Ai cũng mừng khi biết khoa học Trung Quốc suýt hủy diệt được toàn bộ muỗi nguy hiểm trên 2 hòn đảo, nhưng đã có một điều đáng tiếc xảy ra

20/07/2019 19:14 PM | Công nghệ

Một phương pháp cho tỷ lệ hiệu quả cực cao, thậm chí có lúc lên đến 100%. Thế nhưng, nó lại tồn tại một hạn chế không nhỏ.

Dù ai nói ngả nói nghiêng, loài người (vẫn) ghét muỗi đúng không cả nhà? Ngồi uống chén trà mà muỗi "chén" mình hết cả thanh xuân, ai mà không tức cơ chứ? Đó là chưa kể, muỗi dù nhỏ bé nhưng được xem là những kẻ giết người giỏi nhất hành tinh, khi có thể lan truyền nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm đến mức quét sạch được cả cộng đồng.

Vậy nên khi hay tin các nhà khoa học Trung Quốc suýt thì hủy diệt được toàn bộ muỗi mang bệnh trên 2 hòn đảo nhỏ nhờ một công nghệ đột phá, nhiều người đã cảm thấy vui mừng hết sức. Phải chăng đã đến lúc loài người đuổi được muỗi ra khỏi cộng đồng? Phải chăng chúng ta có thể tạm biệt hoàn toàn những căn bệnh do muỗi lan truyền như sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng, và cả Zika...?

Ai cũng mừng khi biết khoa học Trung Quốc suýt hủy diệt được toàn bộ muỗi nguy hiểm trên 2 hòn đảo, nhưng đã có một điều đáng tiếc xảy ra - Ảnh 1.

Nhưng rất tiếc là không, vì các nhà khoa học đã phải thú nhận rằng phương pháp này không hiệu quả đối với những khu vực rộng hơn. Và điều quan trọng nhất là nó gây hao tổn rất nhiều tiền của.

Cụ thể, các chuyên gia - đứng đầu là tiến sĩ Zhiyong Xi từ ĐH Bang Michigan đã tiến hành thí nghiệm trên loài muỗi hổ châu Á - một loài thuộc họ muỗi vằn, có khả năng lan truyền các căn bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết và Zika.

Họ sử dụng một phương pháp cực kỳ đột phá: đầu tiên là cấy vi khuẩn đặc biệt vào một số cá thể muỗi đực, sau đó triệt sản chúng bằng một liều phóng xạ rất nhỏ rồi thả ra ngoài tự nhiên. Những con muỗi này khi giao phối với muỗi thường sẽ không thể đẻ trứng, do tác động của vi khuẩn.

Trong vòng 18 tuần vào giai đoạn 2016 - 2017, các chuyên gia đã thả hàng đàn muỗi đực đã triệt sản nhờ vi khuẩn lên 2 hòn đảo gần tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) - những nơi đang có dịch sốt xuất huyết hoành hành. Kết quả, số lượng muỗi cái tại đây đã giảm cực mạnh, với tỷ lệ 83% - 94% mỗi năm, hơn cả các phương án như dùng muỗi biến đổi gene hoặc sử dụng thuốc diệt côn trùng.

Thậm chí có những tuần tỷ lệ cao đến mức 100% không hề xuất hiện muỗi mang bệnh. Có thể nói, chưa có phương pháp nào mang lại hiệu quả cao đến như vậy từ trước đến nay.

Triệt sản hàng triệu con muỗi rồi thả ra môi trường, khoa học tin rằng số lượng muỗi gây bệnh sẽ bị hạn chế

Tuy nhiên, vấn đề của phương pháp này là phải thả cực kỳ nhiều muỗi ra môi trường, mỗi tuần lên đến 4 triệu con. Trong vòng 2 năm, tổng cộng có đến 200 triệu con muỗi đã được thả.

Theo Scott O'Neill - chuyên gia từ Chương trình phòng chống muỗi Thế giới, thì số lượng muỗi cần dùng là quá nhiều, ngay cả khi khu vực thử nghiệm cũng không quá lớn. "Tôi chưa tưởng tượng được hiệu quả của nó nếu quy mô được nhân lên." - ông cho biết.

Nhà sinh học từ ĐH Maryland - Briand Lovett cũng đồng tình, cho rằng đây chưa phải là giải pháp triệt để cho câu chuyện về muỗi.

"Bạn sẽ phải liên tục thả muỗi ra. Nếu không, cộng đồng muỗi nhiễm khuẩn sẽ nhanh chóng sụt giảm, chẳng mang lại hiệu quả gì."

Ai cũng mừng khi biết khoa học Trung Quốc suýt hủy diệt được toàn bộ muỗi nguy hiểm trên 2 hòn đảo, nhưng đã có một điều đáng tiếc xảy ra - Ảnh 2.

Đó cũng chính là những gì đã xảy ra với thí nghiệm của các nhà khoa học Trung Quốc. Sau một thời gian ngưng lại, những con muỗi thực sự phát triển từ bọ gậy đã xuất hiện để thay thế cho muỗi cũ đã chết. Hay nói cách khác, phương pháp này muốn thành công thì đòi hỏi khoa học phải liên tục thực hiện nó, cũng đồng nghĩa với việc chi phí đội lên rất cao.

Dù vậy, các chuyên gia đứng sau nghiên cứu tin rằng chi phí sẽ giảm xuống nếu quy mô được nhân lên, chỉ rơi vào khoảng $42 - $66/mẫu Anh (khoảng 4000m2). Con số này sẽ rẻ hơn so với việc phun thuốc, lại hạn chế được nguy cơ kháng thuốc của muỗi.

Hiện tại, đội nghiên cứu đang hướng dự án ra những khu vực rộng hơn, ít nhất 4 lần so với khu vực cũ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.

Theo JD

Cùng chuyên mục
XEM