2/3 dân số gốc Hoa, nhưng người Singapore đâu cần “giữ sự trong sáng cho tiếng Hán” mà họ vẫn phát triển đều đều

01/09/2016 10:52 AM | Kinh tế vĩ mô

Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên nếu tiếng Malay được Singapore coi là ngôn ngữ quốc gia chứ không phải tiếng Anh hay tiếng Trung và nhiều người sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi thứ tiếng quốc gia này còn ít được sử dụng hơn cả các ngôn ngữ khác.

Tại Singapore, có 4 ngôn ngữ chính được chính phủ công nhận bao gồm tiếng Malay (được sử dụng bởi Malaysia và Indonesia), tiếng Trung, tiếng Tamil (cho cộng đồng người Ấn Độ) và tiếng Anh. Trong đó, tiếng Malay được công nhận là ngôn ngữ quốc gia.

Nguyên nhân chính của việc có 4 ngôn ngữ chính được chính phủ công nhận là do sự đa dạng về dân tộc, văn hóa của quốc gia này. Trên thực tế, khảo sát năm 2009 cho thấy có khoảng hơn 20 loại ngôn ngữ được sử dụng tại Singapore, qua đó cho thấy sự phồn thịnh của văn hóa và sắc tộc tại đây.

Ngôn ngữ quốc gia thất thế

Theo dòng lịch sử, tiếng Malay địa phương (Melayu Pasar-một loại ngôn ngữ lai giữa tiếng Malay chính thống và tiếng Trung) ban đầu được sử dụng rộng rãi tại Singapore giữa những người dân bản địa, vốn là người Malaysia.

Tiếp theo đó, sự xâm lấn của đế quốc Anh trong thời kỳ thực dân khiến tiếng Anh ngày càng trở nên phổ biến tại đây.

Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều người Trung Quốc đã di tản đến Singapore, hoặc bị ép buộc bởi đế quốc Anh đến đây làm lao động. Kể từ đây, tiếng Trung bắt đầu được thịnh hành nhưng chủ yếu dưới dạng tiếng địa phương Phúc Kiến (Hokkien).

Sau đó, với sự giao thương ngày một nhiều với Trung Quốc cũng như sự phát triển kinh tế thần tốc của quốc gia đông dân nhất thế giới, tiếng quan thoại (tiếng Trung phổ thông -Mandarin) mới dần được nhiều người Singapore gốc Trung sử dụng.

Với sự tăng trưởng ngày một nhiều của người Trung Quốc cũng như vai trò ngày càng quan trọng của giới doanh nhân người Trung, tiếng Mandarin dần trở nên phổ biến hơn so với các loại ngôn ngữ khác.

Năm 1990, có khoảng 23,7% số người tại Singapore thường xuyên sử dụng tiếng Mandarin, cao hơn mức 18,8% của tiếng Anh và 14,3% của tiếng Malay. Còn lại là những loại ngôn ngữ khác như tiếng Phúc Kiến, tiếng Tamil hay những loại tiếng bản địa của người dân địa phương.

Hiện số người Singapore gốc Trung chiếm tới 74,3% dân số nước này, trong khi người Malay chiếm 13,3% còn người Ấn Độ chỉ chiếm 9,1%.

Dẫu vậy, sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội đang khiến người dân Singapore dần chuyển biến. Khoảng 42% số dân Singapore được sinh ra tại nước ngoài và lẽ dĩ nhiên, tiếng Anh dần chiếm ưu thế trong xã hội trước sự thông dụng của chúng.

Tỷ lệ số người Singapore sử dụng tiếng Anh thường xuyên đã tăng đều từ 18,8% năm 1990 lên 36,9% năm 2015, vượt qua cả tỷ lệ sử dụng tiếng Trung phổ thông là 34,9%.

Trong khi đó, số người sử dụng tiếng Malay, vốn được Singapore công nhận là ngôn ngữ quốc gia, lại giảm đều từ 14,3% năm 1990 xuống 10,7% năm 2015.


Những tấm bảng chỉ dẫn với nhiều ngôn ngữ tại Singapore

Những tấm bảng chỉ dẫn với nhiều ngôn ngữ tại Singapore

Với việc tiếng Anh được giảng dạy rộng rãi trong các trường học cũng như được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp và hành chính khiến loại ngôn ngữ này dẫn trở nên phổ biến ở Singapore là điều đương nhiên.

Trên thực tế, đa số người dân Singapore nói ít nhất 2 thứ tiếng trở lên và hầu hết một trong số đó là tiếng Anh. Năm 2000, khoảng 56% số dân Singapore nói ít nhất 2 thứ tiếng nhưng tỷ lệ này đã tăng mạnh lên 73,2% năm 2015.

Tiếng Anh trỗi dậy

Mặc dù tiếng Malay và tiếng Trung đã có lịch sử lâu đời tại Singapore, nhưng tiếng Anh lại thay thế được vị trí là ngôn ngữ sử dụng phổ biến tại quốc gia này.

Nguồn gốc của tiếng Anh tại Singapore bắt đầu từ năm 1819 khi đế quốc Anh bắt đầu giao thương với khu vực này. Tiếp theo đó, việc Singapore trở thành thuộc địa của Anh cho đến tận năm 1963 khiến tiếng Anh duy trì được vị thế của mình tại đây.

Dưới thời cai trị của thực dân Anh, pháp luật, cơ sở hạ tầng, mọi dịch vụ hành chính và những thương vụ kinh doanh đều có sử dụng tiếng Anh. Cũng với sự mở rộng cai trị của đế quốc Anh, việc phổ biến ngôn ngữ này cũng phát triển theo với nhiều trường học dùng tiếng Anh được xây dựng.

Khi Singapore giành độc lập vào năm 1965, chính quyền nước này quyết định giữ nguyên tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ phổ biến nhằm tận dụng tối đa các lợi ích về kinh tế mà chúng đem lại. Thời kỳ đó, người Anh để lại quá nhiều di sản tại Singapore, từ pháp luật, cơ sở hành chính, kỹ thuật... và việc biến tiếng Anh thành ngôn ngữ phụ là điều không thể.

Hơn nữa, tiếng Anh thời đó chiếm vai trò quá to lớn trong nền kinh tế thế giới, từ việc trao đổi mua bán, giáo dục, khoa học kỹ thuật cho đến quân sự đều có bóng dáng của loại ngôn ngữ này.

Với yếu tố đó, nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu và những quan chức khác đã hy vọng việc phát triển tiếng Anh sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế non trẻ của Singapore cũng như gia tăng khả năng vươn tầm ra thế giới của nước này.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân chính nữa khiến tiếng Anh được giảng dạy phổ biến trong các trường học của Singapore sau độc lập là nhằm trung hòa văn hóa, sắc tộc, tôn giáo tại quốc gia có nhiều dân tộc này.

Trong khoảng đầu thập niên 60 đến cuối thập niên 70, số học sinh được gửi đến các trường dạy bằng tiếng Anh tại Singapore đã tăng từ 50% lên 90% trong tổng số. Những trường học dạy bằng tiếng Mandarin, Malay hay Tamil dần mất sức hút và phải đóng cửa.

Khảo sát năm 2009 cho thấy có khoảng 60% số học sinh Singapore gốc Trung và 35% gốc Malaysia sử dụng tiếng Anh thường xuyên thay cho ngôn ngữ truyền thống của họ.

Không dừng lại ở đó, chính phủ Singapore còn khuyến khích người dân chuyển từ tiếng Anh lai tiếng bản địa (Singlish) sang dùng tiếng Anh chuẩn (English).

Trước đó, mặc dù người Anh phổ biến ngôn ngữ của họ trong thời kỳ thực dân những phần lớn giáo viên dạy tiếng Anh lúc đó đến từ nhiều nơi ngoài Anh như một số vùng tại Châu Âu, Mỹ hay thậm chí là từ Ấn Độ.

Bài hát Majulah Singapura được sáng tác bởi Zubir Said vào năm 1958 và chính thức được công nhận là quốc ca của Singapore vào năm 1965. Nguyên gốc bài hát là bằng tiếng Malay và pháp luật của nước này quy định chỉ được hát bằng lời Malay. Tuy nhiên, lời bài hát cũng được dịch sang tiếng Anh, Trung hay tiếng Ấn Độ để người dân hiểu nghĩa.

Thêm nữa, mỗi dân tộc tại Singapore đều có văn hóa và ngôn ngữ truyền thống lâu đời nên không dễ để thay đổi. Hệ quả là tiếng Anh được người Singapore phối hợp với ngôn ngữ mà họ sử dụng thường ngày để tạo ra một thứ tiếng Anh mới gọi là Singlish.

Mặc dù mọi người vẫn có thể giao tiếp quốc tế nhưng loại ngôn ngữ này không chuẩn trong giao dịch thương mại cũng như các văn bản pháp luật. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến chính phủ Singapore khuyến khích người dân chuyển sang tiếng Anh chuẩn.

Hiện nay, tất cả các học sinh, sinh viên tại Singapore đều được giảng dạy bằng tiếng Anh chuẩn cùng với một thứ tiếng khác tùy chọn làm ngôn ngữ thứ 2. Trong khi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trong công việc thì ngôn ngữ thứ 2 lại có ảnh hưởng nhiều hơn về văn hóa tại Singapore. Riêng tiếng Malay ngoài việc được sử dụng cho quốc ca (Majulah Singapura) cũng như các nghi lễ thì đang ngày càng ít được dùng trong xã hội Singapore ngày nay.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM