3 chuyến thăm Trung Quốc từ bí mật tới công khai, ông Kim Jong-un phát đi thông điệp gì?

20/06/2018 14:19 PM | Xã hội

Bên cạnh mục đích chính là thông báo kết quả hội đàm Mỹ-Triều cho Bắc Kinh, thì ông Kim Jong-un lần này còn muốn Trung Quốc hỗ trợ gỡ bỏ cấm vận, ủng hộ cải cách mở cửa.

"Ủy viên trưởng đảng Lao động Triều Tiên , Ủy viên trưởng Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành thăm Trung Quốc từ ngày 19 đến 20/6". Đây là công bố hiếm hoi của đài truyền hình trung ương Trung Quốc trước chuyến thăm của ông Kim Jong-un.

Đây là lần thứ ba, trong vòng ba tháng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sang thăm Trung Quốc. Chiều 19/6, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức nghi thức đón tiếp long trọng, hoan ngênh sự xuất hiện của người đồng cấp Triều Tiên.

Theo đánh giá, từ chuyến thăm bí mật Trung Quốc hồi tháng 3, tới cuộc đối thoại liên Triều, cho đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa kết thúc, ông Kim Jong-un đã chính thức bước từ sau cánh gà ra sân khấu chính, trở thành người thay đổi cục diện bị động của Triều Tiên.

Và đặc biệt, chuyến công du Trung Quốc lần thứ ba này cũng mang nhiều thông điệp khác biệt so với hai lần trước đó.

Phương thức khác nhau

Hai lần trước đó đều là những chuyến thăm bí mật, duy có lần này, thông tin về chuyến thăm được công bố sớm hơn, dù Trung Quốc không tiết lộ cụ thể lịch trình làm việc của ông Kim Jong-un.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đón ông Kim bằng nghi thức ngoại giao cấp cao. Các quan chức quan trọng như Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Bí thư ban Bí thư Vương Hộ Ninh, Chủ nhiệm văn phòng trung ương Đinh Tiết Tường v.v... đồng tham dự các hoạt động liên quan.

Trong chuyến thăm bí mật hồi tháng 3 vừa qua, ông Kim Jong-un đã ngồi xe lửa từ Bình Nhưỡng tới thẳng Bắc Kinh. Dù công tác bảo vệ an ninh ở ga Bắc Kinh và các tuyến phố thủ đô - trong thời đại công nghệ- đã khiến chuyến thăm khi đó của ông Kim mang tính chất bí mật nửa công khai nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn đợi ông về tới Bình Nhưỡng mới đưa tin.

Cách thức đưa tin này hoàn toàn giống với thông lệ trước đây về các chuyến ngoại giao của cha ông Kim Jong-un: Chỉ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên về nước, truyền thông Trung Quốc với đưa tin về chuyến thăm.

Không ngoại lệ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bí mật gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Đại Liên hồi tháng 5. Đây là lần đầu tiến ông Kim công du nước ngoài bằng chuyên cơ. Cuộc tản bộ trò chuyện của hai ông ở đảo Bổng Chùy đã trở thành thước phim tư liệu đặc sắc.

Tuy nhiên, chuyến công du này cũng giống chuyến thăm lần 1, truyền thông Trung Quốc chỉ công bố thông tin khi ông Kim đã rời Đại Liên về Bình Nhưỡng.

Giới quan sát cho rằng, với bước đột phá lần thứ ba cho thấy, ngoại giao Triều Tiên đã bắt đầu tuân theo quy ước quốc tế, dường như không cố giữ bí ẩn thêm nữa.

3 chuyến thăm Trung Quốc từ bí mật tới công khai, ông Kim Jong-un phát đi thông điệp gì? - Ảnh 1.

Chuyến công du Trung Quốc lần thứ ba này cũng mang nhiều thông điệp khác biệt so với hai lần trước đó. Ảnh: Tân Hoa Xã

Cục diện khác nhau

Một số ý kiến cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Kim được diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng muốn chìa cành ô liu với thế giới.

Tức là, sau khi kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cơ bản kiện toàn gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung, liên lục địa, Bình Nhưỡng nhanh chóng tiến hành các hoạt động ngoại giao đối ngoại nhằm tìm kiếm các cuộc đàm phán với Mỹ, chủ động chìa cành ô liu - hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump.

Do quyết tâm tìm kiếm sự thay đổi cho nên mới cần sự hỗ trợ từ Trung Quốc, chuyến thăm đầu tiên tới Bắc Kinh của ông Kim Jong-un được hình thành trong bối cảnh này, Đa chiều (Mỹ) nhận định.

Sau chuyến thăm này, tới ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Kim Jong-un đã ký Tuyên bố Bàn Môn Điếm tại hội nghị liên Triều, thông báo hai bên sẽ nỗ lực thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo.

Chuyến thăm Trung Quốc lần hai được thực hiện sau hội nghị liên Triều, là "bàn đạp" dẫn tới thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Từ 7-8/5 tại Đại Liên, theo thông báo của Tân Hoa Xã, ông Kim Jong-un đã đánh giá cao kiến thức uyên bác và tầm nhìn xa trông rộng của ông Tập Cận Bình, đồng thời cảm ơn những đóng góp quan trọng từ trước đến nay của Trung Quốc trong tiến trình thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo, duy trì hòa bình ổn định khu vực.

Đến ngày 10/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thời gian và địa điểm cuộc đàm phán Mỹ-Triều trên tài khoản twitter cá nhân: "Cuộc gặp được mong đợi nhất giữa tôi và ông Kim Jong-un sẽ được tổ chức ở Singapore vào ngày 12/6. Chúng tôi sẽ làm việc nỗ lực cùng nhau để biến nó trở thành khoảnh khắc đặc biệt của hòa bình thế giới".

Đến ngày 12/6, bỏ qua một số mâu thuẫn, thượng đỉnh Kim-Trump chính thức diễn ra, lãnh đạo hai nước đã có màn bắt tay lịch sử. Và từ ngày 19-20/6, ông Kim Jong-un đã tiến hành chuyến thăm chính thức Bắc Kinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, đằng sau Triều Tiên luôn có bóng hình Trung Quốc, thậm chí Bắc Kinh mới là bên thắng lớn sau hội nghị Mỹ-Triều.

3 chuyến thăm Trung Quốc từ bí mật tới công khai, ông Kim Jong-un phát đi thông điệp gì? - Ảnh 2.

Sau khi cục diện quốc tế thay đổi thì mục đích ngoại giao của ông Kim Jong-un cũng thay đổi. Ảnh: Tân Hoa Xã

Mục đích khác nhau

Theo Đa chiều, quyết tâm tìm kiếm sự thay đổi của ông Kim Jong-un đã quá rõ ràng. Chính vì mong muốn thay đổi nên Bình Nhưỡng mới cần sự giúp đỡ từ Trung Quốc - nước vẫn được coi là đồng minh thân thiết của Triều Tiên.

Về căn bản, mục đích hai chuyến thăm Trung Quốc đầu của ông Kim đều như nhau - tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc thúc đẩy quá trình chuyển mình của ngoại giao Triều Tiên. Đương nhiên, cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên vẫn là cốt lõi của hai chuyến thăm này.

Việc ông Kim Jong-un tới Singapore tham dự thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm 12/6 bằng chuyên cơ do Trung Quốc cung cấp có thể thấy sự tin tưởng của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh.

Sau khi cục diện quốc tế thay đổi thì đương nhiên mục đích của ông Kim Jong-un cũng thay đổi. Đa chiều cho rằng, bên cạnh mục đích chính là thông báo kết quả hội đàm Mỹ-Triều cho Bắc Kinh, thì ông Kim Jong-un lần này còn muốn Trung Quốc hỗ trợ gỡ bỏ cấm vận, ủng hộ cải cách mở cửa.

Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt là tiền đề quan trọng để thúc đẩy các chính sách cải cách của Triều Tiên, ông Kim Jong-un buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của Trung Quốc ở phương diện này, Đa chiều bình luận.

Ngoài ra, trả lời về việc dỡ bỏ cấm vận với Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/6 tuyên bố: "Cần căn cứ vào việc Triều Tiên tuân thủ, thực thi các quy định nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, tùy thuộc vào yêu cầu để điều chỉnh các biện pháp trừng phạt, bao gồm tạm dừng hoặc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan.

Trung Quốc luôn tin rằng, bản chất lệnh trừng phạt không phải là mục đích chính. Quyết định của LHQ cần hỗ trợ, phối hợp với nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo và các cuộc đối thoại ngoại giao hiện nay, nhằm thúc đẩy tiến trình giải quyết chính trị trên bán đảo".

Theo tờ này, không khó để nhận ra, Trung Quốc có ý định thúc đẩy điều chỉnh như tạm dừng, thậm chí gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

Theo Thủy Thu

Cùng chuyên mục
XEM