5 thách thức lớn nhất các thành phố lớn phải đối mặt trong tương lai

14/11/2018 09:15 AM | Xã hội

UN ước tính ở thời điểm hiện tại, 55% dân số thế giới đang sống trong các khu vực thành thị. Con số này sẽ tăng lên 68% vào năm 2050. Với một số ngoại lệ, các thành phố được dự đoán sẽ trở nên rộng lớn và đông đúc hơn.

Khi quá trình đô thị hóa tăng tốc, đặc biệt ở các nước châu Á và châu Phi, 5 trong số những thách thức lớn nhất mà các thành phố phải đối mặt trong tương lai bao gồm: Những mối đe dọa từ thiên tai, tài nguyên hạn chế, bất bình đẳng, ứng dụng công nghệ, và chất lượng quản lý.

Những mối đe dọa từ thiên tai

Quá trình đô thị hóa với tốc độ chóng mặt đã tạo áp lực lớn lên các cơ sở vật chất thiết yếu. Đồng thời, những hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu thường xuyên diễn ra hơn đang làm trầm trọng thêm những tác động từ thiên tai. Các mối đe dọa từ thiên nhiên thường thấy nhất bao gồm lũ lụt, lốc xoáy nhiệt đới (các thành phố ven biển rất dễ bị ảnh hưởng), sóng nhiệt và dịch bệnh.

Do mật độ vật chất và dân số ở các thành phố, những mối họa này thường dẫn đến thiệt hại về người và của cải nghiêm trọng. Giúp cho các thành phố chống chọi tốt hơn với các thiên tai này là một trong những thách thức lớn nhất mà chính quyền thành phố phải đối mặt và đòi hỏi các giải pháp khẩn cấp.

Tài nguyên hạn chế

Các thành phố cần tài nguyên như nước, thực phẩm và năng lượng để tồn tại. Mở rộng quy mô đô thị làm giảm diện tích lưu vực nước có sẵn, đất nông nghiệp và tăng nhu cầu về năng lượng. Dù ứng dụng công nghệ hiện đại có thể tăng năng suất nông nghiệp và đảm bảo truyền tải điện hiệu quả hơn, nhiều thành phố sẽ tiếp tục gặp khó khăn để đáp ứng được các nguồn tài nguyên này cho dân số đô thị ngày càng gia tăng.

Ngoài nhũng nhu cầu thiết yếu này, gia tăng dân cư đô thị vô tổ chức sẽ làm giảm không gian xanh trong thành phố, ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện sinh sống. Khi nước ngọt trở nên khan hiếm và đất đai màu mỡ giảm diện tích, giá lương thực có thể leo thang, tác động mạnh mẽ nhất đến những người nghèo.

5 thách thức lớn nhất các thành phố lớn phải đối mặt trong tương lai - Ảnh 1.

 Bất bình đẳng

Các nguồn tài nguyên cơ bản và khả năng phục hồi sau thiên tai được dự đoán là không đồng đều giữa các nhóm dân cư đô thị khác nhau. Khi số lượng người siêu giàu tại các thành phố tăng lên, số lượng người nghèo tại các đô thị cũng sẽ gia tăng,

Khoảng cách giữa những người giàu có và người nghèo ngày càng mở rộng sẽ trở thành đặc điểm nổi bất ở những siêu đô thị trong tương lai. Tình trạng bất bình đẳng như vậy, nếu không được kiểm soát, sẽ làm mất ổn định xã hội và làm đảo ngược bất cứ lợi ích nào mà phát triển đô thị mang lại. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần phải đảm bảo thành quả của quá trình phát triển được san sẻ cho các tầng lớp khác nhau một cách công bằng.

Công nghệ

Công nghệ sẽ ngày càng phổ biến trong quá trình phát triển và vận hành các thành phố trong tương lai. Quy hoạch thông minh đang được áp dụng ở Singapore có thể khai thác năng lượng mặt trời để sử dunjgg trong bất động sản nhà ở và tạo ra đất ngập nước nhân tạo để đạt cân bằng sinh thái. Công nghệ di chuyển thông minh có thể làm giảm bớt tắc nghẽn giao thông đang xảy ra ở nhiều thành phố.

5 thách thức lớn nhất các thành phố lớn phải đối mặt trong tương lai - Ảnh 2.

 Ứng dụng các công nghệ môi trường như làm mát các tòa nhà hiệu quả hơn hoặc các phương tiện ít gây ô nhiễm hơn cũng dẫn đến các thành phố tuyệt vời hơn trong tương lai. Lắp đặt cảm biến trong nhà của những người già sống một mình cũng có thể giúp họ kết nối với cộng đồng và gọi sự trợ giúp khi họ không khỏe hoặc bị thương.

Tuy nhiên, công nghệ có thể loại trừ những cư dân đô thị không đủ khả năng tài chính hoặc thiếu năng lực cần thiết để sử dụng nó. Khi các thành phố tương lai trở nên số hóa hơn, chính quyền thành phố cần phải để tâm, ngăn chặn sự xuất hiện của một dạng phân chia xã hội bắt nguồn từ công nghệ.

Quản lý

Thành phố trong tương lai cung cấp những khả năng to lớn để làm phong phú thêm cuộc sống của cư dân ngay cả khi vẫn tồn tại những trở ngại rất rõ rệt. Quản lý tốt là yếu tố bắt buộc để tận dụng tối đa đô thị hóa, một quá trình không thể tránh khỏi ở các quốc gia. Các thành phố sẽ tăng kích thước và dân số của chúng sẽ trở nên đa dạng hơn. Vì vậy, quản lý các thành phố này sẽ trở nên phức tạp hơn và đòi hỏi những người quản lý tận tâm.

Ngày càng nhiều thành phố trên khắp thế giới đang học hỏi cách thức quản trị và lập kế hoạch tốt nhất từ nhau. Các mục tiêu lớn của quản trị đô thị là cần phải giải quyết các vấn đề về công bằng, khả năng sinh sống và tính bền vững của các thành phố trong tương lai.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM