6 giải pháp hoàn thiện nền tảng chính phủ điện tử

16/03/2019 15:45 PM | Xã hội

Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, đã đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp.

Phát triển chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng, nâng xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc đến năm 2025.

Đó là mục tiêu được đưa ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Nghị quyết đã đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu trên, bao gồm: 1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển chính phủ điện tử. 2. Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển chính phủ điện tử trên thế giới. 3. Xây dựng, phát triển chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. 4. Xây dựng chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân. 5. Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng chính phủ điện tử. 6. Thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi.

6 giải pháp hoàn thiện nền tảng chính phủ điện tử - Ảnh 1.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao xây dựng Kiến trúc tổng thể chính phủ điện tử Việt Nam giai đoạn 2019-2025, công bố và định kỳ cập nhật hằng năm trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ thông qua việc tích hợp kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh, kiến trúc các hệ thống thông tin dùng chung và các cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng phát triển chính phủ điện tử trên thế giới.

Hoàn thành xây dựng, cập nhật kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp với khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) trong tháng 9/2019 và thường xuyên cập nhật, ban hành các phiên bản tiếp theo phù hợp với các phiên bản cập nhật khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam; triển khai áp dụng kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh đã được ban hành trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tuần qua Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật. Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những khâu đột phá chiến lược trong phát triển là thể chế, chính sách.

Chính phủ cũng đã thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Theo Khánh Lâm

Cùng chuyên mục
XEM