7 đặc điểm khiến thế hệ Gen Z Việt Nam, dù chưa kiếm ra nhiều tiền, vẫn đủ sức mạnh thay đổi các ngành từ kinh doanh đến công nghệ, giải trí

04/03/2019 22:05 PM | Kinh doanh

Chỉ chiếm khoảng 20% dân số Việt Nam nhưng Gen Z đang và sẽ có tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế trong nước, từ tiêu dùng đến giải trí.

Gen Z là thế hệ được nhắc đến khá nhiều trong những năm gần đây. Sinh sau năm 1996, gần với thời điểm Internet chính thức du nhập vào Việt Nam, Gen Z là thế hệ của thời đại số.

Ở Việt Nam hiện nay, Gen Z được chia thành 2 nhóm chính: Nhóm bắt đầu đi làm và nhóm vẫn phụ thuộc nhiều vào bố mẹ. Dù Gen Z nói chung chỉ chiếm khoảng 20% dân số Việt Nam; trong đó những cá nhân sinh từ 1996 đến 2006 chỉ chiếm khoảng 13%, nhưng Gen Z đang có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội hiện nay.

"Sau thời gian nghiên cứu cả mảng game, mảng quảng cáo, lẫn mảng thanh toán thì chúng tôi nhận thấy thế hệ này đã và đang tạo ra những bước chuyển rất mạnh mẽ", anh Đặng Thái Sơn, Giám đốc marketing (CMO) Appota, công ty tiên phong trong ngành công nghiệp giải trí số của Việt Nam chia sẻ.

7 đặc điểm khiến thế hệ Gen Z Việt Nam, dù chưa kiếm ra nhiều tiền, vẫn đủ sức mạnh thay đổi các ngành từ kinh doanh đến công nghệ, giải trí - Ảnh 1.

Nguồn: Appota

Anh Sơn chỉ ra 7 đặc điểm khiến Gen Z, dù thu nhập không nhiều và chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu dân số, vẫn tạo ra nhiều ảnh hưởng lớn đến các hoạt động trên thị trường hiện nay.

1. iGen

Lý giải vì sao Gen Z được gọi là thế hệ iGen (viết tắt iGeneration), CMO Appota cho biết những cá nhân này sinh từ 1996 trở đi, thì đến 1997 Internet đã vào Việt Nam. Liền sau đó là sự xuất hiện của Facbook (2004), Youtube (2005), hay iPhone (2007).

"Toàn bộ cuộc sống của họ từ khi sinh ra đã có liên quan tới Internet".

2. Những người tạo xu hướng mới

Dù nhóm đối tượng này chỉ chiếm 20% dân số, ít hơn thế hệ millenial, nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp bởi phần lớn xu hướng của giới trẻ hiện nay đều từ nhóm này mà ra.

"Những trend (xu hướng-PV) này không chỉ ảnh hưởng đến người trong độ tuổi của họ mà còn nhiều người sinh ra ở giai đoạn trước đó. Nhiều câu nói trở thành trào lưu cửa miệng, xuất hiện trong cả các chương trình giải trí trên TV hay các chương trình quảng cáo", anh Sơn cho biết.

3. Tạo ảnh hưởng trong mảng tiêu dùng

Gen Z ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiêu dùng hiện nay. Dù họ chưa tạo ra nhiều tiền khi mới chỉ có một bộ phận bắt đầu đi làm và số tiền kiếm ra cũng không quá lớn, nhưng khác với thế hệ trước, Gen Z có thể sẽ là người quyết định xem gia đình họ sẽ mua bàn ghế loại nào, nên sắm thêm đồ đạc gì hay màu sơn trong nhà phải là màu thế nào.

Đây là thế hệ có chính kiến cao và họ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của những người có nhiều tiền trong gia đình.

4. Yêu thích điên thoại đi động

Số liệu từ Appota cho thấy có tới 39% Gen Z ưu tiên sử dụng các ứng dụng trên điện thoại mà không quan tâm đến phiên bản web trực tuyến.

Lấy ví dụ cho nhận định này, CMO Appota nói rằng trong mảng ngân hàng, nếu các thế hệ trước đây hay để ý ngân hàng nằm vị trí nào để gửi tiết kiệm, sau đó chuyển dần sang nền tảng web online thì Gen Z chuyển sang dùng ứng dụng trên điện thoại là chủ yếu, phiên bản web họ sử dụng ít hơn rất nhiều.

7 đặc điểm khiến thế hệ Gen Z Việt Nam, dù chưa kiếm ra nhiều tiền, vẫn đủ sức mạnh thay đổi các ngành từ kinh doanh đến công nghệ, giải trí - Ảnh 2.

CMO Appota Đặng Thái Sơn.

5. Thích các nội dung tương tác

Nếu thế hệ trước đây thích đọc báo, xem truyền hình thì một bộ phận Gen Z chuyển sang thích xem bóng đá kiểu livestream trên Facebook để được cùng bình luận về một bàn thắng, cùng chia sẻ cảm xúc với nhau.

Một trào lưu khác nữa là thế hệ trước chỉ chơi game, sau đó lọt top server là vui mừng thì sang Gen Z, nhu cầu của họ thay đổi lớn hơn nhiều. "Các bạn ấy cần game nhiều người chơi, phải có các giải đấu lớn để được quyền tương tác, phải có những người nổi tiếng stream về game ấy rồi họ được giao lưu với những người nổi tiếng,..."

6. Khả năng tự học cao

Anh Sơn đánh giá Gen Z là nhóm thế hệ có khả năng tự học cao, vì đây là nhóm có tiếng Anh tốt nhất. So với các nhóm thế hệ trước đây, họ được đào tạo bài bản hơn và cơ hội truy cập thông tin cũng nhiều hơn, đặc biệt là những người sống tại các thành phố lớn.

7. Sáng tạo nhiều content tốt

Khả năng học hỏi cao kết hợp với sự sáng tạo không ngừng và những hỗ trợ từ công nghệ khiến Gen Z tạo được nhiều content có nội dung hấp dẫn.

Anh Sơn cho rằng nhiều nội dung do Gen Z thực hiện có chất lượng không thua kém những đơn vị chuyên nghiệp tạo ra như Đài Truyền hình Việt Nam hay các trung tâm báo chí lớn.

"Từ những đặc điểm nghiên cứu ở trên, chúng tôi cảm thấy thế hệ này ảnh hưởng lớn đến quá trình kinh doanh nói chung cũng như các lĩnh vực khác như công nghệ, giải trí, tiêu dùng nói riêng", CMO Appota cho biết.

Theo anh Sơn, sự thay đổi của Gen Z sẽ đặt ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp startup trong mảng công nghệ để nếu họ biết tạo ra các mô hình kết hợp giữa công nghệ và độ nhạy bén nắm bắt xu hướng của giới trẻ.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp startup vượt các doanh nghiệp truyền thống trong mảng ngân hàng, truyền hình,…thậm chí trở thành "kỳ lân" tại thị trường Việt Nam.

Cuối cùng là cơ hội tạo ra môi trường kinh doanh có tính kết nối cao hơn, hòa nhập quốc tế hơn; tạo ra môi trường phát triển năng động cho những người trẻ đem lại giá trị với đất nước. Ví dụ trước đây, mọi người nghĩ chơi game là xấu nhưng giờ có nghề stream, khiến nhiều bạn trẻ kiếm được thu nhập cao hơn mặt bằng chung của thị trường, đồng thời có cơ hội đi thi đấu trên trường quốc tế để đem vinh quang về cho đất nước.

"Gen Z là tương lai của nền kinh tế. Họ mang tới cơ hội chung cho tất cả các doanh nghiệp nếu chúng ta biết tận dụng và khai thác", giám đốc marketing Appota khẳng định.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM