5 giải pháp cần thực hiện nhằm phát triển khu vực kinh tế hàng năm tạo ra 1 triệu việc làm, đóng góp hơn 43% GDP

28/06/2017 10:39 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo thống kể của TS.Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ngày càng đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nước ta.

Hiện khu vực này có tốc độ phát triển nhanh hơn các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế, chiếm tỉ trọng cao trong GDP cả nước. Theo ông Nam, năm 2002 chiếm 27%, năm 2010 chiếm 42,96%, thì đến năm 2015 chiếm 43,22% GDP cả nước.

KTTN đóng góp tới 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển. Khu vực này cũng thu hút khoảng gần 85% lực lượng lao động cả nước, hằng năm tạo ra khoảng 1 triệu việc làm, góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra đây cũng nguồn tạo việc làm mới cho những đối tượng bị giảm biên chế hoặc mất việc làm do quá trình tinh giản bộ máy hành chính, cổ phần hóa DN nhà nước hay dịch chuyển lao động từ khu vực nông thôn.

Cũng vì vậy, hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển KTTN, với mục tiêu phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, đưa KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng trong GDP.

Theo ông Nam, để Nghị quyết này đi vào cuộc sống có 5 điểm quan trọng cần lưu ý.

Thứ nhất, về thể chế chính sách, cơ quan Nhà nước các cấp theo thẩm quyền cần khẩn trương ban hành khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hỏa và củng cố định hướng chính sách khuyến khích phát triển KTTN. Theo ông thực tế hiện nay, vai trò của khu vực này chưa được công nhận như Nghị quyết, vẫn còn nhiều định kiến về KTTN, nhất là ở cấp cơ sở.

Bên cạnh đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm chính sách hỗ trợ KTTN như lãi suất, ưu đãi về thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng...; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và các giải pháp tài chính, tín dụng; thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết tích cực giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế. Khắc phục triệt để tình trạng các DN lớn chi phối, lấn át các DN nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội.

Thứ hai, thực hiện triệt để cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KTTN. Những cải cách cần nhanh chóng thực hiện như cơ chế "một cửa điện tử", thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính. Hay tập trung vào cải thiện việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; giảm thời gian, chi phí tuân thủ các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về chế độ sở hữu rõ ràng để góp phần ngăn ngừa xung đột trong xã hội, góp phần phân bổ nguồn lực hiệu quả. Theo TS Nam, khi pháp luật về sở hữu rõ ràng thì tự nó sẽ đặt ra một trật tự có giới hạn cho các quyền của các chủ thể trong xã hội được bảo đảm, theo đó các DN sẽ biết trân trọng sự hợp tác và gắn kết nhiều hơn. Từ đó tỉ lệ DN nói không với "chi phí ngầm" sẽ tăng và sự cạnh tranh lành mạnh sẽ thực sự trở thành động lực chính yếu giữa các DN, đó chính là thành tố cực kỳ quan trọng để tạo nên môi trường kinh doanh bền vững.

Thứ tư, về nguồn nhân lực, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị. Trong đó, chú trọng chất lượng, hiệu quả đào tạo; đào tạo có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đào tạo nhân lực cho khu vực KTTN trong một số ngành, lĩnh vực theo đặt hàng của DN. Các chương trình hướng nghiệp, giáo dục kinh doanh phải được giới thiệu và phổ biến ở bậc phổ thông.

Thứ năm, tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các DN, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị trong quá trình sản xuất, kinh doanh bằng cách công bố số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận và trả lời, giải đáp những vướng mắc kịp thời của DN ở các cấp, ngành.

PV

Cùng chuyên mục
XEM