4 tháng đầu năm, có thêm gần 29.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động

29/04/2016 13:39 PM | Kinh tế vĩ mô

Có tới gần 29.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 3.759 doanh nghiệp, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm tới 93,5%.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 25.135 doanh nghiệp, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, bao gồm 9.450 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 15.685 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Như vậy, tính chung, đã có 28.894 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động và tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng qua. Đây là một con số khá cao.

Bàn về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng "chết" nhiều, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Vũ Tiến Lộc cho hay, các chi phí chính thức và không chính thức như chi phí vận tải, phí công đoàn, thuế, tăng lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội và các loại tiền “lót tay” đang bào mòn sức sống của doanh nghiệp (Thời báo Kinh tế Sài Gòn).

Bên cạnh đó, theo ông Lộc, lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn ở mức gần 8%/năm là gấp 2-3 lần so với các mức lãi suất trong khu vực.

Về chi phí vốn, doanh nghiệp Việt Nam đang chịu cao hơn nhiều so với bất cứ nước nào.

Nguyên nhân là do nợ xấu chưa được xử lý tốt, các ngân hàng vẫn phải nâng mức dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, Chính phủ lại đang gấp rút huy động trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi. Các yếu tố như thế này làm lãi suất cho vay không thể xuống thấp được.

“Nhiều doanh nghiệp mới ra đời đã phải vay lãi suất cao như vậy. Điều này lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp chết”, ông Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 29/4 tại TP.HCM tới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp sẽ chia sẻ với Thủ tướng những vấn đề về môi trường kinh doanh như lãi suất quá cao, tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn...

“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang suy kiệt sau một thời gian dài gặp khó khăn. Vậy mà chúng ta chỉ còn ba năm để chuẩn bị cho hội nhập toàn diện với các hiệp định TPP và FTA với EU.

Vì vậy, thời gian ba năm trước mắt là cực kỳ quan trọng để nuôi dưỡng sức khỏe cho họ”, ông Lộc nói.

Dạ Nguyệt

Cùng chuyên mục
XEM