4 doanh nhân Việt Nam được vinh danh Top 40 cá nhân đóng góp nhiều nhất cho ngành TMĐT Đông Nam Á 2016

22/12/2016 16:48 PM | Công nghệ

Vinh dự góp mặt trong SPARK 40 lần này, có tới 4 doanh nhân Việt Nam, cũng chính là các CEO, nhà sáng lập của OnOnPay, MoMo, Sendo và Tiki.vn.

Mới đây, CommerceIQ đã công bố trang vàng SPARK 40 - là nơi vinh danh các chuyên gia, cá nhân xuất sắc đóng góp nhiều nhất cho ngành TMĐT tại Đông Nam Á trong năm 2016.

Đóng góp của các chuyên gia, cá nhân xuất sắc này không chỉ đơn thuần là kinh phí, mà còn là các đường lối, giải pháp, nhằm xóa bỏ rào cản trong ngành TMĐT nói chung.

Vinh dự góp mặt trong SPARK 40 lần này, có tới 4 doanh nhân Việt Nam, cũng chính là các CEO, nhà sáng lập của các công ty TMĐT Việt Nam có tên tuổi.

#4. Ông Bùi Sỹ Phong - CEO và là nhà sáng lập OnOnPay


Ông Bùi Sỹ Phong - CEO và là nhà sáng lập OnOnPay

Ông Bùi Sỹ Phong - CEO và là nhà sáng lập OnOnPay

Startup nạp tiền trên di động OnOnPay của ông Bùi Sỹ Phong là cứu cánh cho 70% người dân ở Việt Nam - chủ yếu là đối tượng không có tài khoản ngân hàng, và chủ yếu là các thuê bao di động trả trước.

OnOnPay đóng vai trò như một chiếc ví di động, cho phép người dùng nạp tiền điện thoại trả trước của họ và nhận được đặc quyền như: thêm khuyến mãi, phiếu quà tặng và giảm giá từ các đối tác như Uber, Grab...

Theo ông Phong, trong khi các hình thức thanh toán truyền thống phải mất tới 6 phút cho một lần nạp thẻ, OnOnPay chỉ mất chưa đầy 10 giây.

Trong năm nay, OnOnPay cũng gọi vốn được 800.000 USD từ Gobi Partners để mở rộng tập người dùng, cũng như cải thiện chất lượng dịch vụ.

"Càng thuận tiện, dịch vụ của tôi càng gây nghiện", ông Bùi Sỹ Phong từ chia sẻ trên TechInAsia.

#7. Ông Phạm Thành Đức - CEO M-Service, MoMo


Ông Phạm Thành Đức - CEO M-Service, MoMo

Ông Phạm Thành Đức - CEO M-Service, MoMo

Là CEO của M-Service, ông Đức đã thành lập startup MoMo - hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, và hiện là một trong những nền tảng ví điện tử hàng đầu của Việt Nam.

Năm vừa qua, công ty của ông Đức đã nhận được khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD từ Standard Chartered và Goldman Sachs, nhằm phát triển hệ thống giao dịch, thanh toán hóa đơn cho 2,5 triệu khách hàng.

Ông Đức từ chia sẻ trên TechCrunch: "Xa hơn ư, tôi không biết nữa? Nếu MoMo thành công tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tính đến các thị trường khác, như Myanmar chẳng hạn".

#16. Ông Trần Hải Linh - CEO Sendo


Ông Trần Hải Linh - CEO Sendo

Ông Trần Hải Linh - CEO Sendo

Trong năm nay, FPT và đơn vị thành viên Sendo.vn đã ra mắt V- FPT, một nền tảng ví điện tử hướng đến các giao dịch điện tử và hóa đơn dịch vụ hàng tháng.

Với việc thêm vào tính năng thanh toán, nhà điều hành của V-FPT dự đoán giao dịch thanh toán online của Sendo sẽ tăng 30 - 40% mỗi năm, so với mức 5% trong năm 2015.

Sendo.vn hiện tại đã đạt mốc 8 triệu lượt truy cập và luôn đứng trong top 5 ứng dụng mua sắm trên nền tảng Android và iOS.

"Các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh là kinh nghiệm, vốn và công nghệ. Trong khi chúng tôi hiểu văn hóa người dùng, hiểu thị trường và linh hoạt hơn", ông Trần Hải Linh từng chia sẻ trên Cafebiz.

#37. Ông Trần Ngọc Thái Sơn - CEO Tiki


Ông Trần Ngọc Thái Sơn - CEO Tiki

Ông Trần Ngọc Thái Sơn - CEO Tiki

Từ "nhà sách online", hiện tại trang TMĐT Tiki.vn đã phát triển với khoảng 300.000 loại mặt hàng.

Đầu năm nay, công ty cổ phần VNG đã mua 3,7 triệu cổ phiếu tương đương 38% cổ phần của Tiki với giá 384 tỷ đồng.

Khi được hỏi: "Tiki có hướng tới trở thành Amazon của Việt Nam", CEO này đã đáp lại: "Không, chúng tôi là Tiki của thế giới".

"Các quốc gia đang phát triển với dân cư đông đúc đang tạo ra rất nhiều cơ hội, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, và cả Việt Nam. Chỉ cần chăm chỉ lượm bạc cắc thôi, bạn cũng đủ giàu rồi", CEO Trần Ngọc Thái Sơn từng chia sẻ trên Tech.co.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM