16.000 công ty mới thành lập mỗi ngày, đây chính là đối thủ mà Thung lũng Silicon đang hết sức dè chừng

27/12/2018 08:47 AM | Kinh doanh

Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu và Thâm Quyến đang nổi lên như những trung tâm công nghệ cao có khả năng cạnh tranh với Thung lũng Silicon.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ vẫn là quốc gia hàng đầu về khởi nghiệp trên thế giới với việc tạo ra một thế hệ các công ty mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Mặc dù vậy, Thung lũng Silicon hoàn toàn có lý do để lo lắng về sự phát triển mạnh mẽ của một đối thủ tiềm năng đến từ châu Á đang có tới 16.000 công ty được thành lập mỗi ngày: Trung Quốc.

Một báo cáo của chính phủ Trung Quốc cho biết số lượng startup kỳ lân có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên của nước này là 164 vào năm 2017, tăng 25% so với năm trước. Năm nay, việc sở hữu 181 startup kỳ lân đã giúp Trung Quốc vượt mặt Mỹ với 138 công ty.

Chính quyền Bắc Kinh đặt khá nhiều niềm tin vào những công ty này để giúp chuyển đổi nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước. Từ fintech cho đến ứng dụng gọi xe, các kỳ lân của Trung Quốc đang bắt đầu có tác động đến trật tự công nghiệp toàn cầu.

Bốn thành phố tập trung nhiều startup kỳ lân nhất của đất nước tỷ dân là Hàng Châu, Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh.

Hàng Châu, cách Thượng Hải 180 km về phía tây nam là quê hương của người sáng lập tập đoàn Alibaba và cũng là thành phố có nhiều công ty khởi nghiệp thứ ba tại Trung Quốc, sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, vận tải, dữ liệu lớn và thương mại điện tử liên tục xuất hiện tại Hàng Châu.

16.000 công ty mới thành lập mỗi ngày, đây chính là đối thủ mà Thung lũng Silicon đang hết sức dè chừng - Ảnh 1.

Số lượng startup kỳ lân ở Trung Quốc năm 2017.

Chen Jiping, CEO của công ty khởi nghiệp phân tích dữ liệu DTstack cho biết: "Thầy Ma nói rằng tương lai nằm ở dữ liệu lớn". "Thầy Ma" chính là tỷ phú Jack Ma, người được giới doanh nhân Hàng Châu tôn kính như một vị thần.

Thượng Hải từ lâu đã là thành phố dẫn đầu trong phát triển kinh tế ở Trung Quốc, trước khi "khởi nghiệp" trở thành xu hướng kinh doanh mới. Đầu năm nay, một trong những công ty nổi bật nhất là XNode đã hợp tác với đơn vị sản xuất rượu mạnh Pernod Ricard của Pháp để giới thiệu một hệ thống xúc tiến bán hàng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.

Thâm Quyến được chọn là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1980. Các công ty nước ngoài đầu tư vào thị trường Trung Quốc thông qua Hồng Kông đã biến làng chài này thành một trung tâm thương mại và trung tâm sản xuất điện tử lớn.

Junichi Fujioka, người đứng đầu một nhà sản xuất trong thành phố cho biết: "Thâm Quyến có hệ sinh thái cho phép các doanh nghiệp phát triển nhanh nhất có thể và sản xuất hàng loạt các thiết bị điện tử hiện đại".

16.000 công ty mới thành lập mỗi ngày, đây chính là đối thủ mà Thung lũng Silicon đang hết sức dè chừng - Ảnh 2.

Một chiếc máy bán hàng tự động thông minh giúp người bán hiểu rõ khách hàng của mình hơn.

Lợi thế lớn nhất của Bắc Kinh chính là vị trí như một trung tâm cải tiến của quốc gia và là nơi tập trung nhiều hàng hóa và nguồn vốn nhất. Thành phố này luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng về khởi nghiệp ở Trung Quốc và phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các ngành công nghệ cao khác.

Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và các viện quốc gia như Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đều nằm ở Quận Zhongguancun phía tây bắc của Bắc Kinh. Sự hợp tác giữa các tổ chức học thuật và công nghệ đã góp phần tạo ra nhiều startup mới của thành phố.

Fu Jianbo, Tiến sĩ vật lý của Đại học Bắc Kinh đã thành lập XMatrix Tech với ba người bạn cùng lớp vào năm 2015. Công ty khởi nghiệp của họ chuyên chế tạo các thiết bị đeo có độ chính xác cao và đang sử dụng công nghệ xử lý chất bán dẫn để thu nhỏ hơn nữa thiết bị của mình.

16.000 công ty mới thành lập mỗi ngày, đây chính là đối thủ mà Thung lũng Silicon đang hết sức dè chừng - Ảnh 3.

Công ty của Fu nằm ở TusPark, công viên khoa học được quản lý bởi một công ty đầu tư với sự hợp tác của Đại học Thanh Hoa

Tất nhiên, Bắc Kinh cũng là trung tâm chính trị của Trung Quốc. Zhang Fei, người sáng lập một startup quản lý tài sản trí tuệ mới đây đã tham dự một hội thảo được tổ chức bởi chính quyền thành phố.

Sự kiện kéo dài một tuần này cho người tham gia cơ hội tiếp xúc với các quan chức phụ trách chính sách sở hữu trí tuệ và các học giả. Buổi hội thảo đã giúp các doanh nhân hiểu hơn về một số xu hướng chính sách ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh để từ đó có kế hoạch phát triển phù hợp.

Gia Vũ

Từ khóa:  StartUp
Cùng chuyên mục
XEM