70 công ty vay ngang hàng Trung Quốc chạy sang Việt Nam?

06/08/2019 15:08 PM | Xã hội

Để thoát khỏi cơn khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp cho vay ngang hàng của Trung Quốc chạy sang Việt Nam tìm cơ hội mới.

Tại sự kiện giới thiệu về dự án khởi nghiệp liên quan cho vay ngang hàng (P2P Lending) mới đây, Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Qua nghiên cứu và theo dõi cho thấy hiện có khoảng 60-70 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng của Trung Quốc (TQ) sau khi mô hình này đổ vỡ tại quốc gia này đã tràn sang Việt Nam (VN).

Nhiều hệ lụy 

Trước đó, hồi đầu tháng 3, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến nay có khoảng 40 công ty cho vay ngang hàng như Tima, Trustcircle, We Cash, Interloan, Lendbiz… hoạt động tại VN. Trong đó có khoảng 10 công ty có nguồn gốc từ TQ, một số công ty từ Indonesia, Malaysia, Singapore… “Các công ty này chủ yếu vận hành một nền tảng trực tuyến kết nối giữa người đi vay và người cho vay” - đại diện NHNN khẳng định.

Như vậy có thể thấy chỉ trong bốn tháng gần đây, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng đến từ TQ chuyển hướng sang VN đã tăng chóng mặt, gấp 6-7 lần. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech, lo ngại việc có quá nhiều công ty vay ngang hàng TQ tràn sang VN, trong đó nhiều DN thuê người VN làm đại diện (còn ông chủ là người TQ) đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh như dùng các chiêu bài quảng cáo gây nhầm lẫn, lừa đảo… để lôi kéo khách hàng.

Đáng lo là rất nhiều khách hàng bị cho vay với lãi suất rất cao, tới 60%-70%/tháng, thậm chí còn hơn, đồng thời cũng tác động và gây ảnh hưởng lớn đến các DN chân chính. “Việc hoạt động của các công ty cho vay ngang hàng TQ như vậy rất dễ làm hỏng thị trường. Nguy cơ lớn nhất là có thể đẩy thị trường, đẩy mô hình này đến sự đổ vỡ y như tại TQ” - ông Bình lo ngại.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, dẫn nghiên cứu của China International Capital Corporation cho thấy tại TQ có hơn 400 sàn cho vay ngang hàng đổ vỡ, 1.800 sàn sống lay lắt... Còn hãng tin Bloomberg ước tính khi hàng loạt công ty cho vay ngang hàng sụp đổ tại TQ đã khiến tổng mức nợ xấu phát sinh khoảng 192 tỉ USD. Ngoài ra, trong số khoảng 50 triệu người tham gia cho vay ngang hàng có rất nhiều người mất trắng và tìm đến cái chết.

“Những dữ liệu trên và nhìn lại sự sụp đổ của các công ty cho vay ngang hàng tại TQ chính là một bài học kinh nghiệm quý báu để cảnh báo mọi đối tượng tham gia vào hoạt động này” - ông Hòe nhấn mạnh.

 70 công ty vay ngang hàng Trung Quốc chạy sang Việt Nam?  - Ảnh 1.

Số người vay, đầu tư tại các công ty cho vay ngang hàng ngày càng nhiều. Ảnh: HOÀNG GIANG


Chính sách càng chậm, thiệt hại càng nặng

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, đánh giá cho vay ngang hàng mang lại một số lợi ích cho người cho vay, người đi vay và thị trường. Cụ thể, mô mình này giúp thủ tục vay sẽ đơn giản và nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu vay nhờ ứng dụng công nghệ trong việc đánh giá xếp hạng khách hàng với quy trình rút gọn.

Mô hình này cũng sẽ giúp cho thị trường có thêm kênh dẫn và tiếp cận vốn, gia tăng giá trị của tài nguyên dữ liệu về dân cư, hỗ trợ cho các DN nhỏ và siêu nhỏ phát triển, đồng thời mô hình này cũng thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và phân bổ vốn hiệu quả theo nguyên tắc thị trường nếu cho vay ngang hàng được quản lý tốt.

Khảo sát của PV trên thị trường cho vay ngang hàng mới đây cho thấy đã có công ty ghi nhận tổng đơn vay trên hệ thống lên đến 6.191.880; tổng tiền giải ngân 77.224,68 tỉ đồng; số người đăng ký vay 3.753.638; số người tham gia cho vay 38.881.

Mới đây, NHNN cũng có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về hoạt động cho vay ngang hàng. Cơ quan này thừa nhận chưa có hành lang pháp lý để quản lý hoạt động và rủi ro của mô hình cho vay ngang hàng. Mô hình này bên cạnh những mặt lợi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây mất ổn định kinh tế - xã hội do các bên có liên quan không trả được nợ, để lại những hệ lụy kéo dài, hết sức nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá thời gian qua.

Tuy nhiên, phương thức cho vay này hiện cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. “Rủi ro đối với người cho vay hầu như không được bảo hiểm từ các cơ quan chính phủ, khác với các khoản vay từ các tổ chức tín dụng được bảo hiểm từ cơ quan bảo hiểm tín dụng quốc gia. Các khoản vay được cung cấp dưới hình thức cho vay ngang hàng cũng hầu hết là các khoản vay không có tài sản đảm bảo. Do vậy, họ phải tự quản lý rủi ro bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư, có rủi ro bị mất tiền khi không có bảo hiểm và vẫn chưa có hành lang pháp lý bảo vệ hoặc thông tin về người vay. Ngoài ra các công ty cho vay ngang hàng thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng để lừa đảo” - TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

“Một số công ty cho vay ngang hàng lợi dụng việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của người dân để quảng cáo và đưa ra thông tin không rõ ràng, sai lệch dẫn đến nhà đầu tư hiểu nhầm các hoạt động đầu tư, cho vay qua các nền tảng của công ty đều được bảo hiểm rủi ro” - NHNN dẫn chứng.

Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia kinh tế đều thống nhất quan điểm hoạt động cho vay ngang hàng được đánh giá là hoạt động tín dụng có mức độ rủi ro cao tại VN. Do vậy, cần thiết lập ngay khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này tại VN để đảm bảo an toàn, đồng thời vẫn khuyến khích thị trường phát triển lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm, dịch vụ mới ra đời.

Bài học đắt giá từ sự đổ vỡ ở Trung Quốc

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hòe chỉ rõ một số bài học đắt giá để từ đó các cơ quan chức năng VN cần tránh đi vào vết xe đổ như tại TQ.

Thứ nhất, sự chậm trễ quản lý và tính cân bằng trong quản lý đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển đi kèm với rủi ro, bất ổn cho kinh tế - xã hội. Thứ hai, sự đánh đổi giữa lợi ích và rủi ro vốn là đặc tính muôn thuở của các nhà đầu tư. Thứ ba, thông tin thiếu minh bạch và không được cập nhật kịp thời, ví dụ về nhận diện khách hàng vay theo hình thức ngang hàng.

Thứ tư, các giới hạn cho phép, nghĩa là cần quản lý đối với cho vay ngang hàng. Thứ năm, mô hình kinh doanh mới đòi hỏi việc tiếp cận chính sách cũng phải mới. Hiện nay nhiều nước đã có hành lang pháp lý về cho vay ngang hàng. Chẳng hạn ở Tây Ban Nha, công ty cho vay ngang hàng phải có vốn tối thiểu, có kế hoạch giải quyết vụ việc khi phá sản; giới hạn về vốn đầu tư đối với nhà đầu tư cá nhân thông thường… Tại Malaysia, Ủy ban Chứng khoán quốc gia quản lý mô hình cho vay ngang hàng và đã ban hành một số quy định về trần lãi suất (18%/năm) cũng như mức vốn tối thiểu khi muốn thành lập công ty cho vay ngang hàng.

Theo Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM