3 phút để hiểu về 'quyền im lặng' mà hoa hậu Phương Nga sử dụng trong những phiên xét xử gần đây

28/06/2017 08:30 AM | Xã hội

"Quyền im lặng được bị cáo Phương Nga sử dụng mới tròn độ tuổi 'thôi nôi' kể từ khi có hiệu lực."

Những ngày gần đây, phiên xét xử lần 2 vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trị giá 16,5 tỷ đồng liên quan đến Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) là một chủ đề nóng trên mặt báo.

Điểm nhấn trong lần xét xử này là việc bị cáo Phương Nga đã quyết định sử dụng "quyền im lặng". Dù tòa giải thích rằng nếu bị cáo từ chối việc bào chữa cho chính mình thì cũng là một cách tự gây thiệt hại, tuy nhiên Phương Nga đã vẫn kiên quyết sử dụng quyền này.

Có hiệu lực đã được gần 1 năm nay nhưng chỉ tới khi có vụ án đình đám của Phương Nga, với việc bị cáo của vụ án sử dụng một cách thành thục, thì quyền im lặng trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 mới được mang ra bàn tán rộng rãi trong dư luận.

Theo chia sẻ của nhà báo Hoàng Linh trên Vnexpress, trong các phiên tòa trước đây, nếu bị can từ chối khai báo tại cơ quan điều tra hoặc bị cáo từ chối khai báo tại tòa thì họ có thể bị khởi tố bổ sung tội khai báo gian dối hay che giấu tội phạm. Nói cách khác, im lặng có thể là một tình tiết tăng nặng tội phạm.

Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự mới nhất bản năm 2015 đã thay đổi điều này khi quyền im lặng đã được đưa vào.

Hiểu một cách đơn giản thì giờ đây, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đã có quyền tự chủ về việc khai báo. Những gì bất lợi - họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Đồng thời, họ cũng không buộc phải dùng lời nói để chứng minh mình vô tội – một việc sẽ được thực hiện bởi cơ quan điều tra.

Điểm mới của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015

Trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015, đáng chú ý nhất chính là quy định về “quyền im lặng" của bị can, bị cáo xuyên suốt từ khi bị bắt, bị khởi tố cho đến khi bị xét xử.

Cụ thể, các điều luật này bao gồm:

- Điểm d khoản 1 điều 58 quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận có tội.

Điều 58. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt

1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền:

......

d) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

- Tiếp đến, khoản 2 của điều 59/60/61 cũng quy định người bị tạm giữ/bị can/bị cáo có quyền: Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

Trong vụ án của hoa hậu Phương Nga, bị cáo đã chọn 'quyền im lặng' khi được tòa và cơ quan kiểm sát hỏi tại phiên tòa do lo lắng rằng mình sẽ đưa ra những lời khai có thể chống lại chính mình.

Tuy nhiên, các luật sư cũng khuyến cáo rằng việc im lặng này có thể gây bất lợi bởi làm mất đi cơ hội để Hội đồng xét xử hiểu và làm rõ những sai phạm trong quá trình lấy lời khai của cơ quan điều tra nếu có.

Quay trở lại với 'quyền im lặng' thì điểm mới này không chỉ được thấy trong các khoản của 4 điều luật nói trên. Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 đã có hẳn một điều luật, dù không trực tiếp đề cập, nhưng đã hàm chứa và thể hiện sự tôn trọng rất cao đối với quyền được im lặng của người bị tạm giữ, bị can hay bị cáo.

Đó là điều luật số 15, khi đã chỉ rõ "trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng". Đồng thời, "người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội" - Điều 15 quy định.

Điều 15. Xác định sự thật của vụ án

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Theo quan điểm của nhà báo Hoàng Linh, nếu quyền im lặng này được các người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hiểu và áp dụng tốt, thì kịch bản oan sai khi cơ quan tố tụng thường sử dụng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo để buộc tội họ khi không có các chứng cứ khách quan khác sẽ được hạn chế.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM