5 nguyên tắc kinh doanh mà doanh nhân nên học hỏi từ các vận động viên Olympics

20/08/2016 10:51 AM | Kinh doanh

Hãy áp dụng những nguyên tắc và luật chơi của Olympics giúp cho công việc kinh doanh của bạn thành công hơn.

Kể từ khi khai mạc thế vận hội Olympics Rio 2016 đến nay, hàng triệu người trên khắp thế giới dành thời gian rảnh rỗi của họ mỗi ngày để theo dõi các trận đấu qua màn hình tivi. Có nước mắt, đau khổ, những nỗi tuyệt vọng và cả niềm vui hân hoan khi giành được chiến thắng... tất cả tạo nên cảm xúc của một mùa Olympics tràn đầy khí thế.

Với các doanh nhân, thứ mà họ có thể học được từ thế vận hội Olympics năm nay không chỉ đơn giản là những huy chương vàng hay những trận đấu hấp dẫn mà còn là những bài học kinh doanh vô cùng quý giá có thể đóng góp vào thành công của họ.

1. Biết rõ đối thủ của mình là ai

Nếu bạn là một vận động viên bơi lội tham gia Olympics, bạn không thể cứ thế nhảy xuống hồ mà không biết đối thủ của bạn là ai, họ mạnh – yếu ở điểm nào và làm thế nào để bạn có thể chiến thắng được đối phương.

Cũng giống như vậy trong kinh doanh, bạn không thể bắt đầu một công ty mà không biết được ai sẽ là đối thủ của mình. Có bao nhiêu công ty đang cố gắng cung cấp sản phẩm giống bạn? Khách hàng mục tiêu của họ là gì và họ đang áp dụng chiến thuật marketing nào? Bạn có thể làm gì để vượt qua họ?... Đó là những câu hỏi mà bạn nhất định phải đặt ra cho mình, trước và trong suốt quá trình điều hành doanh nghiệp.

Nói cách khác, bạn phải biết rõ các quy tắc của trò chơi trước khi tham gia. Nếu bạn tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử, bạn phải là một chuyên gia am hiểu lĩnh vực này. Michael Phelps sẽ không thể lập nên kì tích nếu như anh ấy không biết bơi ngửa trong nội dung thi 200 mét.

2. Coi thất bại là cơ hội để học hỏi

Ngay cả Simone Biles (vận động viên thể dục dụng cụ Mỹ - 4 huy chương vàng) cũng mắc phải những sai lầm trong quá khứ nhưng cô ấy, cũng như nhiều vận động viên Olympics khác, không bao giờ để mình mắc kẹt trong những sai lầm đó. Họ coi sai lầm là những bước đi cần thiết để biết được mình đang ở đâu và làm thế nào để cải thiện bản thân, khắc phục sai lầm.

Tương tự như thế, bạn cũng không thể trở thành một doanh nhân thành công nếu như bạn chỉ biết “than thở” mỗi khi đối mặt với thử thách hay thất bại. Thế giới kinh doanh luôn chứa đựng những khó khăn và thử thách đòi hỏi các doanh nhân phải đối mặt và tìm ra chiến lược để đi lên, chứ không phải buông tay chấp nhận thất bại.

3. Tìm sự hỗ trợ của một nhà cố vấn

Dù là trong thể thao hay trong kinh doanh, bạn cũng không thể chiến thắng nếu không có sự hỗ trợ của cố vấn. Đằng sau chiến thắng của các vận động viên Olympics luôn là hình ảnh của các huấn luyện viên, những người thầy gạo cội.

Do đó, nhận sự hướng dẫn của những người có kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm và tầm nhìn xa hơn những gì bạn đang có là một trong những nhân tố quan trọng giúp bạn đi đúng hướng. Bạn hãy nhớ rằng kỹ năng này cần thiết với bất cứ ai, kể cả nhân viên hay nhà quản lý.

4. Thiết lập mục tiêu thông minh và luyện tập mỗi ngày

Vận động viên cử tạ Trung Quốc không chiến thắng trong một ngày chỉ với việc thức dậy và nói “Tôi muốn giành huy chương vàng Olympics và phá vỡ mọi kỷ lục thế giới” mà đó là kết quả của nhiều năm cô kiên chì rèn luyện và hướng tới mục tiêu. Mỗi ngày trôi qua, cô ấy biết được mình cần phải cải thiện kỹ năng nào và từ đó nâng dần mục tiêu lên.

Đó cũng là nguyên tắc mà các doanh nhân cần rèn luyện trong sự nghiệp của mình. Hãy thiết lập các mục tiêu cụ thể, từ nhỏ đến lớn và từng bước thực hiện mục tiêu. Đừng quên rằng thành công lớn bao giờ cũng bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ nhất.

5. Đề cao tinh thần đồng đội

Một trong những lý do góp phần làm nên thành công của các vận động viên Olympics là đằng sau họ luôn có sự hỗ trợ của đồng đội, huấn luyện viên, nhân viên y tế... Vừa qua vận động viên người Hà Lan Yuri van Gelder đã bị cấm thi đấu do vi phạm quy định không uống rượu của đội mình. Đây là một bài học cho thấy các vận động viên phải có trách nhiệm và đề cao tinh thần đồng đội, bởi họ không chỉ thi đấu cho chính bản thân mình.

Họ mất nhiều năm luyện tập vất vả để có thể tham dự Olympics và phải vượt qua hàng trăm đối thủ sừng sỏ đến từ các quốc gia khác để giành huy chương. Trong kinh doanh cũng vậy, bạn mất hàng chục năm để xây dựng một doanh nghiệp và đôi khi đó không phải hành trình của riêng bạn.

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM