5 trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng
Các nền kinh tế lớn đang có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái. Trong đó, Ý, Brazil và Mexico có thể không tạo ra nhiều sự ngạc nhiên, nhưng đáng nói là Đức và Anh cũng nằm trong danh sách mà không quốc gia nào muốn lọt vào này.
Nền kinh tế Anh đã sụt giảm trong quý hai, trong khi đó, nước Ý vẫn dậm chân tại chỗ. Dữ liệu mới được công bố cho thấy kinh tế của Đức, lớn thứ 4 trên thế giới, đã trượt dốc từ tháng 3 đến tháng 6. Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Ecnomics, cho biết: “Điểm mấu chốt là nền kinh tế Đức đang đứng bên bờ vực của suy thoái kinh tế”.
Mexico vừa thoái được suy thoái kinh tế - thường được định nghĩa là hai quý liên tiếp sụt giảm – và nền kinh tế của quốc gia Trung Mỹ này được dự đoán sẽ vẫn yếu trong năm nay. Không may mắn như Mexico, Brazil đã rơi vào trạng thái suy thoái trong quý hai.
Điểm chung của Đức, Anh, Ý, Brazil và Mexico là các quốc gia này đều nằm trong top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Singapore và Hồng Kông, các quốc gia và vùng lãnh thổ nhỏ hơn nhưng đóng vai trò quan trọng cho tài chính và thương mại thế giới, cũng đang gặp khó khăn.
Suy thoái kinh tế thường do những lý do đặc thù của từng quốc gia, nhưng sự sụt giảm sản xuất toàn cầu và niềm tin kinh doanh giảm mạnh khiến tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế tưởng Neil Shearing của Capital Economics cho biết: “Đặc điểm chung chính là bối cảnh kinh tế tồi tệ toàn cầu.”
Kể cả một nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng. Đất nước châu Á này tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng gần ba thập kỷ qua, đồng thời đang phải trải qua một cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ.
Trước tình hình căng thẳng này, quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,2%, tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2009. Đồng thời, mức tăng trưởng kỳ vọng năm 2020 cũng xuống còn 3,5%.
Các nhà đầu tư đang ngày càng trở nên lo lắng. Thị trường trái phiếu đang có những dấu hiệu đáng cảnh báo và hơn 1/3 các nhà quản lý tài sản được Bank of America khảo sát đã dự đoán về một cuộc suy thoái toàn cầu trong vòng 12 tháng tới.
Quay trở lại với các quốc gia phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lớn nhất, nền kinh tế Đức phụ thuộc rất nhiều vào các công ty xuất khẩu bán một lượng lớn hàng hóa cho thị trường Trung Quốc và Mỹ. Cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai cường quốc này là một tin không tốt lành với Đức. Thêm vào đó, doanh số bán ô tô toàn cầu chững lại ảnh hưởng nặng nề đến các công ty sản xuất xe hơi, một trong những ngành công nghiệp chính, của nước này.
Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng tại Đức của ngân hàng ING, cho biết: “Báo cáo GDP hiện nay chắc chắn đánh dấu sự kết thúc một thập kỉ vàng của nền kinh tế Đức.”
Brexit được cho là nguyên nhân kéo nền kinh tế Đức đi xuống, nhưng quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là Vương quốc Anh, nơi lần đầu tiên nền kinh tế bị xuống dốc kể từ năm 2012. Tuy nhiên, nó được dự đoán sẽ phục hồi ngay trong quý ba, tránh được suy thoái ngay trước mắt. Nhưng nếu Thủ tướng Boris Johnson đưa quốc gia này rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận bảo vệ thương mại nào vào ngày 31/10, thì Anh khó có thể tránh khỏi một cuộc suy thoái thật sự.
Tại Italy, năng suất thấp, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, nợ công lớn và bất ổn chính trị giải thích cho tình hình kinh tế ảm đạm của quốc gia châu Âu này. Trong khi đó, đầu tư giảm ở Mexico và khu vực dịch vụ của nước này đang phải đối mặt với nhiều áp lực là nguyên nhân chính cho sự suy giảm kinh tế. Cuối cùng, Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, đang phải chịu cảnh sản xuất công nghiệp yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Chuyên gia Shearing của Capital Economics cũng chỉ ra 3 rủi ro lớn nhất ở thời điểm hiện tại.
Đầu tiên là cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu Bắc Kinh và Washington tiếp tục đưa căng thẳng leo thang, thì niềm tin kinh doanh có thể giảm mạnh.
Một rủi ro lớn khác là các ngân hàng trung ương không hành động kịp thời, tạo ra phản ứng tiêu cực trong thị trường tài chính. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất vào tháng trước lần đầu tiên sau 11 năm. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ám chỉ rằng họ sẽ đưa vào nhiều yếu tố kích thích hơn vào tháng 9. Áp lực đang được đặt lên Trung Quốc để giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm.
Rủi ro cuối cùng là lĩnh vực dịch vụ toàn cầu, ngành đã hỗ trợ tăng trưởng trong nhiều năm qua, đang bắt đầu có những dấu hiệu suy giảm giống như trong ngành sản xuất.