7-Eleven phát triển rực rỡ ở Thái Lan, GS25 là đại gia tại Hàn Quốc nhưng cả 2 đều vào Việt Nam quá muộn và không thể mở rộng được như kỳ vọng vì lý do "chết người" này?

10/10/2018 09:59 AM | Kinh doanh

Văn hóa, thói quen của người Việt Nam có nhiều điểm khác với người Thái Lan và Hàn Quốc, điều đó ảnh hưởng đến cách người Việt mua hàng ở cửa hàng tiện lợi.

7-Eleven ở Thái Lan: Không đối thủ

Khách du lịch đến trung tâm thành phố Bangkok thường ngạc nhiên trước mật độ dân số của thủ đô Thái Lan. Đường phố đầy xe cộ, những tòa nhà chọc trời chen chúc nhau, các trung tâm mua sắm mọc lên khắp nơi. Và dĩ nhiên, không thể bỏ qua các cửa hàng 7-Eleven có mặt ở khắp các "hang cùng ngõ hẻm".

Vào Thái Lan năm 1989, 10 năm sau, 7-Eleven đã có 1.100 cửa hàng.

Trên thực tế, Thái Lan là nơi chuỗi 7-Eleven phát triển được mạng lưới cửa hàng tiện lợi nhiều thứ ba thế giới, sau Nhật Bản và Mỹ. Dọc khu Silom, vốn là trục đường chính chạy qua khu trung tâm tài chính ở Bangkok, cứ mỗi 100m là lại có một cửa hàng 7-Eleven.

Mở cửa hàng đầu tiên ở Thái Lan vào năm 1989, 7-Eleven đã phát triển được 1.100 cửa hàng trong 10 năm đầu tại thị trường Thái và mở rộng lên hơn 4.000 cửa hàng trong 10 năm tiếp theo. Tính đến cuối năm 2016, thương hiệu này đã có tổng cộng 9.542 cửa hàng tại Thái Lan, trong đó 44% là các cửa hàng ở Bangkok. Trung bình mỗi ngày, 7-Eleven đón 11,7 triệu khách đến hệ thống cửa hàng của hãng”, đó là những gì tờ Nikkei của Nhật Bản nói về 7-Eleven ở Thái Lan.

Xôi, gỏi, cuốn, trứng vịt lộn... sẽ là lợi thế cạnh tranh của 7-Eleven.

Nhưng ở Việt Nam, câu chuyện lại khác. Còn nhớ ông Vũ Thanh Tú, CEO 7-Eleven tại Việt Nam, từng tuyên bố hồi tháng 6 năm ngoái, khi cửa hàng 7-Eleven đầu tiên, được mở tại TP HCM, rằng chuỗi này sẽ phát triển thành 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới. Và các món như xôi, gỏi cuốn, đồ ăn trưa… sẽ là mũi nhọn của chuỗi này.

Tuy nhiên, đến nay là tháng 10/2018, hơn 1 năm sau tuyên bố trên, 7-Eleven mới mở được 21 cửa hàng, theo khảo sát của chúng tôi mới đây. Xét về chiến lược mở rộng, 7-Eleven đã không đạt được con số như kỳ vọng.

GS25 - Đại gia tới từ Hàn Quốc

Theo chân 7-Eleven, cuối năm 2017, đại gia GS Retail (sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25) của Hàn Quốc cũng rục rịch chuẩn bị gia nhập thị trường Việt Nam qua việc hợp tác với Sonkimland (thuộc Sơn Kim Group).

GS25 là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc, chiếm hơn 30% thị trường bán lẻ tại quốc gia này. Dù thị trường cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc ban đầu cũng bị “xâm chiếm” bởi hai ông lớn là 7-Eleven và FamilyMart nhưng GS25 đã dần dần phát triển và chiếm lại thị trường từ 2 đối thủ nặng ký này.

Liên doanh Việt - Hàn này chính thức mở cửa hàng GS25 đầu tiên tại TPHCM hồi đầu năm 2018. Đây cũng là cửa hàng đầu tiên mang thương hiệu này tại nước ngoài, không phải trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Ông Yun Ju Young, Giám đốc điều hành GS25 Việt Nam cho biết lý do chọn Việt Nam: Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, tiềm năng dân số trẻ. Đó là cơ hội cho sự phát triển. Doanh nghiệp bán lẻ nào thành công tại TP HCM thì sẽ tới được các thành phố khác trên thế giới. 

GS25 mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM vào ngày 19/1/2018. Ông Yun cho biết GS25 sẽ bán những món đồ thực sự Hàn Quốc tại Việt Nam. Chuỗi này cũng sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất đồ ăn tại Long An.

7-Eleven phát triển rực rỡ ở Thái Lan, GS25 là đại gia tại Hàn Quốc nhưng cả 2 đều vào Việt Nam quá muộn và không thể mở rộng được như kỳ vọng vì lý do chết người này? - Ảnh 3.

Theo kế hoạch, sau 2 năm sẽ mở rộng ra thị trường Hà Nội và dự định sẽ mở 2.500 cửa hàng trong 10 năm tới. Tính đến hết năm 2018, GS25 sẽ mở 50 cửa hàng.Tuy nhiên, tính đến thời điểm này là tháng 10, theo khảo sát của chúng tôi, con số cửa hàng của GS25 mới là 16. Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2018, con số 50 liệu có hoàn thành?

Đâu là nguyên nhân?

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia lâu năm trong ngành ẩm thực chỉ ra một nguyên nhân khiến các chuỗi cửa hàng tiện lợi gặp khó khăn trong việc mở rộng.

Theo vị này, người Việt không thể mua hộp cơm, cái bánh rồi ra ngoài vỉa hè hay công viên ngồi ăn. Hay họ cũng không thể mang hộp cơm đó về phòng làm việc vì có thể bốc mùi văn phòng. Do đó, cửa hàng tiện lợi phải có bàn ghế, chỗ ngồi, không gian cho khách.

Người Việt không thích mua đồ ăn, rồi mang đi ăn ở vỉa hè, công viên hay văn phòng.

Dường như nắm bắt được điều này nên nhiều cửa hàng tiện lợi đã trang bị dãy bàn ghế để khách có thể ngồi thưởng thức các món đồ ăn, nước uống của cửa hàng.

Tuy nhiên, việc tìm một địa điểm có không gian kê bàn ghế cho khách ngồi tại các đô thị lớn như TPHCM hay Hà Nội sẽ chịu chi phí thuê mặt bằng rất cao.

Lý do trên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tốc độ mở rộng của các chuỗi cửa hàng tiện lợi.

7-Eleven phát triển rực rỡ ở Thái Lan, GS25 là đại gia tại Hàn Quốc nhưng cả 2 đều vào Việt Nam quá muộn và không thể mở rộng được như kỳ vọng vì lý do chết người này? - Ảnh 5.

Không gian ăn uống tại một cửa hàng 7-Eleven trên quận 1.

7-Eleven phát triển rực rỡ ở Thái Lan, GS25 là đại gia tại Hàn Quốc nhưng cả 2 đều vào Việt Nam quá muộn và không thể mở rộng được như kỳ vọng vì lý do chết người này? - Ảnh 6.

Cirkle ở đường Lê Lợi, quận Gò Vấp một ngày đầu tháng 10.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh của Kantar Worldpanels, trong một hội thảo đã chỉ ra 2 thách thức lớn trong việc phát triển của các cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam.

Thứ nhất, thách thức tìm mặt bằng là rất lớn, với chi phí cao. Theo các đơn vị môi giới mặt bằng, các cửa hàng tiện lợi thường cần những địa điểm có diện tích tối thiểu 60 m2 và tại khu vực chung cư, trường học, bệnh viện, cao ốc văn phòng hay các con đường có mật độ giao thông lớn.

Trong khi mặt bằng đẹp tại những quận trung tâm đã được các doanh nghiệp bán lẻ khác thuê, vậy nên, tìm được địa điểm đáp ứng yêu cầu là bài toán khó.

Cầu lớn, cung không đủ cầu nên giá tăng, chính là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp đang muốn mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.

Thứ hai, chi phí vận hành rất lớn. Theo thông tin một số nguồn, Family Mart, Circle K… vẫn chưa có lãi dù hoạt động rầm rộ.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng trong cửa hàng tiện lợi thường cao hơn các cửa hàng tạp hóa, chợ đến 30-40%. Liệu nhiều người có chịu chi một khoản kha khá cho “tính tiện lợi” đó.

Theo thống kê của chúng tôi, hiện Cirkle K đang có 300 cửa hàng ở Hà Nội, TPHCM và Vũng Tàu (theo website); Ministop có 111 (theo website); 7-Eleven: 21; và GS25 là 16.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM