3 điều mọi người đang đi làm cần phải biết để không hối tiếc ở tuổi về hưu

07/09/2017 08:42 AM | Sống

Trước khi nghỉ hưu từ 5 tới 10 năm, bạn nên suy nghĩ thật kỹ về cuộc sống mình mong muốn khi không còn làm việc nữa, soạn sẵn cho mình một “cương lĩnh” về lối sống và sẵn sàng khi thời khắc điểm.

Julie Virta, một blogger chuyên nghiệp và cũng là một nhà tư vấn tài chính đã tiến hành khảo sát trên một nhóm những người đã nghỉ hưu và sẽ sớm nghỉ hưu để tìm hiểu xem họ đã chuẩn bị những gì cho kế hoạch hưu trí của mình. Cô cũng đặc biệt quan tâm tới những chia sẻ của họ về những điều mà họ mong muốn và sẽ làm khác đi nếu được quay ngược thời gian.

Mục đích của việc làm này nhằm giúp những người còn đang trong độ tuổi lao động có cái nhìn rõ hơn về việc nghỉ hưu. Dưới đây là 3 lời khuyên của những người đi trước, mà bạn có thể áp dụng ngay vào cuộc sống của mình.

1. Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát: Tiết kiệm và đầu tư

3 điều mọi người đang đi làm cần phải biết để không hối tiếc ở tuổi về hưu - Ảnh 1.

Việc lên một kế hoạch dài hơi như “ hưu trí ” rất dễ khiến bạn cảm thấy “choáng váng”. Nhưng thật ra bạn chưa cần phải nghĩ quá xa như vậy mà hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ, đơn giản mà bạn có thể kiểm soát và làm ngay lập tức như bắt đầu tiết kiệm.

Thông điệp về tầm quan trọng của tiết kiệm và lối sống giản đơn đã được truyền đi rõ ràng và nhắc lại nhiều lần. Cuộc khảo sát năm 2014 của tổ chức TIAA-CREF trên những người có độ tuổi từ 55 tới 64 về điều gì họ muốn thay đổi để có thể an nhàn nghỉ hưu hơn, cho thấy có tới 52% người được hỏi nói rằng họ ước gì đã tiết kiệm tiền nghỉ hưu sớm hơn, 47% còn lại hối hận đã không tiết kiệm nhiều tiền hơn khi còn đang sung sức.

Ngoài ra, còn một vấn đề khác bạn có thể kiểm soát và rất nên lưu tâm tới chính là việc đầu tư. Dĩ nhiên, bạn không thể dự đoán trước sự lên xuống hay biến động của thị trường tài chính, nhưng như một nhà thông thái đã từng nói: “Việc bạn kiếm ra lợi nhuận ở đâu và như thế nào hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn”.

Việc đầu tư vào các quỹ có chỉ số thấp, đa dạng được rất nhiều đánh giá sẽ trở thành con gà đẻ trứng vàng khi họ nghỉ hưu. Hãy kiên trì với chiến lược: Không theo đuổi lợi nhuận, tránh đầu tư với chi phí cao, kiên nhẫn và nghĩ về lâu dài.

2. Chuẩn bị cho những điều bất ngờ

Trong một thế giới lý tưởng, việc nghỉ hưu sẽ diễn ra an bình và hạnh phúc, nhưng chúng ta không sống trong thế giới ấy. Trên thực tế, phần lớn người lao động sẽ phải trải qua nhiều cú sốc kinh tế trong cuộc đời như: mất việc làm, sức khỏe có vấn đề… tất cả đều có khả năng phá hỏng kế hoạch nghỉ hưu đã định sẵn.

Không thể tránh được những vận rủi, chính vì vậy bạn nên có biện pháp giảm thiểu tối đa thiệt hại mà những cú sốc mang lại.

Bạn có thể tiết kiệm nhiều hơn mức bạn cần. Số tiền dôi ra có thể được sử dụng như một “bước đệm” hỗ trợ bạn vượt qua những thời khắc khó khăn trong cuộc sống. Một người phụ nữ đã chia sẻ sự hối hận của mình khi không tiết kiệm hết mức có thể: “Tôi và chồng cũ có thu nhập khá cao, nhưng tôi gần như tiêu hết số tiền mình kiếm được. Sau khi ly hôn và thất nghiệp, tôi mới nhận ra là công việc tốt có thể không kéo dài như tôi tưởng tượng”. Một biện pháp khác bạn có thể nghĩ tới là mua bảo hiểm cho chính mình như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ…

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là việc bạn phải ý thức được những rủi ro luôn tiềm ẩn xung quanh ta, mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Bạn cần phải dự tính trước những trở ngại và cách thức đối phó với chúng.

3. Tâm hồn cũng cần được chăm sóc

3 điều mọi người đang đi làm cần phải biết để không hối tiếc ở tuổi về hưu - Ảnh 2.

Hưu trí là giai đoạn chuyển tiếp gây sốc với nhiều người vì nó ảnh hưởng lớn tới đời sống của mỗi cá nhân. Bạn không những phải quan tâm tới sự an toàn tài chính mà còn phải nghĩ sống như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa sau khi nghỉ hưu. Không ít người bày tỏ sự ngỡ ngàng khi không còn đi làm nữa: “Điều tôi không lường trước hay chuẩn bị chính là tôi không còn biết mình là ai khi nghỉ hưu”, hay “Ngày cuối cùng tôi bước ra khỏi văn phòng cũng là ngày cuối tôi gặp những người đồng nghiệp. Tôi đã có một công việc mà mình yêu thích và đột nhiên mọi thứ dừng lại”.

Một trong những lời khuyên thiết thực nhất là bạn nên tìm cho mình một sở thích riêng, một điều gì đó bạn có thể cống hiến cho cuộc sống như là: làm những công việc từ thiện, học những thứ bạn luôn mong mỏi được biết, chăm sóc người lớn tuổi…Hoặc tìm được sự say mê trong những môn thể thao, du lịch… Như vậy, đời sống hưu trí của bạn sẽ phong phú hơn và bạn cũng sẽ tìm được chính mình qua những thú vui như vậy.

Trước khi nghỉ hưu từ 5 tới 10 năm, bạn nên suy nghĩ thật kỹ về cuộc sống mình mong muốn khi không còn làm việc nữa, soạn sẵn cho mình một “cương lĩnh” về lối sống và sẵn sàng khi thời khắc điểm.

Theo Thu Hoài

Cùng chuyên mục
XEM