"5 năm nữa, Ngân hàng Việt nào không có thẻ chip thì sẽ không còn những gì ngày hôm nay"

20/05/2016 11:15 AM | Kinh doanh

Ngân hàng Nhà nước (NHNH) đặt mục tiêu chậm nhất đến ngày 31/12/2020 toàn bộ thị trường thẻ Việt Nam chuyển đổi xong từ thẻ từ sang thẻ gắn vi mạch điện tử (thẻ chip) có độ bảo mật cao hơn.

Việt Nam hiện có gần 100 triệu thẻ các loại, trong đó phần lớn thẻ ngân hàng Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ thẻ từ. Loại thẻ này dễ bị giả mạo, độ an toàn không cao.

Trong khi đó, xu hướng hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đã và đang nhanh chóng chuyển sang công nghệ thẻ gắn vi mạch điện tử, có độ bảo mật cao và tăng khả năng mở rộng tiện ích cho khách hàng.

Tại Banking Vietnam 2016, đây là vấn đề nóng được nhiều Ngân hàng và chuyên gia trong ngành quan tâm.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối ngân hàng công nghệ số, Ngân hàng VIB, cho rằng, công nghệ đang thay đổi một cách chóng mặt. Các công ty công nghệ nhảy vào mọi lĩnh vực - trong đó có những mảng mà trước đây tưởng chừng như không thể.

Đơn cử như Uber, họ quản lý hàng nghìn, triệu chiếc xe, tài xế mối ngày, thế nhưng họ không mất một đồng mua xe. Hay như Trivago - ứng dụng tìm kiếm khách sạn lớn nhất thế giới nhưng thực tế không sở hữu bất kỳ một khách sạn nào.

Thế nhưng, tất cả những công ty này đều lớn mạnh, thu hút hàng triệu, tỷ người dùng.

Gần đây, một loạt những công ty khởi nghiệp về công nghệ, cạnh tranh rất thực địa với ngân hàng nhưng họ không hề có sản phẩm thực tế. Ứng dụng thu hút rất nhiều người dùng.

Song điều đáng lo ngại là khi chúng ta chợt nhận ra, mới bắt đầu sửa đổi, ban hành luật thì đã quá thiệt rồi. Ông Minh nhấn mạnh: "5 năm nữa, Ngân hàng Việt nào không có thẻ chip thì sẽ không còn những gì ngày hôm nay".

Đồng tình với ý kiến trên, ThS. Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, hiện giờ chuyện ngân hàng to hay nhỏ đã không còn là quan trọng nữa. Thay vào đó, là chúng ta có những bước đổi mới về công nghệ, nguồn nhân lực như thế nào để theo kịp với xu hướng người dùng.

Ông Hòe cho rằng, các ngân hàng không còn con đường nào khác ngoài phải chấp nhận cuộc chơi, đó là đổi mới công nghệ, đầu tư cho công nghệ. Song để tạo ra sân chơi bình đẳng, thì Việt Nam cần tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, cách thiết kế - tư duy làm chính sách cũng cần có đổi mới.

Cũng lấy ví dụ từ Uber để nói về mô hình ngân hàng hiện đại, ông Luke Knowles, Giám đốc Kinh doanh Khu vực Đông Nam Á, MobileIron cho rằng, việc các ngân hàng thay đổi về công nghệ là xu hướng tất yếu.

"Uber là hình thức dịch chuyển khách hàng từ điểm A đến B, trung gian là lái xe. Ứng dụng được hình thành trên nền tảng kinh doanh: Tìm kiếm khách hàng trên mạng xã hội, thiếp lập một nhóm taxi (có nhu cầu kiếm thêm tiền). Theo đó, người dùng sẽ trả tiền khi sử dụng dịch vụ.

Có thể nói, mô hình của Uber cũng như hệ thống của một ngân hàng số - hình tượng của ngân hàng phi truyền thống mà chúng ta đang hướng tới", Luke cho hay.

Theo Luke, nếu chạy theo mô hình như Uber, hay Alibaba, Apple Pay... cũng là mô hình ngân hàng phi truyền thống, các nhà băng không nhất thiết phải có nhiều nhân viên như hiện tại.

Bên cạnh đó, thay vì áp đặt khách hàng theo những quy định về cách sử dụng, sản phẩm theo cách làm cũ, các ngân hàng sẽ xây dựng mô hình mới dựa trên việc đáp ứng nhu cầu của người dùng - khách hàng. Việc này là trụ cột chính của việc tạo ra giá trị cốt lõi trong hoạt động lĩnh vực hiệu quả trong tương lai.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM