3 kịch bản kinh tế Việt Nam khi TPP đảo chiều

05/12/2016 09:43 AM | Kinh tế vĩ mô

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, nếu trong trường hợp xấu “TPP giải tán”, nhận diện theo hướng tích cực thì rõ ràng Việt Nam còn nhiều hiệp định thương mại tự do khác.

Bên lề Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2017, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã có những chia sẻ về tác động của tình hình TPP đối với kinh tế Việt Nam.

3 kịch bản kinh tế Việt Nam khi TPP đảo chiều

Trong khi rất nhiều ý kiến hoang mang về tính khả thi của Hiệp định được Việt Nam kỳ vọng nhất TPP, ông Lực cho biết, có 3 kịch bản và Chính phủ đang làm theo tính toán này.

Theo đó, kịch bản thứ nhất là Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản có thể đảm nhận vai trò thủ lĩnh dẫn dắt TPP.

Trường hợp này sẽ ảnh hưởng khá lớn đối với xuất khẩu, thương mại, đầu tư của Việt Nam bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm tới 20% và tăng trưởng tích cực trong thời gian vừa qua. Hiện nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này cũng khá lớn. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đáng đứng thứ 8 về đầu tư ngoài nước vào Việt Nam với mức 12 – 13 tỷ USD.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực.

Kịch bản thứ 2 là Mỹ vẫn duy trì trong TPP nhưng có đàm phán thêm, đàm phán lại một số điều khoản của hiệp định. Điều này sẽ làm chậm tiến độ nhưng sáng hơn khi tác động đến đầu tư, thương mại không quá lớn.

Cuối cùng là Mỹ sẽ rút khỏi TPP. Theo đó, các nước trong TPP giải tán, không đàm phán TPP nữa. Đây là kịch bản xấu nhất, ảnh hưởng tiểu cực đến cả thương mại, đầu tư và các uy tín quốc tế của các nước tham gia trong TPP.

Liệu Donald Trump có tác động được gã khổng lồ Apple, Amazon,…?

Nhiều lo ngại cho rằng, Tổng thống vừa đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ triệu hồi các công ty của Mỹ về lại quê hương, đặc biệt là công nghệ. Đây sẽ là dấu hiệu buồn cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt về nguồn vốn FDI.

Chia sẻ với báo chí, TS Cấn Văn Lực cho rằng, không cần quá lo lắng về vấn đề này bởi nếu Tổng thống mới đắc cử ở Mỹ có triệu hồi cũng cần phải suy xét thật kỹ và cần cả một quá trình.

Ông Lực đưa ra ví dụ, nếu Donald Trump yêu cầu hãng sản xuất điện thoại iPhone chuyển cơ sở kinh doanh của mình từ nước ngoài về Mỹ, lập tức chi phí của họ mỗi năm tăng lên là 4,6 – 4,7 tỷ USD. Dĩ nhiên DN không muốn điều đó xảy ra.

“Ngay cả khi Tổng thống Mỹ có dùng chiêu giảm thuế để kêu gọi DN về Mỹ cũng không phải là biện pháp bền vững”, ông Lực phân tích.

Ông Lực phân tích, khi DN Mỹ trở về quê hương, giá cuối cùng của chiếc iPhone sẽ tăng lên vì chi phí tăng. Nếu giá tăng lên, người tiêu dùng trong đó có cả người tiêu dùng Mỹ sẽ bị tác động. Do đó, Tổng thống mới của Mỹ sẽ phải cân nhắc tính toán nhiều chiều và không thể quyết định ngay được.

Do đó, Việt Nam vẫn tin tưởng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn duy trì ở mức đúng thứ 7 – 8.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu trong trường hợp xấu “TPP giải tán”, nhận diện theo hướng tích cực thì rõ ràng Việt Nam còn nhiều hiệp định thương mại tự do khác. Trong đó, hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng yêu cầu về mặt thể chế không kém và đóng vai trò thúc đẩy cải cách tương tự TPP.

Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Chi Lan trong một bài viết gần đây cũng cho biết về hội nhập quốc tế TPP là quan trọng nhất nhưng không phải là kênh hội nhập duy nhất. Ngoài TPP, chúng ta còn có FTA với EU, với liên minh kinh tế Á-Âu, có AEC và ASEAN+6 và một số hiệp định FTA khác đã ký hoặc đang đàm phán. Những hiệp định này bao gồm hầu như tất cả các đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam. Riêng Mỹ, Việt Nam vẫn có BTA và hiệp định BTA+ được ký trước khi Việt Nam tham gia WTO làm nền tảng quan hệ kinh tế giữa hai bên.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM