3 trụ cột chính trong kế hoạch vực dậy nền kinh tế Mỹ của Tổng thống Trump

13/03/2018 15:30 PM | Xã hội

Dù khá hấp dẫn trong ngắn hạn, nhưng chính sách kích thích kinh tế gồm 3 trụ cột cải cách thuế, phát triển cơ sở hạ tầng và giảm thiểu luật lệ lại chứa nhiều nguy cơ dài hạn.

10 năm sau khủng hoảng tài chính, theo nhiều số liệu, từ dự đoán tăng trưởng GDP đến tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát khá ổn định, chính quyền Trump dường như đang kích thích nước Mỹ khôi phục lại mức tăng trưởng vững chắc.

Tuy nhiên, dù khá hấp dẫn trong ngắn hạn, nhưng chính sách kích thích kinh tế gồm 3 trụ cột cải cách thuế, phát triển cơ sở hạ tầng và giảm thiểu luật lệ lại chứa nhiều nguy cơ dài hạn. Cả ba vấn đề này đều không giúp mở ra một con đường phát triển bền vững vững chắc. Thay vào đó, chúng có tính rủi ro cao.

Ví dụ, có thể hi vọng rằng với chính sách cắt giảm thuế, các hộ gia đình sẽ tăng chi tiêu, và đổi lại giúp kích cầu và kích thích tăng trưởng kinh tế . Trên thực tế, các doanh nghiệp lớn như Apple và Walmart cho biết họ sẽ tăng lương cho nhân viên sau khi chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học David Ricardo, kịch bản đối nghịch có thể sẽ xảy ra: các hộ gia đình nhận thấy mình có liên kết chặt chẽ với các thế hệ tương lai và quan tâm tới vận mệnh kinh tế của con em họ. Vì vậy, thay vì tăng chi tiêu, họ sẽ tiết kiệm khi nhận ra rằng trong tương lai, chính phủ sẽ phải bù lại khoản cắt giảm hiện nay bằng cách tăng thuế nhằm cân bằng ngân sách.

Nếu các gia đình quyết định tiết kiệm thay vì chi tiêu, thì tác động kích thích tăng trưởng của chính sách giảm thuế sẽ mất đi. Trong trường hợp tệ nhất, tiết kiệm hàng loạt có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng.

Hơn thế nữa, trong báo cáo vào tháng 3/2017, ngay trước khi cải cách thuế được hoàn thiện, Văn phòng Ngân sách Quốc hội đã cảnh báo về tình trạng nợ và thâm hụt tăng cao của chính phủ: "Tương lai của tình trạng nợ lớn và ngày càng tăng như vậy tạo ra nhiều nguy cơ lớn cho quốc gia."

Thứ hai, chính quyền Trump đã cam kết đầu tư 1,5 nghìn tỉ USD cho cơ sở hạ tầng. Báo cáo của American Civil Engineers cho cơ sở hạ tầng của nước Mỹ điểm D+. Điều này cho thấy trong nhiều năm, cơ sở hạ tầng tại đây không được đầu tư đúng mức. Các cơ sở hạ tầng vật lý, bao gồm đường xá, cầu cống và sân bay, hoạt động tốt là điều kiện tiên quyết đảm bảo hoạt động của nền kinh tế.

Tuy vậy, người Mỹ cũng cần học hỏi từ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn và cam kết hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Nhật Bản đã đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng lại không đạt được nhiều hiệu quả. Theo một số dự tính, đất nước mặt trời mọc đã đầu tư hơn 6 nghìn tỉ USD để xây cầu, đường cao tốc, sân bay, tàu hoả và đường xá từ năm 1991 tới 2008. Mặc dù động thái đáng chú ý này có tạo ra thêm nhiều việc làm mới, nhưng nhiều nhà kinh tế học cho rằng tăng trưởng không thể bù lại khoản nợ tăng cao khi đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng có tác động khá rõ rệt đối với kích thích tăng trưởng, bởi nó tạo ra việc làm cho tầng lớp công nhân tay nghề thấp, tăng thu nhập và chi tiêu. Cơ sở hạ tầng vững chắc cũng là nền tảng cho hoạt động mua bán và thương mại.

Nếu có thể rút ra bài học từ kinh nghiệm của Nhật Bản về tương tác giữa cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, thì loại hình đầu tư vốn có vai trò đặc biệt quan trọng. Đầu tư vào các mạng lưới số mới có thể giúp tăng trưởng nhiều hơn so với xây cầu hay đường xá. Hiện nay, các tuyên bố của chính quyền Trump đều tập trung vào cơ sở hạ tầng truyền thống; và, ngoại trừ một cái gật đầu đồng thuận về tầm quan trọng của băng thông rộng tại khu vực nông thôn, khoản đầu tư cho các dự án số vẫn chưa rõ ràng.

Cuối cùng, ông Trump nhấn mạnh rằng kế hoạch giảm thiểu luật lệ cũng quan trọng tương đương cải cách thuế trong việc tái thiết lập triển vọng tăng trưởng của nước Mỹ và hồi sinh nền kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, giảm thiểu quy định chưa chắc sẽ giúp tăng trưởng về lâu dài. Ví dụ, giảm thiểu quy định bảo vệ môi trường có thể giúp giảm bớt chi phí sản xuất hiện tại, nhưng chi phí thực sự lại bị che lấp. Những chi phí này sẽ tạo áp lực trong tương lai, và do đó, sẽ khiến tăng trưởng trì trệ. Hơn thế nữa, các quy định có thể hỗ trợ kinh doanh. Ví dụ, các quy tắc cạnh tranh có thể nâng tầm môi trường cạnh tranh thông qua loại bỏ các hành vi bất hợp pháp và các cấu trúc độc quyền – những yếu tố hạn chế tăng trưởng.

Phủ nhận hiệu quả tăng trưởng của chính sách hỗn hợp này là không đúng; tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng cho thấy đây là "liều thuốc tiên" cho tình trạng tăng trưởng chậm. Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro về cấu trúc có khả năng phá hoại tăng trưởng dài hạn, bao gồm tình trạng thất nghiệp, tay nghề thấp và năng suất giảm. Những yếu tố trên tác động tiêu cực tới một thế giới đang số hoá nhanh chóng. Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải khéo léo hơn so với việc chỉ dùng những đòn bẩy truyền thống.

Theo Quỳnh Mai

Cùng chuyên mục
XEM