viên, được xoa dịu chúng ta sẽ sẵn sàng lạm dụng sự dễ chịu đó dưới nhiều hình thức khác nhau: nhẹ là tránh xa cô đơn, luôn cần có người bên cạnh, nặng thì sử dụng các chất kích thích để quên đi cảm giác nguyên bản vốn có hoặc tự kết liễu cuộc đời mình để không phải đối mặt (điều này cũng lý giải tại sao số người tự tử tại các quốc gia có cuộc sống áp lực, coi trọng truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc ngày một gia tăng).

Cách chữa lành những vết thương tâm hồn không phải chỉ có thời gian. Thời gian chỉ là công cụ để chúng ta “chấp nhận” thực tại, chấp nhận những gì đang tồn tại trong bản thân mình, bao gồm cả nỗi đau, những tổn thương và sai sót.

Rồi bạn sẽ nhận ra, tất cả chỉ là những...đám mây
Rồi bạn sẽ nhận ra, tất cả chỉ là những...đám mây

Vậy nên, nếu bạn là một người “không mấy tích cực” thì chẳng sao cả! Hãy thử bắt đầu học cách chấp nhận bản thân và tôn trọng những cảm xúc chân thực của mình. Không phản bội suy nghĩ, không lừa dối cảm xúc, hãy thử viết lại tất cả những gì có trong con người bạn, những điều làm bạn vui buồn, hờn giận... và quan sát nó như thể những đám mây. Bạn sẽ nhận ra rằng, không điều gì ở lại với chúng ta mãi mãi, những đám mây sẽ cuốn theo thời gian, đến rồi lại đi. Sự nhận thức chính là khởi nguồn của bình yên.

Mỹ Hà

Cùng chuyên mục
XEM