30 ngày của Donald Trump: 8 sự kiện gây sốc, 5 lần chơi golf, tiêu 11 triệu USD

20/02/2017 09:10 AM | Xã hội

Dù mới trải qua 30 ngày kể từ khi đọc lời tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, song ông Donald Trump đã kịp ghi “dấu ấn” với một loạt chính sách gây tranh cãi cùng những hoạt động không giống bất kỳ lãnh đạo Nhà Trắng nào trước đó.

Trong suốt quá trình tranh cử, tỷ phú Donald Trump đã luôn là trung tâm của “búa rìu” dư luận và truyền thông. Ngay cả khi ông bất ngờ giành chiến thắng và chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, cuộc chiến giữa ông và báo chí dường như càng thêm khốc liệt. Ông chủ Nhà Trắng coi truyền thông là kẻ thù của nước Mỹ, chỉ đích danh những hãng tin gian dối, và các báo càng được thể đua nhau khai thác mọi khía cạnh của vị chỉ huy “lắm tài nhiều tật” này.

Dưới đây là tổng hợp những hoạt động nổi bật của ông Trump trong một tháng thông qua những con số:

8 sự kiện “chấn động”

Ngay khi nhậm chức, chính quyền Donald Trump đã ban hành một loạt chính sách mới và cũng vấp phải không ít khó khăn. Mới đây nhất phải kể đến sự kiện cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đột ngột từ chức sau 3 tuần giữ cương vị mới. Việc ông Flynn liên hệ với Đại sứ Nga trước khi bổ nhiệm và không báo cáo thành khẩn với lãnh đạo Nhà Trắng không chỉ khiến ông mất đi vị trí quan trọng trong chính quyền mới mà còn làm dấy lên một làn sóng nghi ngờ mối quan hệ “mờ ám” giữa ông Trump và Moscow.

Nội các của tân Tổng thống tiếp tục hứng chịu tổn thất thứ hai khi ứng viên Bộ trưởng Lao động Andrew Puzder cũng xin rút lui vì không nhận được sự ủng hộ của Thượng viện. Sự việc thứ ba khiến ông Trump “mất điểm” là đón tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida. Bức ảnh do một vị khách trong bữa tiệc giữa ông Trump và ông Abe đưa lên trang Facebook cho thấy hai nhà lãnh đạo đang thảo luận và xem xét tài liệu vào thời điểm Triều Tiên vừa phóng thử tên lửa. Điều này đã khiến nhiều người lo ngại về an ninh quốc gia khi cuộc gặp giữa các nguyên thủ có thể dễ dàng bị rò rỉ như vậy.

Thứ tư không thể không nhắc đến sắc lệnh hạn chế nhập cư đối với cư dân 7 quốc gia Hồi giáo và toàn bộ người tị nạn của chính quyền Donald Trump, được ban hành 7 ngày sau khi nhậm chức. Mệnh lệnh hành chính này đã tạo ra một sự hỗn loạn “không hề nhẹ” trong lòng nước Mỹ và trên toàn thế giới. Dù đã bị tòa án liên bang ra phán quyết tạm ngừng thi hành, song ông Trump vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách của mình khi chuẩn bị ban bố một sắc lệnh mới trong tuần này.

Tổng thống Trump dùng bữa cùng Thủ tướng Nhật Bản tại Mar-a-Lago. Nguồn: AP
Tổng thống Trump dùng bữa cùng Thủ tướng Nhật Bản tại Mar-a-Lago. Nguồn: AP

Thứ năm là những tranh cãi xung quanh ứng viên Chánh án Tòa án tối cao mà ông Trump đề cử khi tân Tổng thống liên tiếp chỉ trích các thẩm phán và hệ thống tòa án của Mỹ. Thứ sáu là việc trợ lý cấp cao Kellyanne Conway công khai đề nghị người dân Mỹ sử dụng sản phẩm đồ trang sức và thương hiệu thời trang của con gái ông Trump, Ivanka. Hành động thiếu khôn ngoan của trợ lý Tổng thống đã nhận không ít chỉ trích từ cả hai đảng vì cho rằng bà đã vi phạm những quy tắc đạo đức.

Cuối cùng, không thể không kể đến những chính sách đối ngoại khó đoán của tân Tổng thống. Tổng thống Mexico đã hủy kế hoạch thăm chính thức Nhà Trắng vào tuần thứ hai sau khi ông Trump nhậm chức vì ông Trump đã viết trên Twitter rằng Mexico nên hủy cuộc gặp nếu chưa chuẩn bị để trả tiền xây tường biên giới.

Và thứ 8 là cuộc điện đàm không mấy vui vẻ giữa ông Trump và Thủ tướng Australia. Lãnh đạo Hoa Kỳ đã kết thúc cuộc gọi một cách cộc lốc và cho rằng điện đàm với ông Malcolm Turnbull là “cuộc gọi tồi tệ nhất” với một nguyên thủ nước ngoài.

Tỷ lệ ủng hộ thấp nhất lịch sử

NBC News dẫn cuộc thăm dò do hãng nghiên cứu dư luận Gallup tiến hành cho thấy tỷ lệ những người ủng hộ công việc Tổng thống Donald Trump đang làm là 40%, thấp hơn 21 điểm phần trăm so với tỷ lệ trung bình của các Tổng thống Mỹ là 61% cùng thời điểm tròn 1 tháng cầm quyền.

Trước Tổng thống Trump, cựu Tổng thống Bill Clinton là người giữ kỷ lục về tỷ lệ ủng hộ thấp sau một tháng đầu tiên, với 51% người được hỏi ủng hộ công việc ông đang làm. Như vậy, tỷ lệ ủng hộ ông Trump đã “phá kỷ lục” của ông Bill Clinton với khoảng cách 11 điểm phần trăm.

Bốn tuần làm Tổng thống, 5 lần đi đánh golf

Trước đây, Donald Trump thường xuyên phàn nàn về những chuyến đi đánh golf của người tiền nhiệm, thế nhưng chính ông vừa mới trở về từ chuyến đi chơi golf thứ 5 chỉ trong vòng 4 tuần lên nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Chỉ hai tuần sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, ông Trump đã đi chơi golf, trong khi ông Obama và George Bush lần đầu đi đánh golf trên cương vị mới là khoảng 4 đến 5 tháng sau khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên.

Ông Trump đánh golf cùng ông Abe. Nguồn: Twitter
Ông Trump đánh golf cùng ông Abe. Nguồn: Twitter

Theo Independent, kể từ ngày 20/1 đến nay, ông Trump đã tới câu lạc bộ đánh golf 5 lần và thậm chí còn rủ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới sân golf của ông ở Florida. Tập đoàn của ông Trump sở hữu rất nhiều sân golf trên khắp thế giới và không có gì ngạc nhiên khi ông sẽ tiếp tục thói quen này trong vòng 4 hoặc 8 năm tới.

Tuy nhiên, điều đáng nói là ông Trump thường xuyên chỉ trích ông Obama, mới đây nhất là vào tháng 1/2015 vì “trốn” khỏi Nhà Trắng để đi chơi thể thao. “Có thể tin nổi không, với tất cả những vấn đề và khó khăn mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt thì Tổng thống Obama lại dành cả một ngày để chơi golf. Tồi tệ hơn cả Carter”, ông viết trên Twitter hồi tháng 10/2014.

Chi tiêu 1 tháng của Trump bằng 1 năm của Obama

Theo tờ Independent, kể từ khi nhậm chức Tổng thống, ba chuyến đi của ông Trump tới câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Florida cùng những chuyến làm ăn của con trai ông, cậu cả Eric Trump, đã tốn tới 11,3 triệu USD. Trong khi đó, tổ chức giám sát Judicial Watch ước tính chi phí đi lại cho ông Obama trung bình mỗi năm trong suốt 8 năm nhiệm kỳ tại Nhà Trắng chỉ hết 12,1 triệu USD.

Dựa trên số liệu từng được sử dụng trong một báo cáo của chính phủ hồi tháng 10 năm ngoái về các chuyến đi của Nhà Trắng, Judicial Watch tính toán riêng ba chuyến bay tới Mar-a-Lago ở Palm Beach đã tốn của ngân sách liên bang khoảng 10 triệu USD.

Chi phí bảo vệ cho Tổng thống mỗi khi di chuyển đến Florida là không hề nhỏ. Nguồn: Palm Beach Post
Chi phí bảo vệ cho Tổng thống mỗi khi di chuyển đến Florida là không hề nhỏ. Nguồn: Palm Beach Post

Ngoài ra, Nhà Trắng còn phải chi 88.320 USD để cắm mật vụ tại một khách sạn nơi Eric Trump nghỉ tại Uruguay, khi ông tới đó nhằm quảng bá cho một toà tháp mang thương hiệu Trump. Hay như khi ông Eric nghỉ tại khách sạn Al Sol Del Mar ở Cộng hoà Dominicana, chi phí cho mật vụ là 5.470 USD. Còn chi phí mật vụ cho chuyến đi của hai con trai ông Trump tới dự lễ khai trương khu nghỉ dưỡng golf thương hiệu Trump ở Dubai thì tốn hơn 16.000 USD.

Đáng nói là nhà lãnh đạo 70 tuổi của nước Mỹ trước đây từng nhiều lần chỉ trích người tiền nhiệm Obama về những chuyến đi tốn kém tiền thuế. Tháng 1/2012, ông Trump từng đăng dòng tweet: “Chuyến đi nghỉ của Tổng thống Barack Obama tốn của người đóng thuế hàng triệu USD. Thật không thể tin được!”.

Theo Tuệ Minh

Cùng chuyên mục
XEM