Ai cũng muốn bay, nghề phi công lên giá!

15/06/2016 08:02 AM | Kinh doanh

Vietjet Air sẽ khá "đau đầu" để tuyển cho đủ phi công lấp đầy số lượng lớn các máy bay nhập về trong những năm tới.

Với sự tiện lợi, nhanh chóng và giá vé đang ngày càng "dễ thở" đối với thu nhập trung bình của người Việt, ngày càng nhiều người chọn máy bay trở thành phương tiện đi lại thường xuyên hơn, đặc biệt cho các chuyến đi xa.

Ai cũng bay, lấy đâu cho đủ người lái...

“Ngành hàng không nước ta hiện nay đang phát triển rất mạnh, áp lực về cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề nhưng áp lực nặng nhất là nguồn nhân lực, vì có tiền chưa chắc làm được”.

Đó là phát biểu của Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật tại một hội nghị do Bộ tổ chức tại Học viện Hàng không đầu tháng 6 vừa qua.

Thực tế, áp lực nhân sự của ngành hàng không, đặc biệt là tại các hãng đã âm ỉ trong mấy năm trở lại đây.

Đỉnh điểm là đầu năm 2015, hơn 100 phi công Vietnam Airlines đồng loạt viết đơn xin nghỉ. Nguyên nhân chính của quyết định ra đi hàng loạt vẫn là vấn đề lương bổng chênh lệnh giữa phi công Việt Nam và phi công quốc tịch nước ngoài do Vietnam Airlines đang thuê.

Theo thông tin gửi đến báo chí, lương trung bình của phi công Việt Nam tùy thuộc vào chức danh, vị trí và loại máy bay phi công đang điều khiển, vào khoảng 80 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi lương cho phi công nước ngoài xê xích từ 8.000-13.000 USD (khoảng hơn 160-260 triệu đồng).

Mặc dù không nói ra và không được duyệt cho nghỉ, nhưng ai cũng biết điểm đến mục tiêu của nhóm phi công này có lẽ là hãng bay tư nhân như Vietjet Air, khi đơn vị này trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng như Bộ GTVT lúc đó đã phải rất quyết liệt trong việc giữ chân nhóm nhân sự trên.

Phi công lên giá

Trên đây là câu chuyện của một năm rưỡi trước, khi lượng khách đi máy bay năm 2014 chỉ vào khoảng 18,3 triệu lượt. Áp lực của năm 2016 đối với các hãng bay còn lớn hơn nữa.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, 5 tháng đầu năm 2016, tổng số khách đi máy bay đã tăng vọt lên 17 triệu lượt (tương đương tổng lượng khách cả năm 2013), tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Sự tăng trưởng nóng của ngành hàng không đang kéo theo sức ép về cơ sở vật chất và nhân lực lên toàn bộ các đơn vị liên quan, không chỉ các hãng hàng không, mà còn tác động đến các cảng vụ hàng không, kiểm soát không lưu, các công ty dịch vụ mặt đất.

Với sức nóng tăng trưởng của năm nay, chắc chắn các nhân sự công tác trong ngành này đang phải làm việc hết công suất.

Riêng đội ngũ phi công, theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, nhân sự này hiện chủ yếu là của nước ngoài, nhân lực trong nước rất hạn chế.

Hãng bay giá rẻ như Vietjet hiện có đến 90% phi công phải thuê người nước ngoài. Với việc kí kết các hợp đồng lớn lên đến hàng trăm máy bay với Airbus và Boeing, Vietjet Air sẽ khá "đau đầu" để tuyển cho đủ phi công lấp đầy số lượng lớn các máy bay nhập về trong những năm tới.

Hãng hàng không quốc gia như Vietnam Airlines cũng tốn kha khá thời gian, tiền của để đào tạo phi công nội, tuy nhiên không lấy gì đảm bảo cho việc giữ chân họ.

Đại diện Vietnam Airlines từng tiết lộ, chi phí đào tạo một phi công căn bản được biết lên đến 2,5 tỉ đồng, sau đó, người phi công này còn phải bay thực tế nhiều ngàn giờ nữa mới có thể trở thành cơ phó hay cơ trưởng, trong đó có một thời gian đi học ở nước ngoài. Chưa kể trong quá trình làm việc, Vietnam Airlines còn phải tổ chức các khóa học đào tạo tiếp theo để phân cấp và chuyển loại phi công.

Không chỉ Việt Nam thiếu phi công

Toàn châu Á đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng các phi công lành nghề, trong bối cảnh nhu cầu du lịch bằng đường hàng không trong khu vực ngày càng tăng cao, Giám đốc điều hành của Airbus - ông Fabrice Bregier nói với kênh CNBC.

“Ước tính, Airbus sẽ cần đến gần 200.000 phi công cho khu vực này trong vòng 20 năm tới, trong khi giờ đây chỉ có 65.000 phi công”, ông Bregier cảnh báo hồi giữa tháng 4 vừa qua.

Đối thủ chính của Airbus là Boeing dự đoán sẽ có khoảng hơn 100 triệu hành khách mới mỗi năm gia nhập vào thị trường hàng không châu Á trong tương lai gần.

Năm ngoái, Boeing cũng cảnh báo về tình trạng thiếu phi công và cho biết sẽ cần đến 226.000 phi công mới trong vòng 20 năm tới – mức cao nhất so với bất kỳ khu vực nào khác.

Việt Nam là một trong 10 thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong mỗi thập kỷ trong vòng 20 năm tới, theo báo cáo của Hiệp hội Hàng không Quốc tế vào cuối năm 2015.

Kiến Anh

Cùng chuyên mục
XEM