90% trại gà ở Việt Nam có 500 con trở xuống, 70% trại ở Thái Lan có 5.000 con trở lên

05/06/2018 11:07 AM | Kinh doanh

Sản xuất nhỏ lẻ được nhận định là một trong những vấn đề lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện tại.

Những con số trên nằm trong bài tham luận của ông Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch điều hành Cấp cao Central Group (Thái Lan) tại Diễn đàn chuyên đề nông nghiệp nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam (ViEF) diễn ra sáng 5/6 tại Hà Nội.

Lãnh đạo Central Group cho biết do có quy mô lớn nên năng suất và hiệu quả của nông sản Thái Lan cao hơn, dễ cạnh tranh với thị trường quốc tế.

90% trại gà ở Việt Nam có 500 con trở xuống, 70% trại ở Thái Lan có 5.000 con trở lên - Ảnh 1.

Ông Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch điều hành Cấp cao Central Group (Thái Lan). Nguồn ảnh: Vnexpress

Sản xuất nhỏ lẻ được nhận định là một trong những vấn đề lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện tại.

Quy mô sản xuất nông nghiệp Việt Nam "nhỏ" như thế nào? TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ NN&PTNT dẫn ra các số liệu: Việt Nam có 9,2 triệu nông dân nhỏ lẻ, chỉ có 33 500 trang trại, 7 ngàn mô hình liên kết nông nghiệp và 3.500 doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ.

"Từ đó có thể cho thấy, tỉ lệ liên kết trong nông nghiệp vẫn còn rất nhỏ bé." TS Sơn nói.

Ví dụ như trong sản xuất gạo, chỉ có 10% hộ nông dân có liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất gạo. 

"Cần xây dựng và phát triển mô hình đầu tư có quy mô lớn." Ông Trần Thanh Hải đề xuất. "Một trong những đặc điểm của nông nghiệp Việt Nam là nhỏ lẻ, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình. Mô hình về cánh đồng mẫu lớn ở Việt Nam rất ít, chưa tận dụng được những lợi thế về sản xuất quy mô lớn, dẫn đến giá thành sản xuất cao."  

Theo lãnh đạo Central Group, sản xuất quy mô nhỏ dẫn đến những giới hạn trong việc nâng cấp chất lượng sản phẩm, thương hiệu cũng như áp dụng công nghệ cao.

"Nông dân họ ngại thay đổi, thường trung thành với phương pháp canh tác truyền thống. Họ bị phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất và không có cơ hội đầu tư vào máy móc kỹ thuật tiên tiến," ông Hải nói.

 Theo thống kê 90% nông sản xuất khẩu của Việt Nam là nông sản có giá trị thấp, và thậm chí còn xuất khẩu thông qua thương hiệu nước ngoài. 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao cho hay: "Nông dân và doanh nghiệp Việt Nam ít quan tâm đến tiêu chuẩn, mình xuất khẩu nông sản khô, và bán tiểu ngạch là nhiều."

TS Đặng Kim Sơn nhận định: "Nông dân nhỏ không phải qua một đêm là thành nông dân lớn. Điều đầu tiên là liên kết nông dân với hợp tác xã, đó là điều giúp Nhật Bản, Hàn Quốc, Isarel thành công."

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM