2 tuần lại mở 1 cửa hàng vàng, PNJ đang sở hữu chuỗi nhiều hơn cả SJC, Doji và Bảo Tín Minh Châu cộng lại

13/07/2016 08:12 AM | Kinh doanh

6 tháng đầu năm, PNJ đã mở 13 cửa hàng, nâng số cửa hàng lên 204, lớn hơn cả 3 đối thủ Doji, SJC và Bảo Tín Minh Châu cộng lại. Việc chuyển hướng sang bán lẻ, tập trung vào đồ trang sức giúp lợi nhuận 6 tháng đầu năm của PNJ lớn gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trang sức vàng, bạc, đá quý, mua bán vàng miếng và các loại phụ kiện thời trang. PNJ có 3 kênh bán hàng là bán lẻ, bán sỉ và xuất khẩu. Trong đó, bán lẻ được PNJ xác định là mũi nhọn quan trọng nhất trong định hướng phát triển của công ty.

Theo tính toán từ số liệu của Hội đồng Vàng Thế Giới (WGC), giá trị vàng trang sức trên đầu người của Việt Nam năm 2015 là 6,2 USD, chỉ bằng 60% của Malaysia và 7% của Singapore. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêu thụ vàng trang sức của Việt Nam so với tổng tiêu thụ vàng chỉ chiếm 25%, trong khi tỷ lệ này tại các nước trong khu vực là trên 50% (ngoại trừ Thái Lan 14%).

Việt Nam là quốc gia có hơn 90 triệu dân, với 70% dân số thuộc nhóm tuổi từ 15 đến 64, nằm trong độ tuổi lao động và tiêu dùng, tạo ra lực lượng có tiềm năng mua sắm trang sức dồi dào.

Mặc dù là một trong 15 quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất trên thế giới, nhưng đa số người dân Việt Nam vẫn có thói quen mua vàng miếng nhằm đầu cơ tích trữ, hơn là làm đẹp. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi, khi lượng vàng trang sức tiêu thụ tại Việt Nam liên tục tăng trong 3 năm gần đây, trong khi lượng tiêu thụ vàng miếng giảm mạnh, giảm 33% năm 2014 và 15% năm 2015.

Điều này cũng khiến lãnh đạo PNJ xác định bán lẻ sẽ luôn là hoạt động kinh doanh mũi nhọn, tập trung nhiều nguồn lực và là mục tiêu phát triển lâu dài của công ty. 2 năm gần đây, thị phần bán lẻ của PNJ tăng mạnh, từ mức 12-14% nhảy vọt lên 21% rồi 25%.


Thị phần bán lẻ của PNJ

Thị phần bán lẻ của PNJ

Một báo cáo của Công ty chứng khoán cho biết, thị phần 25% của PNJ đang bỏ xa các đối thủ lớn nhất là Doji và SJC, khi thị phần 2 doanh nghiệp này đều nhỏ hơn 10%. Thực tế, SJC có thế mạnh về kinh doanh vàng miếng chứ chưa đầu tư nhiều cho mảng trang sức, còn Doji tuy đã đầu tư nâng cao hình ảnh thương hiệu nhưng do còn khá mới nên chưa đủ để thay đổi thói quen tiêu dùng.

Ngoài ra, PNJ sở hữu hệ thống cửa hàng bán lẻ rất lớn và vẫn đang tiếp tục đầu tư mở rộng. Tính đến cuối quý II/2016, PNJ có 204 cửa hàng bán lẻ ở 43 tỉnh thành trên cả nước và dự kiến mở thêm 12 cửa hàng trong 6 tháng cuối năm. Theo số liệu thống kê, con số cửa hàng của PNJ còn cao hơn cả 3 đối thủ khác cộng lại, gồm Doji với 32 cửa hàng; SJC là 41 cửa hàng và Bảo tín Minh Châu là 94 cửa hàng.

Các cổ đông PNJ sẽ là những người hài lòng nhất với việc chuyển hướng kinh doanh này, khi biên lợi nhuận từ bán lẻ khoảng 27% trong khi bán sỉ chỉ 3-5% còn xuất khẩu là 10-12%. 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu PNJ chỉ tăng 4% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận gộp tăng 30%, còn lợi nhuận trước thuế tăng 116%.

Sau giai đoạn chuyển hướng kinh doanh, tỷ trọng doanh thu trang sức vàng của PNJ đã tăng từ 21% năm 2011 lên gần 80% năm 2015 (tăng trưởng 20,9% mỗi năm). Trong khi đó, doanh thu từ vàng miếng từ 50% xuống chỉ còn dưới 20%.

Với tỷ trọng vàng miếng ngày càng giảm, PNJ có lẽ cũng không quá bận tâm tới cơn sốt vàng những ngày vừa qua.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM