5 điều cần biết về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

28/04/2018 08:07 AM | Xã hội

Các nhà đầu tư đang tỏ ra lo ngại về cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, khi cả hai bên đều đang đe dọa áp đặt thuế quan lên các sản phẩm từ hàng điện tử, máy bay cho tới rượu vang và thịt lợn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc bổ sung thêm 100 tỷ USD thuế quan lên các mặt hàng tới từ Trung Quốc vào mức 50 tỷ USD mà ông đã đề xuất hồi đầu năm nay. Mức thuế mới sẽ bù đắp được 20% giá trị nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc.

Đáp trả lại hành động của Mỹ, Trung Quốc lần đầu tiên công bố thuế quan trị giá 3 tỷ USD lên các sản phẩm của Mỹ, bao gồm các mặt hàng như rượu vang, thịt lợn và nhân sâm. Kể từ đó, quốc gia này đã tăng 25% mức thuế quan lên hơn 100 sản phẩm của Mỹ, từ ô tô cho đến đậu nành. Thuế quan lên đậu nành ảnh hưởng nặng nề lên nông dân Mỹ: đậu nành là sản phẩm xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ sang Trung Quốc, đạt 14 tỷ USD/năm.

Các nhà phân tích lo sợ rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể diễn ra. Dưới đây là 5 sự thật quan trọng nhất về xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tại sao Trump lại đề xuất các thuế quan lên sản phẩm của Trung Quốc?

Trump đã cáo buộc Trung Quốc có các hoạt động thương mại không công bằng, chẳng hạn như hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ, dù sau đó Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc này. Tuy nhiên, nhiều đối tác thương mại khác của Trung Quốc cũng phàn nàn rằng quốc gia này vi phạm quy định của WTO và tạo lợi thế không công bằng cho các công ty trong nước đối với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Ngoài ra, động thái này cũng là một phần trong lời hứa khi tranh cử của Trump nhằm đảm bảo các thỏa thuận tốt hơn cho Mỹ, và bảo vệ các ngành công nghiệp như sản xuất thép. Trump đã lập luận rằng Mỹ mất hàng tỷ USD về thương mại với hầu hết mọi quốc gia mà họ giao dịch cùng, và “các cuộc chiến thương mại là tốt và dễ dàng để giành chiến thắng”.

Theo chiều ngược lại, Trung Quốc nói rằng họ không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng không sợ tham gia vào một cuộc chiến như vậy.

5 điều cần biết về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Một số nhà phân tính ước tính rằng chiến tranh thương mại toàn diện giữa Mỹ - Trung có thể giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,5% thay vì mức dự kiến 3% vào năm 2019 trước đó. Tác động tiêu cực này còn rõ rệt hơn đối với tăng trưởng của chính 2 quốc gia tham gia vào cuộc chiến này.

Các nhà đầu tư đang lo lắng nguy cơ mà một cuộc chiến như vậy: thị trường tài chính sẽ khởi sắc khi căng thẳng giảm bớt, nhưng sẽ đi xuống khi căng thẳng leo thang.

Trong lịch sử, các cuộc chiến thương mại có chi phí kinh tế lớn. Vào những năm 1930s, nhiều quốc gia áp đặt thuế quan để bảo vệ nền kinh tế của họ. Kết quả là thảm họa đã xảy ra với thương mại toàn cầu khi các hoạt động thương mại giảm khoảng một nửa, góp phần vào tình trạng thất nghiệp hàng loạt và nghèo đói.

Đó hoàn toàn là viễn cảnh có thể xảy ra nếu chiến tranh thương mại toàn diện xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

5 điều cần biết về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Các công ty tư nhân sẽ bị chịu ảnh hưởng như thế nào?

Hiện một loạt các công ty đang lo ngại về chiến tranh thương mại. Các công ty Mỹ từ sản xuất ô tô đến bán lẻ đang kêu gọi hai nước cùng hợp tác để tìm ra một giải pháp. Nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ muốn tiếp tục bán cho thị trường Trung Quốc rộng lớn và nhập khẩu các sản phẩm giá rẻ của quốc gia châu Á. Ví dụ, Trung Quốc đã mua 11 tỷ USD xe cộ từ Mỹ, trong khi mặt hàng này xuất khẩu rất ít theo chiều ngược lại.

Hàng loạt các công ty công nghệ Mỹ đều bán và sản xuất tại Trung Quốc. Một mình công ty Apple đã tạo ra 20% tổng doanh thu của họ ở thị trường này. Các nhà bán lẻ lo rằng thuế quan lên các sản phẩm Trung Quốc sẽ làm tổn hại đến những người mua sắm ở Mỹ do giá của các hàng hóa cơ bản từ quần áo đến đồ điện tử tăng lên.

Các quyết định ăn miếng trả miếng có thể làm tổn thương nhiều ngành truyền thống như nông nghiệp. Những nông dân trồng đậu nành đã mất khoảng 1,72 tỷ USD trong một buổi sáng sau khi Trung Quốc thông báo về thuế quan lên mặt hàng này.

Các công ty Trung Quốc cũng bày tỏ hi vọng rằng một cuộc chiến thương mại sẽ không xảy ra, và những cáo buộc về hành vi cạnh tranh không công bằng là không có căn cứ.

Với tình hình chuỗi cung ứng toàn cầu hóa ngày nay, ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể vượt ra ngoài 2 quốc gia này. Ví dụ, các nhà sản xuất ô tô của Đức lo sợ rằng những chiếc xe sản xuất tại các công ty con của họ ở Trung Quốc và được bán ở Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan.

5 điều cần biết về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 3.

Ai là người hưởng lợi?

Các công ty sản xuất kim loại ở Mỹ hoan nghênh các thuế quan mới này. Họ phát biểu rằng họ sẽ tăng sản lượng để bù đắp cho lượng nhập khẩu đã bị mất đi. Các công nhân hi vọng động thái này sẽ hồi sinh ngành công nghiệp nặng này. Chủ tịch công đoàn của các công nhân sản xuất thép của Mỹ cho rằng thuế quan sẽ giúp tạo việc làm và bảo vệ một ngành cần thiết cho an ninh quốc gia.

Các công ty công nghệ Mỹ cũng có thể hưởng lợi nếu Trung Quốc thay đổi chính sách sở hữu trí tuệ do áp lực thương mại. Trung Quốc hiện đang yêu cầu các công ty công nghệ nước ngoài liên kết với các đối tác trong nước và chia sẻ tài sản trí tuệ của họ với các đối tác này.

Cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng có thể giúp một số bên thứ 3 hưởng lợi. Ví dụ, Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, chiếm 60% sản lượng toàn cầu. Khi đậu nành Mỹ trở nên đắt đỏ, các nước xuất khẩu khác như Brazil và Argentina có thể hưởng lợi. Tương tự, các công ty xuất khẩu thịt lợn như Đức cũng có thể trực tiếp hưởng lợi từ xung đột thương mại này.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Trung Quốc tuyên bố sẽ chiến đấu lại “bằng mọi giá” các động thái thương mại tiếp theo. Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng nếu Trump bãi bỏ thuế, họ cũng sẽ làm như vậy. Đây là kết quả mà thị trường tài chính hi vọng sẽ xảy ra. Một lý do quan trọng là vì Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, và có thể sử dụng điều này để tạo ra lợi thế cho họ nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM