3 cách 'đánh lừa' trí nhớ của bạn để nó hoạt động hiệu quả hơn

14/11/2019 20:30 PM | Xã hội

Bạn đã bao giờ tự hỏi bộ não hoạt động thế nào khi bạn học chưa? Biết được điều này có thể cải thiện khả năng lưu giữ và tìm kiếm thông tin khi cần.

Có 3 cấu trúc bộ nhớ chính: bộ nhớ cảm giác, bộ nhớ làm việc và bộ nhớ dài hạn. Sử dụng những gợi ý dưới đây, bạn có thể kích hoạt cả 3 loại bộ nhớ để củng cố việc học của bạn.

1. Thử học cùng một nội dung bằng nhiều cách khác nhau

Kích hoạt bộ nhớ cảm giác là bước đầu tiên. Bộ nhớ này dựa vào các giác quan, vì thế để kích hoạt nó, bạn phải kích hoạt càng nhiều giác quan càng tốt.

Thay vì đọc sách giáo khoa, hãy thử sử dụng sách nói, các phương tiện hỗ trợ hình ảnh như poster, bài thuyết trình và các blog trên mạng.

Khi đã kích hoạt được bộ nhớ cảm giác, ta sẽ tham gia vào quá trình tập trung chú ý và nhận thức.

Con người ta cần phải chú ý vào việc học hỏi và càng dùng nhiều nguồn lực nhận thức cho một việc gì đó, thì chúng ta học càng nhanh. Đó là lý do tại sao trong một môi trường yên tĩnh chúng ta lại học dễ hơn.

Bộ nhớ cảm giác và bộ nhớ làm việc rất giới hạn, vì thế người học cần phân bổ nguồn lực của mình vào những thông tin quan trọng và giữ cho mình không bị phân tâm.

Nếu ban đầu bạn chưa hiểu được điều gì đó, có thể là bởi bạn chưa có đủ sự tập trung hoặc chưa nhận thức đúng được vấn đề. Hãy thử để cho tâm trí thư giãn (nghỉ ngơi một lúc) và nghĩ xem bạn đã tập trung hết sức vào vấn đề chưa.

3 cách đánh lừa trí nhớ của bạn để nó hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh 1.

2. Học những cái dễ trước, sau đó phát triển dần lên

Sau khi nhận thức và chú ý vào thứ cần học hỏi, thông tin được chuyển sang bộ nhớ làm việc. Đây là lúc quá trình xử lý có ý thức diễn ra.

Khi bạn đang làm một bài kiểm tra, bộ nhớ làm việc chính là cái quyết định câu trả lời cho các câu hỏi trong bài kiểm tra là gì và bạn sẽ tổ chức các câu trả lời đó ra sao.

Điều mà nhiều người không nhận ra được là, sau một thời gian dài ngồi học, bạn có thể bắt đầu cảm thấy như bạn không tiếp thu được nhiều như lúc đầu nữa. Đó là do chúng ta gặp phải trình trạng quá tải nhận thức.

Bộ nhớ làm việc của bạn chỉ có thể chứa được một lượng thông tin nhất định tại một thời điểm mà thôi. Độ lớn của lượng thông tin này phụ thuộc vào mức độ tri thức vốn có của bạn. Chẳng hạn, một đứa trẻ học bảng chữ cái sẽ không hề có kiến thức gì trước đó về các chữ cái, nên mỗi chữ cái sẽ là một "bit" thông tin, cả bảng chữ cái sẽ là khoảng 30 bit. Khi chúng đã quen thuộc rồi, các chữ cái đối với chúng là như nhau và trở thành 1 bit mà thôi.

Để bộ nhớ làm việc của bạn hoạt động hiệu quả hơn, hãy xem xét loại thông tin mà bạn đang tiếp nhận. Lượng thông tin đó nhiều hay ít (căn cứ vào lượng bit)? Liệu những gì bạn đang học có phải là thứ bạn cần nắm chắc trước khi có thể chuyển sang những phần khó hơn không? Nếu câu trả lời là "Đúng", nghĩa là bạn sẽ phải sử dụng khá nhiều "bit" trong bộ nhớ của bạn.

Hãy cố gắng nắm chắc những "bit" nhỏ hơn trước, để bạn có thể gọi ra thông tin đó dễ dàng hơn mà không phải sử dụng những nguồn lực nhận thức không cần thiết. Sau đó bạn mới tiếp tục chuyển sang những "bit" lớn hơn.

3 cách đánh lừa trí nhớ của bạn để nó hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh 2.

3. Kết nối thông tin mới với những thứ bạn đã biết

Thay vì xem lại những ghi chép để chuẩn bị cho bài thi, bạn hãy cố giải thích những gì mình đã học cho một ai đó có kiến thức về vấn đề đó. Nếu bạn đủ khả năng truyền tải lại chính xác những gì mình đã học, như vậy có nghĩa là bạn đã hiểu rõ vấn đề.

Hầu hết chúng ta đều có kinh nghiệm học và tiếp nhận thông tin nhưng sau đó không thể truy hồi lại thông tin mà chúng ta đã học. Hoặc nếu có gọi ra được thì thông tin lại bị sai lệch, nghĩa là ta không có được câu trả lời đúng.

Điều này có thể là bởi chúng ta học ở một mức độ bề mặt, trái ngược với mức độ xử lý thông tin sâu hơn. Học thuộc lòng bài học vào đêm trước khi đi thi có nghĩa là chúng ta không kết nối được thông tin với cấu trúc kiến thức đã được thiết lập của mỗi người.

Bạn có thể tìm cách kết nối những thông tin mới với các thông tin cũ bạn đang lưu giữ trong bộ nhớ dài hạn, chẳng hạn bằng cách vẽ một sơ đồ tương quan giữa điều mới và một điều cũ mà bạn đã biết.

Biết được những điều này về trí nhớ giúp bạn hiểu rõ tại sao một số phương pháp học tập lại hiệu quả hơn những phương pháp khác. Dù học để thi hay làm gì khác, điều quan trọng là chúng ta biết được não bộ hoạt động ra sao và làm thế nào để chúng ta nắm bắt kiến thức được tốt nhất.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM