Ai chẳng thích vui vẻ, thế nhưng lúc nào cũng vui lại không phải là điều tốt

14/03/2017 09:34 AM | Sống

Gượng ép bản thân lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc sẽ dẫn tới tình trạng cảm xúc bị bào mòn, cuộc sống phải có lúc thăng trầm, thăng mãi chưa chắc đã hay.

Trong những năm gần đây, dường như có một sự dịch chuyển trong cách xã hội đánh giá điều quan trọng nhất trong cuộc sống – sự giàu có không còn được coi là chỉ dấu của thành công nữa, mà là hạnh phúc.

Rất nhiều người khuyên chúng ta nên loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Các cuốn sách dạy cách sống khẳng định chứa đựng những bí quyết giúp bạn lúc nào cũng lạc quan yêu đời. Và chúng ta nghĩ rằng ngoài sự thỏa mãn tuyệt vời ra, có lẽ mình chẳng nên cảm nhận một điều gì khác cả.

Nhưng theo một giáo sư tâm lý học người Đan Mạch, thì sự ám ảnh của chúng ta với hạnh phúc có thể có một tác dụng phụ cực kỳ nguy hiểm.

Giáo sư Svend Brinkmann thuộc đại học Aalborg cho rằng ép bản thân mình lúc nào cũng phải tỏ ra vui vẻ có thể khiến chúng ta bị bào mòn cảm xúc. Và quan trọng hơn, hạnh phúc không phải là phản ứng thích hợp cho mọi tình huống trong cuộc sống.

Nghe được tin này chắc hẳn bạn phải thở phào nhẹ nhõm – vì trong cuốn sách bestseller ở Đan Mạch Stand Firm: Resisting the Self-Improvement Craze của Brinkmann, thì không có gì là tồi tệ cả nếu bạn không phải lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc, hơn nữa đó còn là điều đúng đắn nữa.

“Tôi tin rằng suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta cần phải phản ánh thế giới khách quan. Khi có điều tồi tệ xảy ra, chúng ta cần phải có những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực về điều đó vì đó là cách chúng ta cảm nhận thế giới xung quanh mình”, ông giải thích.

Brinkmann tin rằng nếu cố gắng tỏ ra hạnh phúc mọi lúc mọi nơi, thì khi có điều gì không hay xảy đến, chúng ta sẽ không thể đối mặt và giải quyết được.

“Cuộc sống luôn tuyệt vời, nhưng nó cũng đầy bi kịch. Trong cuộc sống đến một lúc nào đó khi ta mất đi những người thân yêu, nếu chỉ quen với những suy nghĩ tích cực, thì thực tại này sẽ khiến chúng ta ngã quỵ khi nó xảy ra. Và điều này chắc chắn sẽ xảy ra”.

Tất nhiên, Brinkmann cũng thừa nhận là một số người lúc nào cũng có cái nhìn màu hồng về cuộc sống. Nhưng ông nói rằng sẽ rất nguy hiểm nếu hạnh phúc trở thành một nhu cầu và cảnh báo về những hiểm họa khôn lường khi các công ty yêu cầu nhân viên của mình lúc nào cũng phải luôn tươi cười niềm nở.

“Khi bạn tiếp xúc với người khác và làm việc theo nhóm, những nét tính cách này sẽ trở nên quan trọng hơn nhiều. Đó là lý do tại sao chúng ta chú trọng chúng hơn hẳn, bởi chúng ta muốn khai thác con người và cả đời sống cảm xúc của họ”, Brinkmann cho biết.

“Tôi nghĩ đây chính là mặt tối của sự lạc quan tích cực. Cảm xúc của chúng ta có xu hướng trở thành hàng hóa và điều đó có nghĩa là chúng ta rất dễ bị cô lập khỏi chính cảm xúc của mình”.

Ông cũng lo ngại rằng xã hội sẽ tiến đến một điểm tại đó người ta thậm chí còn không cảm thấy có thể nói chuyện về những mối lo và các vấn đề của mình với bạn bè được, vì họ nghĩ rằng lúc nào cũng cần phải giả vờ mọi thứ đều ổn.

Theo Brinkmann, chúng ta đều chịu áp lực phải tỏ ra hạnh phúc. Nhưng ông luôn phản đối những cuốn sách bảo rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của chính mình, và nếu ta buồn rầu thì đó là lỗi của chính mình.

Bạn cần phải nhìn thấy rõ một điều đó là: Nếu không có những điều tồi tệ trong cuộc sống thì bạn sẽ không bao giờ trân trọng những điều tốt, và bạn không có gì phải dằn vặt khi cảm thấy buồn bã, tội lỗi, xấu hổ và tất nhiên, cả hạnh phúc nữa.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM