7 cách để tỏ ra chuyên nghiệp hơn trước mặt người khác

28/08/2017 14:03 PM | Sống

Kể cả khi là một người cực kỳ tài giỏi, đôi khi bạn vẫn cảm thấy bị đánh giá thấp, đặc biệt là khi ở trong môi trường làm việc cạnh tranh cao.

Trong những tình huống đó, sẽ rất có ích nếu bạn biết một số thủ thuật để khiến mình tỏ ra có năng lực và tự tin ngay lập tức.

Hãy xem danh sách dưới đây và chọn cho mình cách phù hợp nhất:

Nói nhanh

Nếu bạn có điều gì đó để nói, hãy nói thật nhanh.

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học ở Đại học Brigham Young cho 28 sinh viên nghe bản thu âm giọng nói của 6 người đã được chỉnh sửa để nghe nhanh hơn hoặc chậm hơn so với giọng thật.

Kết quả cho thấy những người có giọng nói bị tua nhanh được đánh giá là có năng lực nhất, và những người có giọng nói bị làm chậm không được đánh giá cao.

Ngoài ra nói nhanh còn là một “mánh” để giành phần thắng khi tranh luận, vì đối thủ có ít thời gian để nghĩ hơn về các lập luận của bạn.

Nếu là phụ nữ, đừng quên trang điểm

Vào năm 2011, Nancy Etcoff ở Đại học Harvard đã tiến hành một nghiên cứu trong đó 250 người được nhìn ảnh của 25 phụ nữ với các kiểu trang điểm khác nhau.

25% số đó không trang điểm; 25% có trang điểm nhẹ theo kiểu tự nhiên; 25% trang điểm kiểu “chuyên nghiệp” (trang điểm đậm hơn); và 25% còn lại trang điểm lộng lẫy (tức trang điểm nhiều nhất).

Nhưng kết quả lại cho thấy, người ta đánh giá những phụ nữ được trang điểm lộng lẫy là có năng lực nhất và những người để mặt mộc là yếu kém nhất.

Tìm kiếm lời khuyên

Có thể nhiều người lo rằng nhờ cậy người khác sẽ khiến bạn trông có vẻ kém cỏi.

Nhưng trong một nghiên cứu năm 2015 của trường Kinh doanh Harvard, kết quả lại cho thấy điều ngược lại. Trong nghiên cứu này, 170 sinh viên thực hiện một loạt các nhiệm vụ trên máy tính và được thông báo là sẽ ghép đôi với một người cũng làm những việc như thế (thực ra người này chỉ là một chiếc máy tính mà thôi). Khi hoàn thành, máy tính sẽ hỏi “Tôi hy vọng mọi chuyện đều ổn” hoặc “Tôi hy vọng mọi chuyện đều ổn. Bạn có lời khuyên gì không?”

Và những sinh viên được yêu cầu đưa ra lời khuyên đánh giá “bạn ghép” của mình là có năng lực hơn so với những người không hỏi gì.

Các nhà nghiên cứu giải thích là khi bạn tìm kiếm lời khuyên, bạn đang xác thực trí thông minh và kinh nghiệm của người được hỏi, vì thế họ cảm thấy hãnh diện về bản thân, và có cùng cảm giác về bạn như vậy.

Nhưng đừng tìm kiếm lời khuyên nếu là nam giới và giữ vị trí quản lý

Trong một nghiên cứu vào năm 2015, các nhà khoa học đã yêu cầu 65 sinh viên kinh tế trả lời câu hỏi về trải nghiệm “làm lãnh đạo” của mình khi tham gia vào các thử thách như leo núi ở Nam cực và leo núi lửa ở Ecuador. Các sinh viên sẽ thay nhau làm “lãnh đạo trong ngày.”

Sau đó họ được yêu cầu nhớ lại về hành vi của lãnh đạo trong ngày đó và một số trả lời câu hỏi: “Tần suất tìm kiếm sự trợ giúp của người đó là bao nhiêu?” và một số khác trả lời câu hỏi “Người đó có năng lực như thế nào?”

Kết quả cho thấy, những lãnh đạo nam nếu yêu cầu trợ giúp nhiều lần được cho là không có năng lực bằng những người ít yêu cầu trợ giúp.

Tỏ ra lạnh lùng, lãnh đạm​

Chúng ta thường có xu hướng đánh giá người khác dựa vào 2 nét chính khi lần đầu gặp mặt: sự nhiệt tình và giỏi giang. Nhưng liệu có khả năng cả hai yếu tố này đều được đánh giá cao ở một người hay không?

Các nhà tâm lý học Bỉ và Mỹ đã hợp tác thực hiện một nghiên cứu vào năm 2009, kết quả cho thấy những người tỏ ra nhiệt tình lại bị coi là ít có năng lực. Và ngược lại, những ai được coi là giỏi giang thường là những người tỏ ra lãnh đạm.​

Post ảnh đại diện được chụp từ xa

Nếu bạn đang chọn ảnh đại diện cho tài khoản Facebook hoặc LinkedIn của mình, hãy chọn bức ảnh nào đứng xa camera một chút.

Theo nghiên cứu năm 2012 với hàng trăm người tham gia, các nhà nghiên cứu nhận thấy một nhóm 18 nam giới liên tục được đánh giá là giỏi giang, đáng tin cậy và hấp dẫn khi họ được chụp ảnh từ khoảng cách gần 2m.

Không dùng biểu tượng mặt cười khi gửi email công việc

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Social Psychological and Personality Science vào năm nay, các tác giả đã thực hiện nhiều thử nghiệm với hơn 500 người tham gia đến từ 29 nước. Kết quả cho thấy những nhân viên (giả lập) sử dụng biểu tượng mặt cười trong các email về công việc bị đánh giá là có năng lực kém hơn so với những người khác.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng biểu tượng mặt cười bị coi là không phù hợp cho các hoàn cảnh nghiêm túc, nhất là những tình huống trong công việc.

Pha trò đúng mực

Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu ở trường Kinh doanh Harvard cho biết kể một câu chuyện cười hoặc pha trò đúng mực ở nơi làm việc có thể khiến bạn tỏ ra giỏi giang hơn. Nhưng nó sẽ có tác dụng ngược nếu trò đùa đó tục tĩu hoặc không phù hợp.

Trong nghiên cứu của họ, 274 người tham gia phải tưởng tượng về một cuộc phỏng vấn. Nhà tuyển dụng hỏi ứng viên “Bạn thấy mình ở đâu trong 5 năm tới?”

Người tham gia sẽ đọc được các tình huống như sau: ứng viên đưa ra một trong 2 câu trả lời: “Tiếp tục làm việc trong ngành này ở một vị trí tương tự” (nghiêm túc) hoặc “Kỷ niệm 5 năm ngày anh hỏi tôi câu này” (đùa cợt). Trong số những người đọc phải tình huống lời đùa cợt được đưa ra, một nửa lại đọc đoạn tiếp theo là nhà tuyển dụng bật cười, một nửa đọc đoạn tiếp là nhà tuyển dụng ngồi im và yên lặng.

Kết quả cho thấy, ứng viên đưa ra lời pha trò (kể cả không thành công) được đánh giá là có năng lực và tự tin hơn so với ứng viên trả lời nghiêm túc.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM