4 ông trùm sẽ quyết định Trung Quốc có còn là "công xưởng thế giới" hay không

04/10/2019 13:50 PM | Xã hội

30 năm trước, một số doanh nhân Đài Loan bắt đầu chuyển nhà máy sang đại lục, kích hoạt lên làn sóng dịch chuyển có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế toàn cầu, biến Trung Quốc trở thành nước sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu thế giới.

Ngày nay, 4 công ty Đài Loan gồm Foxconn , Inventec, Quanta Computer và Compal đóng góp khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu máy tính, điện thoại và các thiết bị liên quan của Trung Quốc sang Mỹ.

Tuy nhiên, đối mặt với tình trạng căng thẳng thương mại leo thang và thuế quan cao từ Mỹ, lãnh đạo của các công ty này đang xem xét lại cam kết của mình với đại lục. Mặc dù đó mới chỉ là ý định, giống như trong quá khứ làn sóng này sẽ tiếp tục gây ra ảnh hưởng to lớn vì các nhà máy đã rời đi sẽ không thể quay trở lại ít nhất là trong ngắn hạn.

Dưới đây là 4 người đàn ông "chịu trách nhiệm" về làn sóng dịch chuyển 3 thập kỷ trước. Họ sẽ đóng vai trò quyết định đối với câu hỏi liệu Trung Quốc có thể giữ được vai trò công xưởng thế giới trong bao lâu nữa.

Terry Gou, 68 tuổi, nhà sáng lập của Foxconn Technology Group

 4 ông trùm sẽ quyết định Trung Quốc có còn là công xưởng thế giới hay không  - Ảnh 1.

Các sản phẩm chính: iPhone của Apple, máy đọc sách Kindle của Amazon, điện thoại Pixel của Google

Dấu hiệu: Mở rộng hoạt động sản xuất các mẫu iPhone cũ ở Ấn Độ, xây nhà máy mới ở Wisconsin, Mỹ

Gou khởi nghiệp với việc làm nút bấm cho tivi đen trắng, sau đó làm bộ nối cho nhà sản xuất tay chơi game Atari và cuối cùng là mọi linh kiện điện tử. Ngày nay, Foxconn là nhà thầu điện tử lớn nhất thế giới, với các cơ sở ở hơn 30 thành phố tại Trung Quốc và 14 quốc gia khác.

Vừa qua Guo từ bỏ chức Chủ tịch Foxconn để tranh cử vào vị trí người đứng đầu đảo Đài Loan nhưng đã thất bại. Những người trong công ty cho biết ông vẫn là người có tiếng nói lớn nhất và đưa ra phần lớn quyết định của Foxconn.

Mặc dù công ty đối mặt với những chỉ trích về cách đối xử với các công nhân nhà máy, mới đây Guo đã tăng lương cho họ và nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc. Nhà máy ở Wisconsin từng được Tổng thống Trump ca ngợi vẫn chưa mở cửa, nhưng công ty cho biết sẽ sản xuất các linh kiện máy chủ và thiết bị màn hình ở đó.

Yek Kuo-I, 78 tuổi, nhà sáng lập, thành viên hội đồng quản trị của Inventec Corp

 4 ông trùm sẽ quyết định Trung Quốc có còn là công xưởng thế giới hay không  - Ảnh 2.

Sản phẩm chính: laptop HP, tai nghe AirPods của Apple, máy chủ cho Google

Dấu hiệu: Có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất laptop cho thị trường Mỹ về Đài Loan vào tháng 12

Yeh là người hậu thuẫn mạnh của các công ty công nghệ Đài Loan và hoạt động đầu tư của ông trải dài sang cả bất động sản và hoa lan. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, 1 lãnh đạo của Inventec nói rằng Yeh đã đề xuất chuyển 1 cơ sở trồng hoa lan ở Việt Nam thành nhà máy điện tử để tránh thuế quan của Mỹ. Mặc dù đề xuất này nghe có vẻ giống 1 lời nói đùa, Inventec đã chuyển hoạt động sản xuất các thiết bị cỡ nhỏ sang Malaysia và tuyên bố sẽ chuyển mảng laptop về Đài Loan.

Barry Lam, 70 tuổi, nhà sáng lập, chủ tịch của Quanta Computer

 4 ông trùm sẽ quyết định Trung Quốc có còn là công xưởng thế giới hay không  - Ảnh 3.

Các sản phẩm chính: MacBook, Apple Watch, máy chủ của Amazon và Google

Dấu hiệu: Mở rộng cơ sở ở Đài Loan và tìm kiếm các địa điểm khác ở châu Á

Lam sinh ra ở Thượng Hải nhưng gia đình ông đã chuyển sang Hong Kong và ông học tập ở Đài Loan. Mặc dù bị chuẩn đoán mắc ung thư phổi cách đây hơn chục năm, ông vẫn là gương mặt của Quanta. Lam miêu tả công ty là một "con rùa" nhẫn nại và kiên định nhưng sẽ sẵn sàng tăng tốc khi cần thiết.

Ông đã mua lại 1 nhà máy ngay cạnh nhà máy ở Đào Viên của Quanta và dự định sẽ sản xuất các sản phẩm cao cấp ở đây. Ông cũng đang tìm kiếm những địa điểm ở Đông Nam Á và mở rộng mảng trung tâm dữ liệu đã hoạt động ở Mỹ được 7 năm nay.

Ray Chen, 70 tuổi, Phó chủ tịch của Compal Electronics

 4 ông trùm sẽ quyết định Trung Quốc có còn là công xưởng thế giới hay không  - Ảnh 4.

Các sản phẩm chính: laptop Dell và HP

Dấu hiệu: Tăng sản lượng sản xuất notebook ở Đài Loan và xem xét tăng đầu tư vào Việt Nam

Chen có những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn với đại lục. Năm 2018, Lenovo trả cho Compal 257 triệu USD để rút khỏi liên doanh mà 2 bên thành lập từ năm 2011. Nhưng 1 năm trước, Compal đã mất hơn 130 triệu USD khi thương hiệu điện thoại LeEco của Trung Quốc không thể thanh toán nợ.

Hiện Compal đang muốn quay trở về Đài Loan với 1 nhà máy mới ở Đào Viên và dự định mở rộng 1 nhà máy ở gần đó. Sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế, Compal bắt đầu sản xuất thiết bị kết nối mạng ở Việt Nam và cho biết sẽ mở rộng danh mục thiết bị được sản xuất tại đây.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM